Cây măng tây "bén đất" Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đưa giống măng tây vào trồng thử nghiệm. Tuy mới “bén rễ” nhưng cây măng tây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Trần Thị Loan (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) cho biết: Năm 2018, do mưa nhiều nên vườn hồ tiêu của gia đình bị chết. Sau đó, chị đã chuyển qua trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, công việc này khá tốn công, nhà lại neo người nên chị quyết định từ bỏ để tìm hiểu loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện gia đình.

Qua tìm hiểu, chị thấy măng tây là cây thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Do đó, chị đã mua giống về trồng thử trên diện tích 1 sào.

 Chị Loan (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) đang thu hoạch măng tây. Ảnh: Minh Thoan
Chị Trần Thị Loan (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) thu hoạch măng tây. Ảnh: Minh Thoan


Theo chị Loan, chi phí đầu tư ban đầu đối với diện tích này vào khoảng 30 triệu đồng. Sau hơn 8 tháng xuống giống, vườn măng tây đã cho thu hoạch. Mỗi ngày, chị thu hoạch khoảng 6-8 kg măng tây. Với giá bán tại vườn 60-70 ngàn đồng/kg, gia đình chị đã có một nguồn thu nhập đáng kể.

Thấy cây măng tây mang lại giá trị kinh tế cao nên chị Lê Thị Gấm (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) quyết định bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư trồng 1,5 sào. Với diện tích này, mỗi ngày, chị thu hoạch khoảng 10 kg măng, có ngày lên đến 13 kg. Mỗi tháng, gia đình chị thu về trên 15 triệu đồng.

Chị Gấm chia sẻ: “Tôi thấy cây măng tây khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây. Hiện tại, nguồn cung chưa đủ. Tôi mới chỉ đủ bán cho những bạn bè thân quen tại Gia Lai, Đà Lạt, Huế… Do đó, tôi rất muốn mở rộng mô hình này trong thời gian tới”.

Theo kinh nghiệm của chị Gấm, bà con nông dân cần tuân thủ các tiêu chuẩn từ bước chọn hạt giống đến chăm sóc và thu hoạch. Đất trồng phải đảm bảo tơi xốp, phân chuồng ủ trước 2-3 tháng. Từ lúc cây còn nhỏ đến lớn phải đảm bảo độ ẩm cho cây, tưới nước đều, làm cỏ. Khi thu hoạch, tuyệt đối không được làm hỏng bộ rễ.

Ngoài lấy ngọn để làm thực phẩm, gốc măng tây còn có thể dùng để làm trà, rất có lợi cho sức khỏe. Giá trà măng tây trên thị trường hiện ở mức 250-300 ngàn đồng/kg. Đây là cây trồng triển vọng đối với những hộ đang có hướng tìm cây trồng để “lấy ngắn nuôi dài”.
 

 MINH THOAN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.