Liên quan đến những đề xuất sửa đổi luật Kiểm toán nhà nước, tăng quyền cho Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết văn bản góp ý mà Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác nhiều đề xuất.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp UBTVQH sáng 10.12. Ảnh: GIA HÂN
Trình bày báo cáo đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10.12, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đề xuất sửa đổi 10 nội dung, như: mở rộng đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán với những người nộp thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; thực hiện giám định tư pháp về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cho KTNN... Ông Phớc cũng đề nghị bổ sung quyền ban hành các thông tư liên tịch của tổng KTNN, quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và tổ chức cá nhân liên quan...
Ông Phớc khẳng định, việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Tổng KTNN dẫn chứng, thời gian qua, KTNN phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp (DN), kể cả DN nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.
Thông qua cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định hơn 1.396 tỉ đồng; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, thời gian qua, việc kiểm toán phải thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn cho công tác kiểm toán.
Có những việc là của hành pháp, không phải của kiểm toán. Chẳng hạn như xử phạt hành chính, giám định tư pháp hay mở rộng đối tượng kiểm toán... Tất cả doanh nghiệp, các hộ tư nhân có phát sinh thuế và thuế là tài sản công, là tiền ngân sách nhưng có nhất định mở rộng phạm vi kiểm toán với tất cả doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không? Chính phủ 'bác' những đề xuất sửa luật để tăng quyền cho kiểm toán - ảnh 3 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, văn bản góp ý mà Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bác” những đề xuất sửa đổi luật của KTNN.
“Có những việc là của hành pháp, không phải của kiểm toán. Chẳng hạn như xử phạt hành chính, giám định tư pháp hay mở rộng đối tượng kiểm toán... Tất cả DN, các hộ tư nhân có phát sinh thuế và thuế là tài sản công, là tiền ngân sách nhưng có nhất định mở rộng phạm vi kiểm toán với tất cả DN ngoài nhà nước hay không?”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng KTNN chỉ cần làm hết chức năng đã được quy định trong Hiến pháp, còn việc phối hợp giữa các cơ quan thì không cần sửa luật vẫn có thể làm được.
Nói thêm về việc Chính phủ “bác” những đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong thực tế có một số trường hợp phát sinh như vấn đề giám định tư pháp, xử lý vi phạm hành chính; một số vướng mắc giữa KTNN và các cơ quan thanh, kiểm tra. Nhưng đây là những vấn đề cụ thể, còn khi xây dựng dự án luật cần xuất phát từ những nguyên tắc ban hành văn bản pháp luật.
“Chẳng hạn xử phạt hành chính là chức năng, thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Lấn sang thế này thì có thể xử lý được một vài vụ nhưng tổng thể sẽ vướng”, ông Long nói.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, khi thẩm tra sơ bộ các đề xuất của KTNN, thường trực ủy ban này cũng thấy còn nhiều vấn đề chưa được phù hợp, cần được nghiên cứu kỹ. Về tổng thể việc sửa đổi luật KTNN là nhằm tăng địa vị pháp lý, tăng cường phạm vi, nội dung kiểm toán, tăng cường công cụ cho KTNN để cơ quan này mạnh hơn, làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Nhưng để làm được việc này, phải giải quyết nhiều vấn đề khác, do đó rất cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ trước khi đề xuất sửa đổi.
Lê Hiệp (Thanh Niên)