Canh tác hữu cơ từ chế phẩm IMO: Nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa (viết tắt là IMO), anh Nguyễn Văn Thiện (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tiết kiệm 75% chi phí so với dùng phân bón vô cơ.


Năm 2016, anh Nguyễn Văn Thiện bắt đầu trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, vườn cây chưa mang lại hiệu quả cao do anh chưa có nhiều kiến thức và kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đầu năm 2021, qua phương tiện truyền thông đại chúng, anh Thiện tiếp cận phương pháp chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO để mang lại hiệu quả cao.

Kể từ đó, anh dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO. Để làm chế phẩm IMO gốc, anh Thiện dùng sữa chua cộng với các chất men tiêu hóa dành cho người, cùng hỗn hợp các loại rau củ như: chuối, đu đủ, bí đỏ… sau đó hòa trộn với men rượu, cám gạo và nước sạch rồi ủ trong thùng phuy khoảng 7 ngày.

Anh Nguyễn Văn Thiện bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Anh Nguyễn Văn Thiện bên những thùng phân vi sinh tự làm. Ảnh: Hà Phương

Khi thành công với chế phẩm IMO gốc, anh pha trộn theo tỷ lệ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của vườn cây. Thông thường, anh Thiện pha trộn theo tỷ lệ 1/10 (10 lít IMO gốc nhân lên thành 100 lít). Với công thức này, anh không cần bổ sung các chất dinh dưỡng khác mà chỉ sử dụng chế phẩm IMO. Ngoài ra, anh tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong vườn để tăng thêm độ phì nhiêu của đất. Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít của gia đình, anh Thiện phấn khởi: “Mít năm nay ra trái to và rất ngọt. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thương lái vẫn đến tận vườn thu mua”.

Trên diện tích 2 ha, anh Thiện trồng 1.600 cây cà phê, 170 cây sầu riêng và 200 cây mít Thái. Mỗi năm, anh thu hơn 200 triệu đồng từ vườn mít Thái. Sắp tới, vườn sầu riêng sẽ thu bói với 3-4 tấn quả. Riêng vườn cà phê, vụ tới năng suất ước đạt khoảng 35-40 tấn.

Với việc áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ từ chế phẩm IMO, trung bình 1 năm, anh Thiện chỉ đầu tư hơn 10 triệu đồng/ha. Các năm tiếp theo, chi phí đầu tư không đáng kể. Nếu sử dụng phân hóa học cho 1 ha cây trồng, bình thường phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đồng, chưa kể bón thêm phân chuồng. “Sau nhiều năm canh tác, đất ít nhiễm khuẩn, bạc màu vì không có hóa chất, lúc đó các khoản chi phí đầu tư sẽ giảm đáng kể. Nếu lạm dụng phân hóa học thì chất dinh dưỡng trong đất sẽ mất đi”-anh Thiện chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thiện bên những thùng phân vi sinh tự làm. Ảnh: Hà Phương
Anh Nguyễn Văn Thiện bên vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Hà Phương

Để chứng minh thêm hiệu quả của mô hình vườn cây theo hướng hữu cơ, anh Thiện dẫn giải: Trong khi các hộ khác đều làm sạch cỏ dưới gốc cây thì anh lại làm theo kiểu “vườn lười”, để cỏ mọc tự nhiên xung quanh các gốc cây. Làm như vậy là để tạo cho vi sinh vật phát triển tự nhiên, giữ ẩm, qua đó giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. “Trung bình 1 năm, gia đình tôi chỉ làm cỏ 1-2 lần và có kiểm soát thay vì làm sạch hoàn toàn. Khi mới trồng cà phê, tôi chỉ cuốc 1 lần duy nhất để làm hố, còn từ ngày thu bói đến giờ gần như không đụng chạm đến cuốc nữa”-anh Thiện cho hay.

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ du lịch Ia Mơ Nông-cho biết: Vườn cây trồng theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO của anh Thiện mang lại hiệu quả rõ rệt. Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì thông tin: Trên địa bàn huyện có rất ít mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Vì vậy, giai đoạn 2021-2025, huyện chú trọng triển khai mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất cà phê sạch, khi đó bắt buộc phải sử dụng phân bón hữu cơ. “Anh Nguyễn Văn Thiện không những triển khai canh tác theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO mà còn sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm rất hiệu quả. Hơn nữa, khi chăm sóc theo hướng hữu cơ, cây trồng đạt chất lượng thì giá cả cũng cao hơn so với sản phẩm bình thường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con nông dân học tập và làm theo mô hình sản xuất của anh Thiện”-ông Sơn nhìn nhận.

HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.