Giá trị của sự tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xin mượn tên cuốn sách ấy của Piero Ferrucci để góp phần lý giải về “hiện tượng Phi Nhung” trong thời gian qua. Dù nữ ca sĩ tài sắc đã qua đời cách đây gần nửa tháng nhưng mọi thông tin trên báo chí, hình ảnh, MV (video ca nhạc) của Phi Nhung vẫn là ưu tiên tìm kiếm của khá nhiều người. Trên mạng xã hội, Youtube, các chương trình có sự tham gia của nữ ca sĩ sinh ra và lớn lên ở Pleiku luôn “chiếm sóng”. Đây là hiện tượng khiến người ta phải tự hỏi vì sao?
Trước tiên, Phi Nhung là người của công chúng nên sức hút rất lớn. Thời nào cũng vậy, công chúng luôn có nhu cầu biết mọi thông tin về những nghệ sĩ mà họ yêu mến. Được xem là “giọng ca ôm trọn bóng hình quê hương”, nữ ca sĩ luôn có lượng fan hâm mộ đông đảo trong nước và hải ngoại, bởi ai mà chẳng riêng mang trong lòng một tình yêu với quê nhà. Riêng với khán giả Phố núi, tên tuổi Phi Nhung gắn liền với 2 ca khúc dệt thành vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên: Thị trấn sương mù (nhạc sĩ Thanh Sơn) và Chiều lên bản Thượng (nhạc sĩ Lê Dinh). Với giọng hát ngọt ngào, da diết pha chút khàn đặc trưng, Phi Nhung đã tỏa sáng bằng chính tài năng của mình và chiếm trọn cảm tình của người hâm mộ. Đáng nói, cách Phi Nhung đối đãi với khán giả hết sức đặc biệt khi luôn xem họ là ân nhân. Có lần, khi chị đang biểu diễn, một vị khán giả lớn tuổi tiến đến gần bục sân khấu ngỏ ý muốn chụp chung tấm hình lưu niệm. Vì bục sân khấu quá cao, nữ ca sĩ đã không ngần ngại… nằm xuống sàn để vị khán giả này chụp ảnh selfie, trong lúc tay chị vẫn cầm micro hát. Khoảnh khắc ấy giúp Phi Nhung ghi điểm trong lòng người hâm mộ.
Phi Nhung tử tế với nghề, đó là điều không thể phủ nhận. Ở đâu cũng vậy, những người như thế luôn tìm được chỗ đứng vững chãi. Nhưng hơn thế, điều khiến nữ ca sĩ sẽ còn “sống” rất lâu trong lòng mọi người là bởi chị đã gieo xuống đời những hạt mầm tử tế với hành trình hơn 20 năm làm thiện nguyện tại Việt Nam. Và trong chuyến thiện nguyện cuối cùng giữa mùa dịch Covid-19 trước khi trở về Mỹ thăm con gái ruột sau 2 năm xa cách, Phi Nhung đã dang dở mọi dự định. Đại dịch chẳng nhân nhượng một ai. Khán giả thương chị còn bởi Phi Nhung làm việc thiện trong sáng, âm thầm. Trong một chương trình truyền hình phát sóng ngắn trước khi Phi Nhung qua đời, khán giả đã không khỏi bất ngờ khi biết Phi Như-cô con gái nuôi của chị được theo học tại Trường Quốc tế Học viện Anh quốc (UKA). Không chỉ được học ở trường của “con nhà giàu”, Phi Như còn được mẹ chăm sóc, phạt rèn nghiêm khắc từng lỗi chính tả. Mà Phi Nhung có đến 23 đứa con nuôi như thế ở Việt Nam. 
Vậy nên ai cũng xót xa khi một trái tim cống hiến hết mình vì nghệ thuật và hoạt động thiện nguyện đã ngừng đập. Thừa nhận mình không phải là người hâm mộ dòng nhạc mà Phi Nhung theo đuổi, song nhà thơ Văn Công Hùng vẫn dành những dòng tưởng niệm trên Facebook cá nhân: “Người tốt thường sống lâu. Những việc làm của Phi Nhung, cuộc đời của cô xứng đáng được thế. Lần thứ 2 viết tus vĩnh biệt em. Lần thứ nhất ngày em mất”.
Lý giải sâu hơn nữa sẽ hiểu vì sao người hâm mộ bày tỏ sự thương tiếc dành cho Phi Nhung như với một người thân. Là bởi, nữ ca sĩ là đại diện cho ước mơ vượt qua nghịch cảnh, thay đổi số phận. Từng là đứa con lai không biết mặt cha, sớm mồ côi mẹ, truân chuyên tìm sinh kế nuôi 5 đứa em nhưng Phi Nhung vẫn nỗ lực vươn đến thành công. Câu chuyện ấy lay động lòng người. Khán giả tìm thấy trong hình ảnh cô bé nghèo khó bán hàng rong ở rạp Diệp Kính (Pleiku) ngày nào một cứu cánh động viên bản thân họ đi tới, bất chấp mọi khó khăn. 
Ai rồi cũng một lần ra đi, đó là quy luật, chẳng thể cưỡng cầu. Nhưng ai tử tế thì sẽ còn ở mãi trong tâm tưởng những người xung quanh. Từng có ý kiến bỉ bôi, coi thường hiệu ứng đám đông-những người đang hoài thương xót cho sự qua đời của Phi Nhung. Ngược lại, bản thân người viết bài này cho rằng đó là điều không nên và cũng không cần giải thích. Phi Nhung hoàn toàn xứng đáng nhận được sự yêu mến, ngưỡng mộ. Cuộc đời vốn dĩ ân tình và công bằng và bất cứ giá trị cống hiến nào cũng đều được ghi nhớ. Khi nhiều người thực tâm đau lòng vì một người tử tế đã ra đi, khi ấy sự tử tế còn lan tỏa.  
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.