Cần đảm bảo an toàn hoạt động khai thác đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc sống của một số người dân làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động nổ mìn, khai thác đá và chở vật liệu của một số doanh nghiệp.  
Chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt chạy dọc trên tường nhà, anh Siu Chíu rầu rĩ cho biết: Căn nhà của anh mới xây được hơn 1 năm. Mỗi lần doanh nghiệp cho nổ mìn thì căn nhà bị rung chuyển theo. Gia đình anh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhà sập. “Trước đây, doanh nghiệp nổ mìn 2 lần/tuần, vào 5 giờ chiều. Thời gian gần đây, số lần nổ mìn giảm còn 1 lần/tháng. Tuy nhiên, nếu hoạt động nổ mìn vẫn còn tiếp diễn với mức rung chấn như thế này thì tôi lo là căn nhà sẽ tiếp tục bị nứt nghiêm trọng hơn”-anh Chíu lo lắng.
Anh Chíu rầu rĩ chỉ về tường nhà bị nứt do ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn
Anh Siu Chíu (làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) chỉ tay về phía tường nhà bị nứt do ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn. Ảnh: Nhật Hào
Cách nhà anh Chíu không xa, ông Klan cũng than thở về việc khai thác đá ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất lúa của gia đình. Gia đình ông Klan có 1,4 sào lúa nằm ở vùng trũng thấp. Những năm trước, đám ruộng này vẫn đảm bảo nước tưới 2 vụ. Nhưng 2 năm nay, cứ tới vụ mùa, nước thường xuyên bị cạn dẫn tới cây trồng kém phát triển. “Những vụ trước, tôi thu được trên 20 bao lúa thì nay chỉ được 5-6 bao. Không riêng nhà tôi mà ruộng lúa của nhiều gia đình khác cũng giảm năng suất do bị cạn nước. Tình trạng này xảy ra kể từ khi các doanh nghiệp khai thác đá tại địa bàn. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp xem xét lại hoạt động khai thác đá để không ảnh hưởng tới sản xuất của người dân”-ông Klan bày tỏ.
Theo ông Y Hăng-Trưởng thôn Mơ Nú, việc khai thác đá gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân đã nhiều năm nay. Đặc biệt, 2 năm gần đây, gần 4 ha lúa của người dân thường xuyên bị cạn nước vào vụ mùa. Bên cạnh đó, việc cắm biển cảnh báo tại các khu vực khai thác chưa đảm bảo, cùng với việc xe chở vật liệu chạy với tốc độ cao gây bụi bẩn vào mùa khô và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. “Dân làng Mơ Nú mong doanh nghiệp xem xét lại việc nổ mìn để không ảnh hưởng tới nhà ở của người dân, cắm đầy đủ biển báo, tưới nước mặt đường vào mùa khô và giảm tốc độ khi chở vật liệu lưu thông trên các tuyến đường làng. Đồng thời, xem xét lại độ sâu khai thác để tránh ảnh hưởng tới mạch nước ngầm làm thiệt hại cho người dân trong sản xuất”-Trưởng thôn Y Hăng kiến nghị.
Hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku). Ảnh: Nhật Hào
Hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku). Ảnh: Nhật Hào
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Nga-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku-cho biết: Tại khu vực làng Mơ Nú có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá gồm Công ty cổ phần khoáng sản THL và Công ty TNHH Châu Phát. Sau khi có phản ánh của người dân, cuối tháng 4-2021, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với UBND xã Chư Á kiểm tra hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp. Qua kiểm tra, 2 doanh nghiệp đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý về khai thác khoáng sản và thực hiện khai thác đúng phạm vi được cấp phép. Riêng các vấn đề người dân phản ánh, đoàn kiểm tra đã có hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục trong thời gian tới. “Đoàn yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm tưới nước trên các tuyến đường xe chở vật liệu đi qua và phải phủ bạt để tránh gây bụi bẩn. Cùng với đó, UBND xã cần tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, chạy quá tốc độ. Đối với việc khai thác đá gây cạn nước, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân, UBND thành phố đã nhắc nhở các công ty có trách nhiệm hoàn thổ, đồng thời cắm đầy đủ biển cảnh báo để người dân biết. Về việc nổ mìn gây nứt nhà dân, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra để có hướng xử lý”-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố thông tin.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.