Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được kỳ vọng trở thành trục giao thông chiến lược, kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi tỉnh Gia Lai (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, tuyến đường càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển dịch vụ logistics và vận tải biển.
Tăng tốc triển khai dự án
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (ngày 27.6), với 446/447 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu kết nối quốc lộ 19B (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định cũ) và điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Pleiku cũ). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2025 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2029. Khi đưa vào hoạt động, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Quy Nhơn đến Pleiku từ khoảng 4 giờ còn 2 giờ, đồng thời khắc phục khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm khi lưu thông qua các đèo An Khê, Mang Yang.
![]() |
Đèo An Khê quanh co hiểm trở, không còn là lực cản lớn với tỉnh Gia Lai khi có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: MINH NGUYỄN |
Bên cạnh đó, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là hết sức cần thiết, làm tiền đề và động lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, phát huy được lợi thế của hệ thống cảng biển Quy Nhơn nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung. Dự án sẽ hình thành trục ngang Đông -Tây kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với trục dọc (cao tốc Bắc - Nam), đóng vai trò kết nối chặt chẽ giữa biển và rừng, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và phát triển KT-XH cho toàn khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Phấn khởi trước thông tin này, ông Ngô Quốc Vũ, Giám đốc Công ty CP Container Quy Nhơn (Viconship Quy Nhơn, số 83 Hai Bà Trưng, phường Quy Nhơn) cho biết: “Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Gia Lai (cũ) về Cảng Quy Nhơn chủ yếu qua QL 19, mất nhiều thời gian và tiềm ẩn rủi ro hư hỏng hàng hóa, nhất là với hàng nông sản, trái cây tươi, hàng đông lạnh. Mỗi năm, DN vận chuyển trên 2.000 container, gồm điều, chuối, cà phê, tinh bột sắn… Nếu có đường cao tốc, thời gian sẽ được rút ngắn, chi phí giảm, hàng hóa thông thương qua cảng sẽ nhiều hơn. Thậm chí, một số DN ở tỉnh Kon Tum (cũ), Đắk Lắk cũng sẽ cân nhắc đưa hàng về Quy Nhơn thay vì TP Hồ Chí Minh như hiện nay”.
![]() |
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hình thành sẽ thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ trực tiếp tại cảng biển Quy Nhơn để tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: MINH NGUYỄN |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới) Nguyễn Hữu Quế khẳng định: Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn tạo động lực quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Trung Bộ. Tuyến đường góp phần tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, liên kết các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng và các địa phương liên quan, kết nối với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Không chỉ là “mạch máu” cho vận chuyển hàng hóa, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku còn được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho du lịch liên vùng giữa biển và rừng. “Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án, đồng thời đẩy nhanh việc tiến hành các bước lập báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn và giải phóng mặt bằng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án, bàn giao mặt bằng cũng đang được triển khai tích cực nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án”- ông Nguyễn Hữu Quế thông tin.
Đòn bẩy phát triển logistics
Cùng với QL 19, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sau khi hoàn thành sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch kết nối cao tốc Đông - Tây với cao tốc Bắc - Nam, hỗ trợ mạnh mẽ phát triển logistics, xuất - nhập khẩu và vận chuyển nội địa. Đáng chú ý, hiện tỉnh Gia Lai (cũ) có đến 97.000 ha cà phê, sản lượng trên 250 nghìn tấn/năm; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; gần 80.000 ha cao su, sản lượng mủ khô đạt 117 nghìn tấn/năm; hơn 78.000 ha mì, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm... Các sản phẩm này có giá trị kinh tế cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và đã có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu và Nhật Bản... Từ lợi thế này, nếu vùng nguyên liệu lớn của Tây Nguyên được kết nối chặt chẽ hơn với hạ tầng logistics của tỉnh Bình Định (cũ) - nơi có cảng biển, sân bay thì bài toán vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sẽ được giải quyết hiệu quả hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng 50% thời gian vận chuyển từ khu vực Tây Nguyên về cảng. Đây là cơ hội để Cảng Quy Nhơn thu hút thêm nguồn hàng, thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ trực tiếp, nâng cao vị thế trong chuỗi logistics khu vực. Việc lưu thông thuận lợi sẽ góp phần chuyển dịch luồng hàng hóa từ Tây Nguyên đến tuyến hàng hải quốc tế gần nhất qua Cảng Quy Nhơn. Ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, khẳng định: Khi nút thắt lưu thông được tháo gỡ, chắc chắn kinh tế vùng, đặc biệt là dịch vụ logistics sẽ phát triển, giúp hàng hóa của khu vực Tây Nguyên tiết giảm chi phí logistic và tăng tính cạnh tranh của các DN địa phương trên thị trường quốc tế.
![]() |
Dự kiến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có hướng tuyến song song với tuyến quốc lộ 19 và có chi phí hỗ trợ, bồi thường, tái định cư hơn 4.715 tỷ đồng. |
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai (mới), hiện dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ) còn khá nhỏ lẻ, chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho bãi. Do vậy, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và quy hoạch Trung tâm logistics tại huyện Mang Yang (cũ), đồng thời đề xuất đầu tư cảng cạn kết nối với cao tốc. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút DN lớn đầu tư vào lĩnh vực logistics.
Bàn về giải pháp phát triển dịch vụ logistics, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng: Tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn đạt chuẩn quốc tế, hiện đại nhằm cung cấp dịch vụ logistics hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho DN. Cùng với đó, cần khuyến khích DN tham gia các hiệp hội ngành logistics để cập nhật thông tin, công nghệ mới và cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, các hiệp hội ngành logistics sẽ là đầu mối hỗ trợ các DN logistics trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng thu hút nguồn hàng và mở rộng dịch vụ logistics, xây dựng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước. “Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được kỳ vọng sẽ trở thành “xương sống” cho liên kết KT-XH của tỉnh Gia Lai (mới) và toàn vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần tạo ra sự bứt phá về hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng trong thời gian tới”- bà Hồ Thị Thu Hòa nhận định.
MINH NGUYỄN