Chị Phạm Thị Phương: Tay trắng trở thành nông dân xuất sắc toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chỗ tay trắng, chị Phạm Thị Phương (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã từng bước vươn lên làm giàu với mô hình kinh tế trang trại. Càng vinh dự hơn khi chị là đại diện duy nhất của tỉnh được bình chọn trong danh sách 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Vào Nam ra Bắc học cách trồng cây ăn quả

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Kông Chro, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả của chị Phạm Thị Phương. Khu vườn của chị Phương có tổng diện tích hơn 10 ha, trồng nhiều loại cây ăn quả như: nhãn, ổi, na Thái và phần còn lại trồng mía, bắp, rau màu.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phương cho biết: Năm 1996, gia đình chị từ huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) vào xã Yang Trung theo diện kinh tế mới. Lúc mới vào, gia đình được chính quyền địa phương cấp 1 sào đất để làm nhà, trồng rau màu và bắp. Ở vùng đất mới, vợ chồng chị phải làm thuê đủ thứ nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Sau này, khi dành dụm được ít vốn, chị mua thêm 5 sào đất để trồng đậu xanh.

“Khi trồng rau màu, bắp và đậu xanh, tôi nhận thấy hiệu quả sản xuất không cao, giá cả bấp bênh. Sau đó, tôi chuyển sang trồng xoài và điều. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên vườn cây bị sâu bệnh, năng suất không cao.

Đến năm 2003, tôi quyết định cải tạo một phần diện tích đất để trồng 60 cây nhãn Hương Chi. Lúc đó, nhiều người dân trong xã còn xì xào rằng tôi làm khác người. Lý do là cây nhãn lúc đó còn khá lạ lẫm với bà con nơi đây”-chị Phương kể.

Vườn nhãn của gia đình chị Phạm Thị Phương mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: N.S

Vườn nhãn của gia đình chị Phạm Thị Phương mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: N.S

Theo chị Phương, để nắm vững kỹ thuật, chị phải khăn gói về quê nhà Hải Dương tham quan một số mô hình và học tập kinh nghiệm. Sau đó, chị đưa giống nhãn Hương Chi về trồng thử nghiệm. Do chưa nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng nhãn, chị gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Ngày đó, vườn nhãn liên tục bị sâu bệnh. Ngoài ra, thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây.

Để khắc phục những nhược điểm trên, chị lại về quê tiếp tục học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây nhãn. Nhờ đó, vườn nhãn của gia đình phát triển tốt. Năm 2007, gia đình chị thu được 71 triệu đồng từ vườn nhãn.

Nhận thấy hiệu quả, năm 2012, chị Phương quyết định phá bỏ diện tích điều và xoài để trồng hơn 3 ha nhãn giống T6, Hương Chi và Khoái Châu. Bên cạnh đó, với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, chị tiếp tục đầu tư trồng na Thái, ổi và dừa xiêm trên diện tích 3 ha. Để nắm vững kỹ thuật trồng những loại cây này, chị lặn lội vào Bến Tre học hỏi kinh nghiệm.

“Tôi trồng đa cây phòng khi loại này mất giá sẽ có loại khác bù vào, tránh tình trạng bán tháo, bán đổ. Cùng với đó, việc trồng nhiều loại cây ăn quả giúp gia đình mùa nào cũng có sản phẩm để bán”-chị Phương lý giải.

Đất cằn cho quả ngọt

Vùng đất Yang Trung vốn khô cằn, nhiều sỏi đá. Trước đây, người dân trong xã chỉ biết trồng mì, mía hay các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu đỗ… Thế nhưng, năng suất thấp, giá cả bấp bênh khiến thu nhập không đáng kể. Vài năm trở lại đây, người dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã hiện gần 158 ha.

Nói về kinh nghiệm trồng cây ăn quả, chị Phương chia sẻ: Để đảm bảo chất lượng quả sạch và an toàn, vườn cây của gia đình được canh tác theo hướng hữu cơ, có hệ thống tưới tự động. Chính vì vậy, sản phẩm trái cây của gia đình chị được thương lái tin tưởng vào tận vườn thu mua.

Ngoài ra, để hài hòa môi trường sinh thái, chị để cỏ mọc tự nhiên trong vườn cây làm thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Đất canh tác vì vậy luôn tơi xốp, thoáng khí, giúp cây thuận lợi hấp thụ dưỡng chất.

Nhân công đóng gói quả nhãn để xuất bán cho khách hàng. Ảnh: N.S

Nhân công đóng gói quả nhãn để xuất bán cho khách hàng. Ảnh: N.S

Bà Trịnh Thị Nguyện-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro: “Những năm qua, chị Phạm Thị Phương rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân phát động; hiến đất, làm đường để xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả trong lao động sản xuất, chị Phương đã được bình chọn là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, chị Phương tiếp tục cải tạo 4 sào đất trồng rau màu để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 10 con heo rừng nái. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 10-15 lứa heo giống.

“Sau thời gian kiến thiết cơ bản, mô hình trồng trọt và chăn nuôi đã mang về lợi nhuận cho gia đình khoảng 2 tỷ đồng/năm. Trong đó, chỉ riêng vườn nhãn mang lại khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, tôi đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe ô tô con để đi lại, xe tải để vận chuyển nông sản.

Ngoài ra, gia đình còn tạo việc làm cho 6-10 lao động ở địa phương vào vụ thu hoạch trái cây”-chị Phương nói.

Chị Trần Thị Thái (thôn 9, xã Yang Trung) cho hay: “Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch trái cây thì chị Phương thuê các chị em trong thôn thu hái, đóng gói sản phẩm. Tôi gắn bó với công việc này từ năm 2017 đến nay, thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhờ chị Phương hỗ trợ cây giống và hướng dẫn quy trình chăm sóc, tôi đã chuyển 2 ha mía kém hiệu quả sang trồng nhãn và na Thái”.

Nói về việc phát triển mô hình kinh tế trang trại trong thời gian tới, chị Phương cho biết sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích mía, bắp sang trồng nhãn, mít, na Thái và mắc ca; đồng thời dự định xây nhà nuôi chim yến. Ngoài ra, chị dự định liên kết với các hộ dân trồng cây ăn quả trong xã thành lập hợp tác xã để bà con chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình canh tác nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.

Trao đổi với P.V, bà Trịnh Thị Nguyện-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro-cho biết: Vài năm trở lại đây, người dân trong huyện có xu hướng chuyển đổi từ các loại cây lương thực sang trồng cây ăn quả, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, trang trại của chị Phạm Thị Phương là một trong những điển hình của địa phương và được rất nhiều hội viên nông dân đến tham quan, học hỏi.

Bên cạnh đó, chị Phương còn hướng dẫn bà con trong xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, hỗ trợ cây giống. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.