(GLO)- Đợt mưa lớn kéo dài hơn nửa tháng qua đã khiến hàng ngàn tấn mía cây vừa thu hoạch ở khu vực Đông Gia Lai phải nằm lại trên đồng và hư hỏng nặng. Tuy nhiên, nhiều nông dân nơi đây lại đang rất phấn khởi vì Nhà máy Đường An Khê vẫn đồng ý thu mua toàn bộ số mía này với phương thức và giá cả như mía bình thường.
Hàng vạn tấn mía bị hư hỏng
Khoảng 80% lượng mía hư hỏng đã được tập kết về trước Nhà máy chờ ép. Ảnh: H.T |
Thời gian này, đường sá ở khu vực phía Đông tỉnh đã bắt đầu khô ráo và cứng cáp trở lại. việc vận chuyển nông sản, trong đó có cây mía của bà con nhờ vậy đã dễ dàng hơn. Những ngày qua, nhiều nông dân đang tất bật huy động nhân công để bốc xếp mía trên đồng, vận chuyển về Nhà máy cho kịp thời.
Theo số liệu thống kê từ Nhà máy Đường An Khê, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên toàn vùng nguyên liệu của Nhà máy có khoảng 8.000-10.000 tấn mía cây của 300 hộ dân bị hư hỏng, không thể chế biến thành đường. Nguyên nhân là do mía đã chặt nhưng sau đó gặp mưa dài ngày, đường sá hư hỏng, ruộng mía bị mềm lún nên xe không thể vào vận chuyển được. Diện tích mía bị thiệt hại chủ yếu nằm ở các xã: An Trung, Chơ Long, Kông Yang, Yang Nam, Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro); An Thành, Hà Tam, Yang Bắc, Cư An, Tân An, Phú An, Ya Hội (huyện Đak Pơ); Kông Pla, Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Đông, Lơ Ku (huyện Kbang). riêng tại thị xã An Khê, nông dân chưa tiến hành thu hoạch nhiều nên mức độ thiệt hại không đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Chính (thôn Hbang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chia sẻ: “Gia đình tôi có 20 ha cả mía tơ lẫn mía gốc. Khi Nhà máy Đường An Khê bắt đầu vụ ép vào ngày 25-11, tôi cũng tiến hành thu hoạch luôn. Chở mới được cỡ 160 tấn thì trời mưa tầm tã hơn 20 ngày không ngớt. Nhìn 40 tấn mía đã chặt trên đồng cứ đỏ ửng rồi chuyển dần sang thâm đen, nấm mốc mà ruột tôi như xát muối. Cứ nghĩ Nhà máy không thu mua là coi như vứt bỏ, tính cả tiền đầu tư bỏ ra, tôi phải mất gần 70 triệu đồng. Không chỉ riêng nhà tôi mà 16 hộ khác trong thôn cũng rơi vào tình cảnh đó”.
Tương tự, niên vụ trước, ông Nguyễn Văn Bình (thôn 1, xã Thành An, thị xã An Khê) trồng được 2 ha mía ở gần nhà và 10 ha ở xã Kông Pla (huyện Kbang). Ngày 28-11 vừa qua, ông Bình tập trung nhân công đốn mía để bán cho Nhà máy Đường An Khê nhưng mới vận chuyển được 6 xe (tương đương 80 tấn mía cây) thì gặp mưa. Còn lại trên ruộng khoảng 50 tấn mía, ông Bình đành ngậm ngùi nhìn chúng dần hư hỏng. “Bao nhiêu công của đều tập trung cho cây mía, tới lúc thu hoạch còn bị hư. Tết sắp đến rồi, nhìn thấy mà rầu. Thêm vào đó, mưa nhiều không chỉ làm cho mía cũ không thu được mà còn khiến mía mới chậm tiến độ gieo trồng. Kiểu này qua năm gặp hạn hán, sợ lại phải tưới nước mới mong có thu”-ông Bình than thở.
Ngoài thiệt hại nói trên, người trồng mía còn phải bỏ thêm tiền công thu hoạch cho những diện tích bị đổ ngã do mưa lũ. Ước tính mía bị đổ ngã chiếm khoảng 5% tổng diện tích mía nguyên liệu của toàn vùng Đông Gia Lai.
Chia sẻ rủi ro cùng nông dân
Nông dân đang tập trung thu gom số mía hỏng do mưa để vận chuyển về nhà máy. Ảnh: H.T |
Ông Nguyễn Đức Chính (thôn Hbang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang): “Tụi tôi đang buồn bã không biết làm sao thì nhận được thông báo của Nhà máy là vẫn thu mua số mía hỏng với mức giá như mía bình thường. Bà con ai cũng vô cùng phấn khởi. Nếu Nhà máy mà không thu mua thì tụi tôi cũng chịu, lại còn tốn thêm công vác mía bỏ đi chứ cũng đâu để nó thối hỏng trên đồng được. Qua sự việc này, nông dân tụi tôi càng thêm tin tưởng vào Nhà máy và yên tâm hơn để đầu tư, phát triển cây mía trong thời gian tới”. |
Ông Lê Văn Dương-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê, cho biết: Tất cả số mía trên đều đã bị lên men chua, nấm mốc, hàm lượng đường đã chuyển hóa hết. Một số khác lại bị khô hoặc thối hỏng, gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Trước thực trạng trên, nhằm đồng hành và chia sẻ rủi ro với bà con sau thiên tai, Nhà máy Đường An Khê quyết định thu mua toàn bộ số mía bị hư trên đồng với phương thức và mức giá như đầu vụ, tức 950.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng. Hiện nay, Nhà máy đang huy động lực lượng cùng với người trồng tập kết hết số mía hỏng về Nhà máy để tiến hành ép. Sản phẩm thu được chắc cũng chỉ là mật rỉ với tỷ lệ thấp.
Cũng theo ông Dương, đợt mưa này đã khiến Nhà máy phải tạm dừng sản xuất chỉ sau 5 ngày hoạt động vụ mới. Đến nay, đơn vị đang chờ người dân vận chuyển hết số mía hư trên đồng về mới bắt đầu vận hành trở lại nhằm giải phóng hết lượng mía cũ không thể chế biến thành đường trước khi tiếp nhận số mía mới thu hoạch. Ước thiệt hại mà Nhà máy phải chịu sau đợt này khoảng hơn 10 tỷ đồng, tính cả chi phí nhiên-vật liệu và trả công lao động cho công nhân.
Được biết, hiện tại, hơn 80% số mía hỏng đã được người dân đưa về Nhà máy Đường An Khê. Đến ngày 24-12, Nhà máy sẽ vận hành trở lại sau đợt tạm nghỉ do thiếu nguyên liệu sản xuất vào ngày 1-12 vừa qua.
Hồng Thi