Chợ phiên biên giới kết nối giao thương giữa Gia Lai và Ratanakiri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng biên giới tiếp cận các sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá cả phải chăng; đồng thời, mở ra cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). 
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường
Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có quy mô 60 gian hàng. Trong đó, có 20 gian hàng đặc trưng của tỉnh; 24 gian hàng của các xã, thị trấn thuộc huyện Đức Cơ; 6 gian hàng giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 10 gian hàng của các doanh nghiệp Campuchia. Ngành hàng tham gia gồm các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ẩm thực…
Từng tham gia rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhưng với chị Phạm Thị Bình-Chủ cơ sở sản xuất trà Nam Phúc (huyện Chư Prông) thì phiên chợ biên giới này vẫn là cơ hội tốt để cơ sở tiếp cận mở rộng thị trường. Chị Bình chia sẻ: “Cơ sở tham gia 1 gian hàng với các sản phẩm trà sả chanh, bột ngũ cốc, hạt ngũ cốc, trà đậu đen, trà mãng cầu, trà bí đao. Trong số này, sản phẩm trà sả chanh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cứ mỗi lần đi xúc tiến thương mại là cơ sở được tiếp cận trực tiếp, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để có định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm. Vì vậy, tôi mong muốn qua phiên chợ có nhiều người dân quan tâm đến sản phẩm để kết nối được khách hàng sỉ; đồng thời, tiếp cận được các doanh nghiệp Campuchia để có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ. Ảnh: Vũ Thảo
Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ. Ảnh: Vũ Thảo
Tương tự, chị Đoàn Thị Thúy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mật Ong T-Bee Gia Lai (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cũng bày tỏ kỳ vọng: “Đây là dịp để Công ty có cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa tại địa phương, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và đại lý bán lẻ. Đặc biệt, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngoài nước rất quan trọng để doanh nghiệp đưa sản phẩm vươn xa, nhất là thị trường Campuchia. Qua sự kết nối này đã có doanh nghiệp Campuchia đến tìm hiểu về sản phẩm và đánh giá cao chất lượng mật ong của Công ty. Hy vọng qua phiên chợ, sản phẩm của Công ty sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nước bạn”.
Còn chị Ry Na-chủ một gian hàng của Campuchia thì chia sẻ: “Tôi đưa các sản phẩm tiêu dùng của Campuchia sang trưng bày, giới thiệu tại phiên chợ với mong muốn khách hàng Gia Lai biết đến nhiều hơn sản phẩm của nước mình. Tại đây, tôi cũng đã tìm hiểu các gian hàng và thấy hàng hóa của tỉnh Gia Lai rất phong phú. Đây là cơ hội để cơ sở kết nối, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của Gia Lai”.
Trong những ngày diễn ra phiên chợ, đông đảo người dân vùng biên giới của 2 nước đã đến tham quan, mua sắm tại các gian hàng. Bà Hoàng Thị Thanh Hiếu (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) vui vẻ cho hay: “Hàng hóa trưng bày tại phiên chợ rất phong phú, đa dạng từ thực phẩm, dược liệu đến hàng tiêu dùng. Các gian bán hàng tiêu dùng của Campuchia cũng rất phong phú. Khi biết đến chương trình, tôi đã giới thiệu cho nhiều người để cùng đến mua sắm. Do xã Ia Nan cách xa trung tâm huyện nên phiên chợ lần này là cơ hội tốt để chúng tôi được tiếp cận các sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt. Khi đến đây, tôi cũng được giới thiệu và dùng thử các đặc sản của địa phương mình mà lâu nay chưa biết tới”.
Cơ hội kết nối giao thương
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri ngày càng được quan tâm. Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu qua biên giới với Campuchia trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 117 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên công tác xúc tiến thương mại, tổ chức phiên chợ, triển lãm vùng biên giới bị hạn chế.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Phiên chợ biên giới tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Vũ Thảo
Các đại biểu cắt băng khai mạc Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Vũ Thảo
Theo thống kê, trong 3 ngày diễn ra, phiên chợ biên giới thu hút hơn 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đạt 676 triệu đồng. 
“Vì vậy, phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh năm 2022 là dịp khởi động lại các chương trình xúc tiến thương mại biên giới của tỉnh. Phiên chợ nhằm tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri. Đồng thời, đây cũng là dịp để doanh nghiệp 2 tỉnh được giao thương, xúc tiến thương mại và xuất-nhập khẩu hàng hóa; khuyến khích đầu tư, phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav”-bà Nguyệt nhấn mạnh.
Khẳng định về tinh thần hợp tác giữa 2 bên, ông Kheav Tha-Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri-cho hay: “Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh lần này là bước trở lại của việc hợp tác giữa 2 bên nhằm góp phần mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp 2 tỉnh được giao thương, xúc tiến thương mại và xuất-nhập khẩu hàng hóa”.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.