Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật": Hóa giải mâu thuẫn từ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” ở huyện Đức Cơ đã hóa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn, vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Để giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh trong cộng đồng, tháng 5-2020, CLB “Nông dân với pháp luật” xã Ia Din được thành lập với 50 thành viên. Định kỳ hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt để trao đổi về tình hình sinh hoạt, điều kiện cuộc sống của người dân. Nếu có phát sinh mâu thuẫn thì các thành viên CLB sẽ hội ý, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ. Nếu các vụ khiếu nại chưa đến mức chuyển đến cấp có thầm quyền thì các thành viên CLB bàn bạc hóa giải kịp thời.
Ông Siu Ayên-Trưởng thôn Nẻh (xã Ia Din) cho biết: Làng có 310 hộ với 1.750 khẩu, phần lớn là đồng bào Jrai. Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” làng Nẻh có 5 thành viên gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng và một số người có uy tín. Trước đây, làng có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai, gây rối trật tự, mâu thuẫn trong hôn nhân... Nhờ thường xuyên tham gia tập huấn kiến thức pháp luật nên nhiều vụ việc mâu thuẫn trong làng đã được thành viên CLB hòa giải thành công, tình làng nghĩa xóm được giữ gìn.
Đơn cử như chuyện bất hòa giữa vợ chồng anh Rmah Bu và chị Rmah Bơ. Trong lúc uống rượu, chị Bơ chê anh Bu hát karaoke dở, không bằng người khác. Sau khi có hơi men trong người, nhớ lại việc mình bị vợ chế giễu nên anh Bu đập phá nhà cửa, đánh chị Bơ. Bức xúc, chị Bơ bỏ nhà ra đi nhiều ngày. Nắm bắt được thông tin, các thành viên CLB đến nhà vận động, giải thích nên mâu thuẫn vợ chồng được giải quyết. “Để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn của bà con trong làng, chúng tôi thường vận dụng các quy định của pháp luật, lồng ghép với hương ước và luật tục người Jrai để bà con dễ hiểu và tự giác thực hiện”-ông Yên chia sẻ.
Thành viên CLB “Nông dân với pháp luật” làng Nẻh (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: R’Ô Hok
Thành viên CLB “Nông dân với pháp luật” làng Nẻh (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: R’Ô Hok
Tương tự, mâu thuẫn giữa chị Siu Dâm (làng Le 1, xã Ia Lang) với các anh: Rmah Ut, Rah Lan Mác và Kpă Tương (làng Yít Rông 2, xã Ia Din) cũng đã được CLB chủ động phối hợp giải quyết thành công. Trước đó, 3 anh đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách và va chạm với xe chị Siu Dâm. Vụ tai nạn khiến xe máy của chị Siu Dâm bị hư hỏng, người trầy xước. Nắm bắt được thông tin, các thành viên trong CLB “Nông dân với pháp luật” làng Yít Rông 2 đã chủ động đến nhà vận động, giải thích và mời hai bên đến giải quyết. Nhờ ứng xử khéo léo, giải quyết hợp tình nên đôi bên nhận ra lỗi và bắt tay làm hòa, hỗ trợ thiệt hại cho nhau.
Bà Châu Thị Kiều-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din-cho biết: Để CLB hoạt động hiệu quả, các thành viên CLB còn tạo nhóm trên mạng xã hội để kịp thời truyền tải thông tin liên quan đến các chính sách, văn bản pháp luật mới. Ngoài ra, CLB còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tư vấn pháp luật, giúp người dân làm các thủ tục liên quan đến hộ tịch, quản lý đất đai, đăng ký khai sinh, kết hôn, làm thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết khiếu nại tố cáo... “Trong năm 2020, CLB đã giải quyết 4/4 đơn thư khiếu nại, tố cáo; hòa giải thành công 13/13 vụ việc mâu thuẫn của người dân”-bà Kiều cho biết thêm.
Tại xã Ia Krêl, CLB “Nông dân với pháp luật” được thành lập năm 2016. Đến nay, CLB có 50 thành viên. Để đạt hiệu quả, CLB thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng giải quyết vụ việc cho các thành viên và luôn đổi mới hình thức sinh hoạt. Bà Rmah H’Tum-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Krêl-cho hay: Từ khi thành lập đến nay, CLB đã giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở các thôn, làng.
Trao đổi với P.V, ông Võ Minh Khôi-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ-thông tin: Mô hình CLB “Nông dân với pháp luật” được triển khai tại 3 xã: Ia Din, Ia Nan và Ia Krêl. Từ khi thành lập đến nay, các CLB đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân, giải quyết thành công nhiều mâu thuẫn vướng mắc, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.