Chái bếp, cõi riêng của má

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người quê tôi thường xây gian nhà trên rộng nhất. Không phải ở mà để thờ. Gian nhà dưới đơn giản hơn, dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Còn chỗ nhỏ nhất, phía sau hè, để làm chái bếp. Nếu nhà trên được ưu tiên xây gạch thì cõi riêng của má được dựng bằng đất. Bùn non dưới ao trộn chung rơm rạ mà đắp thành tường. Bức tường đó vương những sợi khói từ ngày này qua ngày khác rồi ngả màu. Tôi không nhớ rõ chái bếp nhà mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết vách đã qua màu đen óng.
 

Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.
Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.

Đơn sơ lắm, nhưng với tôi, bếp chính là linh hồn của ngôi nhà. Nơi đó, ngày ngày tháng tháng, má luôn giữ lửa cho gia đình từ những bữa cơm chan chứa tình thương. Má nói, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, muốn biết đàn bà đảm đang hay không cứ ngó vô bếp. Bếp có thể đơn sơ nhưng phải ngăn nắp. Bếp có thể nghèo nhưng không được lạnh. Bếp luôn ấm áp, gia đạo mới hạnh phúc.

17 tuổi, má về nhà chồng. Cũng từ đó, phần lớn thời gian của má quyện chặt vào gian bếp. Hơn sáu chục năm qua, cứ bốn giờ sáng, má lại âm thầm nhóm bếp. Những buổi bình minh thường được má đánh thức bằng tiếng củi lửa tí ta tí tách, tiếng cơm sôi ùng ục và mùi cơm gạo mới thơm lừng...

 

 
Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.
Má tôi có một cõi riêng. Đó chính là chái bếp.

Hồi nhỏ, mỗi sớm, cứ vừa từ trên giường tuột xuống đất, chị em tôi đã chạy ra sau bếp kiếm má. Trong hơi sương lành lạnh, tôi thích cảm giác ấm áp ngồi bên má, hít hà mùi khói cay cay thơm nức mùi vườn tược. Mùi cây bạch đàn, mùi bẹ dừa, mùi cây dong, cây bắp... Có khi là mùi con cua đồng, con ốc bươu hay củ khoai mì nướng... Cái mùi mộc mạc nhà quê đó cài trong nỗi nhớ từ bao giờ, để thỉnh thoảng, trong sớm mai, tôi bần thần nhớ. Nhớ bếp, nhớ má. Một bếp lửa đơn sơ thôi, nhưng có lẽ đi hết cuộc đời này, đi hết hành tinh này, tôi không tìm được ở đâu...

Thương nhất ngày mưa dầm. Củi ẩm ương, khói nhiều. Má loay hoay thổi lửa, nước mắt ròng ròng... Những ngày nắng nóng, mồ hôi má ướt đẫm lưng áo. Cực vậy đó, nhưng trừ khi bệnh liệt giường, ngày nào má cũng lụi cụi trong bếp.

 

 
Cõi riêng của má được dựng bằng đất.
Cõi riêng của má được dựng bằng đất.

Với má, bếp không chỉ là nơi nấu nướng. Không ít lần tủi thân, má trốn ra chái bếp ngồi khóc. Có lần, tôi hỏi, má trả lời tại khói làm cay mắt. Hóa ra những sợi khói mỏng manh còn giúp che giấu nỗi buồn. Gian bếp mộc mạc cũng là không gian gần gũi nhất, dễ sẻ chia nhất của những người đàn bà.

Bây giờ, mỗi lần về nhà, muốn kiếm má, tôi cũng hay đi thẳng ra sau bếp. Cõi riêng của má vẫn là cái cà ràng phủ lọ đen. Vẫn là mảng vách đất ám khói kết nối với khu vườn bằng khung cửa sổ nhỏ. Má vẫn lụi cụi trong không gian thơm lừng mùi cây lá khô. Chỉ có điều, thời gian đã đè nặng lên đôi vai mỏng manh của má. Lưng má đã còng hơn. Suối tóc đen nhánh đã ngả màu sương khói. Đôi mắt má đã không còn tinh anh. Mỗi lần ngồi trước đống lửa rực sáng, nóng hổi, nước mắt sống lại chảy và lòa đi.

Có lần, bưng chén cơm má nấu lẫn ít muội than, em tôi sụt sịt khóc. Má hỏi làm sao mít ướt, nó trả lời không khóc, chỉ tại khói bếp nhiều quá chừng. Má lặng im, mái tóc bạc phơ ánh lên bên làn ánh sáng từ khu vườn xuyên qua cửa sổ. Tôi hiểu, mắt má đang yếu dần.

Tuổi tám mươi dần đưa má rời xa cõi riêng ấm áp ấy. Má cũng dần xa cõi tạm, dần xa chúng tôi. Má nói người của má giờ làm biếng sống lắm, cứ trở trời là tay chân nhấc lên hổng nổi. Ngày nào đó, nếu các con trở về, thấy bếp củi lạnh tanh là biết má hổng thèm lui cui trong bếp nữa mà má đang nằm ngoài vườn. Má sẽ bắt đầu một hành trình rong chơi thong dong ở cõi vĩnh hằng với hoa lá cỏ cây...

Mấy chục năm phiêu dạt đời người toan tính thiệt hơn rồi có lúc chỉ thèm một nỗi rất giản đơn. Đó là được ngồi bên mẹ trong chái bếp thơm mùi thời gian trong một ngày cuối năm.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.