Chạy đua tìm 'thần dược' - Kỳ 6: Chiêu 'kim thiền thoát xác' của remdesivir

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 2-4, Công ty dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) bắt đầu hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đánh giá thuốc kháng virus phổ rộng remdesivir trong điều trị hai nhóm bệnh nhân COVID-19 ở mức nghiêm trọng và trung bình tại 15 địa điểm ở Anh.
Một nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của Công ty Gilead Sciences tại Foster City (bang California) -Ảnh: GETTY IMAGES
Một nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của Công ty Gilead Sciences tại Foster City (bang California) -Ảnh: GETTY IMAGES
Đây là thử nghiệm lâm sàng mới nhất trong hàng loạt thử nghiệm thuốc remdesivir từ tháng 2-2020 đến nay.
Bệnh nhân người Mỹ
Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh cuối tháng 2, TS dịch tễ học Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từng nhận xét: "Hiện tại chỉ có một loại thuốc duy nhất mà theo chúng tôi có thể hiệu quả thực sự, đó chính là remdesivir". Remdesivir (mã phát triển GS-5734) do Công ty Gilead Sciences ở Foster City (bang California, Mỹ) nghiên cứu.
Trước đây chẳng ai chú ý đến thuốc này. Hơn 10 năm trước, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện một hợp chất tiêu diệt được nhiều virus trong ống nghiệm, trong đó có virus corona. Lúc đó họ chỉ đặt tên đơn giản là 3a. Remdesivir hiện nay của Gilead chính là hậu duệ của hợp chất đó.
Ban đầu Gilead nghiên cứu remdesivir để điều trị bệnh do virus Ebola và virus Marburg gây sốt xuất huyết. Song bên cạnh đó, qua thử nghiệm trên động vật, remdesivir có phản ứng khả quan đối với các chủng virus corona gây bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, giới khoa học "móc" remdesivir ra thử nghiệm.
Ngày 19-1-2020, bệnh viện khu vực Providence ở Everett (bang Washington) tiếp nhận một bệnh nhân nam 35 tuổi đã ho và sốt bốn ngày. Người này có về thăm gia đình ở Vũ Hán và trở lại Mỹ hôm 15-1 thì khó thở và cần thở oxy. Kết quả chụp X-quang cho thấy viêm phổi. Lúc đó bệnh viện đã biết tin tại Trung Quốc có một số ca viêm phổi lạ.
Bác sĩ George Diaz, trưởng khoa bệnh nhiễm, thuật lại trên trang web STAT (Mỹ): "Thông tin đó đã giúp chúng tôi cảnh giác hơn". Ông báo cáo ca nghi vấn với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). CDC đề nghị dùng thử thuốc remdesivir. Bệnh viện liên hệ với Gilead đề nghị cấp thuốc, sau đó được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) xét duyệt điều trị.
Các bác sĩ bắt đầu dùng remdesivir điều trị vào tối 7-2 và không ghi nhận bất thường. Hôm sau, bệnh nhân giảm sốt, thân nhiệt từ 39,4 độ còn 37,3 độ, độ bão hòa oxy từ 94% tăng lên 96%, tiếng ran hai bên thùy dưới phổi không còn. Năm ngày sau, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng cũng hết, chỉ còn ho.
Remdesivir ức chế virus corona thế nào?
Từ cuối năm 2019, Công ty Gilead Sciences đã biết thông tin từ Vũ Hán ghi nhận nhiều ca viêm phổi bí ẩn và sau đó tin về chủng mới virus corona. TS hóa sinh Tomas Cihlar - phó giám đốc về virus học của Gilead - nhớ lại: 
"Vào thời điểm đó, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng". Khi Trung Quốc công bố bộ gen virus corona, Gilead tập trung nghiên cứu polymerase trong bộ gen virus và nhận thấy gần giống với polymerase của virus SARS, từ đó suy ra có thể dùng thuốc remdesivir.
Nhưng remdesivir chống lại virus corona thế nào khi virus corona và virus Ebola là hai chủng khác nhau? Độc chiêu của remdesivir là chiêu "kim thiền thoát xác". 
Virus corona có bộ gen ARN. Để tạo bản sao, virus dựa vào phân tử polymerase mới có thể xâu chuỗi các khối xây dựng riêng lẻ của bộ gen virus. Remdesivir không tấn công virus corona trực tiếp mà giả dạng bề ngoài adenosine (một trong những vật liệu ARN) giống đến mức polymerase tưởng là adenosine và chèn nó vào chuỗi bộ gen virus đang xây dựng.
Vào đến vị trí, remdesivir giữ vai trò như cái nắp ngăn không cho virus tạo thành bộ gen hoàn chỉnh, vì vậy virus bó tay, không thể sao chép hoặc lây nhiễm các tế bào khác. Virus sao chép không được nên lượng virus trong cơ thể bệnh nhân sẽ giảm. Remdesivir ức chế được virus corona vì polymerase của virus corona và virus Ebola giống nhau.
Ngày 14-2, GS Pr Denis Malvy (phải) thông báo với báo chí về ca điều trị “bệnh nhân Bordeaux” ở Pháp - Ảnh: sudouest.fr
Ngày 14-2, GS Pr Denis Malvy (phải) thông báo với báo chí về ca điều trị “bệnh nhân Bordeaux” ở Pháp - Ảnh: sudouest.fr
Từ bóng tối ra ánh sáng
Tháng 2-2020, remdesivir bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nước để đánh giá tính an toàn và hiệu quả trong điều trị COVID-19. 
Công ty Gilead Sciences tiến hành hai thử nghiệm giai đoạn 3 nơi bệnh nhân nguy kịch cần trợ thở và bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn. Các bệnh nhân được tuyển vào tháng 3 với số lượng 1.000 người trong giai đoạn đầu tại các nước có số ca mắc COVID-19 cao.
Trung Quốc đã tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng trên hai đối tượng bệnh nhân nghiêm trọng và không nghiêm trọng. Gilead phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm tại nhiều bệnh viện ở Hồ Bắc. Tổng cộng có 760 bệnh nhân tham gia.
Tại Mỹ, Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) tài trợ cho thử nghiệm giai đoạn 2 ở Trung tâm Y tế Đại học Nebraska. 
Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm phải hội đủ các yếu tố: nhiễm SARS-CoV-2 được phòng thí nghiệm xác nhận, có triệu chứng bệnh phổi bao gồm tiếng rít khi thở, cần trợ thở, phải thở máy hoặc X-quang ngực bất thường. Hai chương trình thử nghiệm lâm sàng Discovery của châu Âu và Solidarity của WHO vào tháng 3-2020 cũng đưa remdesivir vào bốn phương pháp điều trị COVID-19.
Remdesivir được chọn thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn vì hai yếu tố chính: đã chứng minh an toàn cho người trong thử nghiệm với virus Ebola và có tiềm năng giảm bệnh nhiễm do virus corona trong thử nghiệm tiền lâm sàng. 
Tháng 2-2020, Gilead và NIAID đã từng công bố nghiên cứu cho thấy remdesivir ức chế thành công quá trình nhân lên của virus MERS nơi khỉ nhiễm bệnh.
Ngoài thử nghiệm lâm sàng, remdesivir còn được sử dụng trong khuôn khổ "nghĩa vụ từ bi" (thuốc chưa qua thử nghiệm lâm sàng dùng cho bệnh nhân nặng) tại một số nước. Ở Pháp, bệnh nhân COVID-19 đầu tiên dùng remdesivir trong khuôn khổ này được gọi là "bệnh nhân Bordeaux" 48 tuổi. 
Ông có đi qua Vũ Hán, sau đó nhập viện tại bệnh viện Đại học Pellegrin ở Bordeaux ngày 23-1. Sau 22 ngày nằm viện, ông xuất viện với kết quả sạch virus. GS Denis Malvy phụ trách khoa bệnh nhiệt đới và du lịch của bệnh viện cho biết "bệnh nhân Bordeaux" được tiêm remdesivir trong 10 ngày và phân tử đã khuếch tán hoàn toàn vào phổi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà quan sát ghi nhận thử nghiệm remdesivir có thể thất bại vì virus SARS-CoV-2 có thể biến đổi nhanh đến mức không chọn được liều điều trị tốt nhất và chưa rõ lượng remdesivir vào phổi đủ sức loại bỏ virus hay không.
Le lói tín hiệu từ Úc
Ngày 3-4, Đài phát thanh - truyền hình ABC (Úc) đưa tin Viện Khám phá y sinh Monash hợp tác với Viện nghiên cứu bệnh nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Úc đã phát hiện chỉ cần trong 48 tiếng sử dụng một liều duy nhất thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn Ivermectin đã có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 phát triển (loại bỏ mọi ARN virus).
Đây chỉ là phát hiện trong nuôi cấy tế bào ở ống nghiệm nên cần chứng thực tính an toàn và hiệu quả của thuốc qua thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng.
Bà Jenny Mikakos - bộ trưởng y tế bang Victoria - đã kêu gọi mọi người không nên đổ xô đi mua Ivermectin vì đã từng xảy ra chết người do nghe đồn rồi uống thuốc không phù hợp. Ivermectin đã được FDA phê chuẩn và đã chứng minh hiệu quả trong ống nghiệm đối với các virus như HIV, sốt xuất huyết và cúm.
_____________________________________________
Nhật đã khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc chống cúm Avigan trong điều trị COVID-19. Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã xét duyệt đưa thuốc kháng HIV/AIDS Kaletra vào điều trị COVID-19.
Kỳ tới: Hai phương thuốc, một tấm lòng
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.