Chia sẻ và cảm thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, câu chuyện nào của chúng tôi cuối cùng rồi cũng dẫn đến những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.
Nếu không phải là người có chính kiến, có lẽ chúng ta sẽ dễ bị cuốn theo những tin tức thiếu chính xác được cập nhật từng giờ. Bên cạnh những tin tức chính thống là nhan nhản những tin bên lề, hùa theo đó là ngàn vạn lời bình luận gây nhiễu loạn. Khen có, chê có, hỷ nộ ái ố đủ mọi cung bậc cảm xúc được bày tỏ. Không ngoại lệ, chúng tôi cũng bị cuốn vào vòng quay của những tháng ngày căng thẳng và cố gắng tìm những cách thức để có thể sẻ chia với nhau.
Bạn tôi là một bác sĩ. Bạn đã xung phong vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh để tham gia chống dịch. Bạn bảo, bản thân cũng lo lắng, vợ con cũng ngăn cản. Song nếu ai cũng lo sợ, cũng “thủ thế” trong lúc này thì lấy ai lo cho vùng dịch. Nghe bạn kể, tôi chỉ biết lặng người vì cảm phục. Tương tự bác sĩ ấy là nhiều bạn bè tôi quen biết, họ làm đủ mọi ngành nghề khác nhau, trong những ngày dịch bệnh, mỗi người mỗi việc, từ kêu gọi quyên góp tiền và thực phẩm, nấu cơm hỗ trợ khu cách ly, đến xin làm tình nguyện viên giúp việc trong các bệnh viện điều trị Covid. Những cách chia sẻ khó khăn của họ để lại sự cảm mến trong lòng biết bao người.
Còn chúng tôi, như bao người khác, cũng đang góp phần chống dịch bằng việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình. Nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bục giảng và học trò được tạm gác lại. Làm việc ở nhà nhưng khối lượng công việc tăng lên, lại giao tiếp hoàn toàn từ xa, qua không gian mạng nên việc gì cũng mất nhiều thời gian hơn. Mỗi ngày, khi mở phòng học trên máy tính, điều mong mỏi duy nhất là được nhìn thấy tất cả những cái tên của học trò đều xuất hiện, không vắng ai. Học trò của tôi, sau những ngày bỡ ngỡ làm quen với phương pháp học tập còn mới mẻ, giờ đã dần bắt nhịp và thích nghi. Những em chưa có thiết bị học tập đã đến nhà bạn học chung, vừa vui lại vừa có thể cùng nhau trao đổi bài vở. Bạn bè cùng lớp hỗ trợ nhau, chỉ bảo cách vào phòng học, cách làm bài tập, nộp bài; nhiều em còn hỗ trợ cả giáo viên trong việc liên lạc với bạn cùng lớp, đảm bảo thông tin thông suốt trên các nhóm học tập.
Nhiều phụ huynh mới đầu phản đối việc dạy học trực tuyến, vì cho rằng không hiệu quả thì nay cũng nhận thấy những ưu điểm và hỗ trợ giáo viên bằng cách nhắc nhở, giám sát việc học của con cái. Một số phụ huynh chia sẻ rằng: Trước đây do không tìm hiểu nên cũng chẳng để ý đến những bài giảng trên mạng, giờ cùng con tìm hiểu mới thấy có nhiều phần mềm học tập rất hay, rất sinh động, nhiều bài giảng giá trị, dễ hiểu. Ngồi bên cạnh xem con học, mình cũng học được bao nhiêu kiến thức mà thời của mình không có. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận được cuộc gọi của phụ huynh học sinh động viên tinh thần, rằng thấy thầy cô vất vả thật, cố gắng lên! Chỉ thế thôi mà thấy mình được sẻ chia, thấy phấn chấn, thấy mọi khó khăn vất vả phần nào như vơi bớt.
Trẻ con bây giờ rất thông minh, chúng nhanh nhạy trong việc tiếp thu công nghệ mới. Nếu biết động viên khích lệ, chúng sẽ phát huy được những khả năng của mình. Như tôi, những ngày đầu chưa thông thạo thao tác kỹ thuật dạy học trực tuyến trên máy tính, chỗ nào chưa rõ, tôi hỏi cậu con trai đang học THPT. Nhờ con chỉ một vài lần, tôi thao tác máy tính thành thạo và tự tin hơn, trong lòng nhẹ nhõm hẳn. Vừa làm vừa học hỏi, vừa nhờ đồng nghiệp và những người xung quanh chỉ giúp, tôi cũng hoàn thành khá tốt công việc của mình. Quan trọng hơn, trong những ngày căng thẳng vì dịch bệnh, tôi thấm thía một điều mà bình thường có khi mình cũng ít để ý, rằng nếu biết chia sẻ với nhau, chúng ta sẽ có thể hiểu, cảm thông và dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Khó khăn luôn là một mặt song hành với cuộc sống của con người. Nhận được sự sẻ chia trong lúc khó khăn, chẳng khác nào nắm được một bàn tay khi đang chới với. Biết sẻ chia, chúng ta sẽ biết cảm thông, biết đặt mình vào vị trí của người khác, khiến cuộc đời vơi đi bao nỗi nhọc nhằn.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở Kon Chiêng

Sức sống mới ở Kon Chiêng

(GLO)- Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của xã đang ngày càng khởi sắc
Hội Chữ thập đỏ huyện Kbang tiếp nhận hỗ trợ gia đình có 2 con bị tai nạn đuối nước

Hội Chữ thập đỏ huyện Kbang tiếp nhận hỗ trợ gia đình có 2 con bị tai nạn đuối nước

(GLO)- Như tin đã đưa, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 29/8/2024 hai chị em Huỳnh Lê Na (2013) và Huỳnh Tấn Đạt (2021) con của ông Huỳnh Tấn Cường (hộ cận nghèo trú tại thôn I, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không may đuối nước tử vong khi đi xe đạp qua ngầm tràn trên địa bàn thôn I xã Đăk Hlơ.
Bàn giao 2 căn nhà tình thương và tặng quà nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chư Pưh

Bàn giao 2 căn nhà tình thương và tặng quà nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chư Pưh

(GLO)- Ngày 29 và 30-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Quỹ từ thiện Tường Vân (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) bàn giao nhà tình thương cho hộ có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại xã Ia Hrú và thị trấn Nhơn Hòa.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

(GLO)- Nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sáng 29-8, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 6 (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Ia Lang.
Tặng 100 phần quà cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng 100 phần quà cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Chiều 28-8, thầy giáo Vũ Văn Tùng-người sáng lập “Tủ bánh mì 0 đồng” cho biết: Thầy mới nhận được 1 tấn gạo tẻ trị giá 16 triệu đồng, 1.000 cuốn vở và 200 cây bút bi trị giá 6 triệu đồng từ những người bạn làm công tác thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh.