Chư Păh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Chư Păh với 8.400 ha cà phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 550 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 500 ha chanh dây, hơn 4.158 ha lúa, 148 ha bơ, 100 ha mít, 100 ha chuối… Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong 2 năm qua, bằng nguồn kinh phí 2 tỷ đồng từ ngân sách huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa vân lưới, cây ăn quả, trồng nấm sò, nấm bào ngư và nấm linh chi; nuôi cá thác lác cườm, diêu hồng, rô phi có sử dụng công nghệ sục khí; ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc của Wasi cho cây cà phê, cây ăn quả. Đồng thời, tổ chức 27 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp với 1.080 lượt người tham gia và 2 chuyến tham quan mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ nhà màng, giá thể xây dựng mô hình trồng dưa vân lưới” tại làng Ia Sik và thôn 2 (xã Ia Nhin) có quy mô 0,75 ha với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một phần vật tư thiết yếu; các hộ dân đối ứng làm nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm nước, một phần xơ dừa, công lao động và thụ hưởng 100% sản phẩm.

Từ khi triển khai mô hình đến nay, huyện đã nhân rộng được 4,8 ha nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao. Tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Nguyên (làng Ia Sik) cho hay: Cây dưa lưới rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng dưa lưới đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cho từng giai đoạn và thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại để xử lý kịp thời. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, phải đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân qua hệ thống tưới.

Đặc biệt, trong giai đoạn cây ra hoa phải tiến hành thụ phấn bằng cách thả 2 thùng ong mật trong nhà màng 1.000 m2. Dưa lưới trồng 60-75 ngày là cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1-1,7 kg/quả, năng suất đạt 3,3-4 tấn/1.000 m2, giá bán dao động 25-30 ngàn đồng/kg.

“Trồng dưa lưới trong nhà màng nhằm giảm thiểu sự tác động của thời tiết, ngăn ngừa côn trùng xâm nhập gây hại và lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Với 4.000 m2 nhà nhà màng trồng dưa lưới, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu nhập trên 800 triệu đồng/năm”-ông Nguyên chia sẻ.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên (thôn Ia Sik, xã Ia Nhin). Ảnh: Lê Nam

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên (thôn Ia Sik, xã Ia Nhin). Ảnh: Lê Nam

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai quy trình sản xuất nấm sò, nấm linh chi sử dụng công nghệ hấp thanh trùng và tưới phun sương. Hiệu quả kinh tế từ trồng nấm linh chi đạt 260-380 triệu đồng/100 m2/năm và nấm sò, nấm bào ngư đạt trên 200 triệu đồng/200 m2/năm.

Hiện nay, diện tích nhà trồng nấm sò trắng, nấm bào ngư và nấm linh chi đã được nhân rộng lên 6.500 m2 tại các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin và thị trấn Phú Hòa. Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa) cho hay: Nhà trồng nấm phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, có mái chống mưa dột và chủ động được các điều kiện sinh thái như nhiệt độ thích hợp cho nấm mọc, độ ẩm không khí 80-90%. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Thời gian thu hoạch nấm linh chi là 4-6 tháng, nấm sò là 3 tháng.

“Hiện nay, tôi bán nấm tại các chợ, quán ăn trên địa bàn huyện và khu vực lân cận. Nấm sò có giá 25-30 ngàn đồng/kg, nấm bào ngư giá 30-35 ngàn đồng/kg, nấm linh chi giá 500-700 ngàn đồng/kg tươi. Đây là mô hình phù hợp với sản xuất nông hộ, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”-chị Phương chia sẻ.

Mô hình nấm sò, nấm bào ngư và nấm linh chi của chị Nguyễn Thị Hoài Phương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Mô hình nấm sò, nấm bào ngư và nấm linh chi của chị Nguyễn Thị Hoài Phương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Bên cạnh đó, người dân trong huyện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tưới phun mưa tại gốc của Wasi cho cây trồng. Công nghệ này giúp tiết kiệm 25% lượng nước tưới, tiết kiệm công lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu cho đất. Toàn huyện có khoảng 200 ha cà phê, trên 600 ha cây ăn quả, 15 ha hồ tiêu, 6 ha rau màu, 20 ha khoai lang áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ của Wasi và Israel.

Ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng thành công các mô hình sản xuất rau củ quả sạch bằng công nghệ cao quy mô 4 ha tại các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa; xây dựng mô hình sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô khoảng 30 ha tại các xã: Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Ia Phí và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho 200 ha cây trồng.

Đồng thời, hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) đầu tư công nghệ chế biến sâu và bảo quản nông sản đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ; từng bước hình thành chuỗi cung ứng bền vững kết nối sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị, nhà hàng tại các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng mã vùng trồng hướng đến xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để sản xuất nông nghiệp bền vững, hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch, huyện tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, huyện đã được cấp 5 mã số vùng trồng gồm: 3 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 74,3 ha, 1 mã số vùng trồng chuối với diện tích 45 ha, 1 mã số vùng trồng mít với diện tích 55 ha. Ngoài ra, huyện đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Trồng trọt để cấp 7 mã số vùng trồng sầu riêng.

Hiện nay, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông) liên kết với 260 hộ dân canh tác khoảng 230 ha chanh dây. Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường (chi phí đầu tư được khấu trừ khi có sản phẩm thu hoạch). Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, chanh dây cho năng suất trên 45 tấn/ha.

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: “Hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ chanh dây với Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Group xây dựng 2 mã vùng trồng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích hơn 60 ha”.

Mô hình trồng cây sầu riêng trên địa bàn huyện Chư Păh cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam

Mô hình trồng cây sầu riêng trên địa bàn huyện Chư Păh cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa) đang liên kết với 10 hộ dân làm mã số vùng trồng cho hơn 10 ha sầu riêng. Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX-cho hay: Chư Păh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển các loại cây ăn quả, nhất là sầu riêng. Hiện tại, chúng tôi đã làm xong hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng sầu riêng gửi Cục Trồng trọt. Khi liên kết, HTX hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thu mua sản phẩm của người dân. Khi có mã số vùng trồng sầu riêng, HTX sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, tăng diện tích và xây dựng thêm mã số vùng trồng.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên cho biết: Những năm qua, cơ cấu cây trồng từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Người dân đã điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể. Huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… để giúp hàng nông sản của địa phương tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến xuất khẩu.

“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội trong việc thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, chú trọng yếu tố hợp tác và mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Đây chính là mục tiêu của sản xuất nông nghiệp bền vững”-Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.