Cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav: Hợp tác cùng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 5 năm sau lễ thông xe vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia tại cặp Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia), kỳ vọng về sự phát triển toàn diện ở khu vực hai bên biên giới vẫn chưa thành hiện thực. Để cặp cửa khẩu có đủ điều kiện “thay da đổi thịt” đòi hỏi hai bên phải có sự tăng cường hợp tác hơn nữa.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội cũng như đời sống người dân hai bên khu vực CKQT Lệ Thanh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực hết sức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cũng như doanh nghiệp có hoạt động xuất-nhập khẩu qua cặp CKQT Lệ Thanh-Oyadav, song việc trao đổi, lưu thông hàng hóa vẫn đang gặp một số khó khăn. Cư dân biên giới cũng chưa được tạo điều kiện thông thoáng trong việc đi lại ở khu vực cửa khẩu để trao đổi, mua bán hàng hóa.
Người dân Campuchia làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Người dân Campuchia làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Điểm-Giám đốc Công ty TNHH Quang Sáng (huyện Đức Cơ) cho hay: “Hiện Việt Nam rất cần các mặt hàng nông sản từ Campuchia như: hạt điều, cao su... Ngược lại, phía Campuchia cũng đang rất cần những mặt hàng từ Việt Nam như: phân bón, đậu nành và các loại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cơ chế lưu thông hàng hóa vào Campuchia chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng như vật liệu xây dựng không thể xuất qua Campuchia. Tôi nghĩ, chúng ta cần bàn bạc, thống nhất về chế độ chính sách và phía Campuchia cần cởi mở, thông thoáng hơn để doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa sang, tạo sự sôi động về thương mại, phát triển kinh tế”. 
Cũng theo ông Điểm, Campuchia hiện rất cần nhập thiết bị máy móc từ Việt Nam để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đưa loại hàng hóa này sang do vướng chính sách phía Campuchia. “Đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ để chúng tôi ký kết hợp tác, buôn bán trực tiếp với đối tác ở Ratanakiri. Hiện chúng tôi đều phải ký gửi thông qua các doanh nghiệp ở Phnom Penh nên rất bất tiện. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Campuchia tuyên truyền, vận động người dân trong việc nâng cao chất lượng nông sản và kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng hàng hóa. Hiện hai bên cửa khẩu rất buồn tẻ, không có hoạt động mua bán, trong khi hàng hóa bên Việt Nam rẻ hơn Campuchia, người dân Campuchia cũng rất thích sang Việt Nam mua sắm. Vì vậy, cần tăng hạn mức tiền giao dịch qua khu vực biên giới để việc mua bán được phát triển, sôi động hơn”-ông Điểm đề xuất. 
Cần có nhiều hoạt động để thúc đẩy cặp cửa khẩu phát triển. Ảnh: Hà Duy
Cần có nhiều hoạt động để thúc đẩy cặp cửa khẩu phát triển. Ảnh: Hà Duy
Ông Say Chamroeun-Trưởng CKQT Oyadav cũng đề xuất: “Hiện lực lượng chức năng tại CKQT Lệ Thanh chỉ ký giấy cho chúng tôi loanh quanh khu vực biên giới, nếu xuống thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ hoặc đi xa hơn không được. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thông thoáng hơn để người dân Campuchia đi lại thoải mái hơn, nhất là khi thăm thân hoặc khám-chữa bệnh. Tôi cũng đã nghe về vấn đề tổ chức chợ phiên biên giới, riêng tôi rất đồng tình ủng hộ ý kiến này và mong muốn được triển khai. Chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này với chính quyền tỉnh Ratanakiri để bàn bạc kỹ hơn”.
Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Ban Quản lý CKQT Oyadav đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ phối hợp quản lý cửa khẩu. Trong đó, hai bên thống nhất thực hiện giờ làm việc tại cửa khẩu từ 7 giờ đến 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết. Ngoài ra, sẽ giải quyết các trường hợp đặc biệt qua lại biên giới theo đề nghị của hai bên. Các thủ tục, các loại thuế, phí, lệ phí, danh mục hàng cấm, hướng dẫn các mẫu tờ khai và thông tin cần thiết khác được niêm yết công khai tại cửa khẩu bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt-Anh và Khmer-Anh.
Các đơn vị chức năng tại cặp cửa khẩu cũng thống nhất thường xuyên tiếp xúc và thông báo cho nhau các thông tin có liên quan đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm; thông tin mới về chính sách xuất-nhập khẩu, xuất-nhập cảnh, quá cảnh; hợp tác chặt chẽ đảm bảo an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu. Hàng quý, lãnh đạo hai bên tiếp xúc, trao đổi thông tin về công tác phối hợp giữa 2 cửa khẩu; hàng năm, tổ chức họp giao ban các lực lượng công tác tại CKQT Lệ Thanh và CKQT Oyadav.
“Nhiều doanh nghiệp Campuchia cũng muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức những đợt đưa doanh nghiệp đến Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng để tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Mối quan hệ hai bên đang rất tốt, chúng ta sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa để được kết quả như mong muốn”-ông Say Chamroeun cho biết. 
HÀ DUY 
 

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.