(GLO)- Lời Tòa soạn: Sau khi TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, hàng ngàn công dân Gia Lai tự phát trở về địa phương gây áp lực rất lớn cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Xung quanh vấn đề cách ly tập trung và đảm bảo an toàn phòng-chống lây nhiễm chéo, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế.
* P.V: Thưa ông, việc cách ly tập trung các công dân từ vùng dịch về tỉnh được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Như Nguyện |
- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Trong những ngày qua, lượng người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về Gia Lai rất đông. Người về từ hàng trăm đến hàng ngàn, đi cùng suốt chặng đường dài và không giãn cách. Vì vậy, chỉ cần một ca F0 trong đoàn thì nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao. Bên cạnh đó, các chốt kiểm soát không có đủ thời gian, sức lực để đánh giá dịch tễ, phân loại tại chốt.
Trước tình hình đó, tỉnh đã có chủ trương cách ly tập trung đối với người dân về từ vùng dịch, sau đó triển khai xét nghiệm, đánh giá dịch tễ, sàng lọc phân khu và tách nhóm dần. Giải pháp này tuy tốn kém, vất vả nhưng cơ bản an toàn cho cộng đồng và giữ vững vùng xanh cho tỉnh. Đây cũng là biện pháp tỉnh đã triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả từ những đợt dịch trước.
* P.V: Tuy đã dự lường và chủ động nhưng công dân tự phát từ vùng dịch về quá đông gây ra những áp lực gì đối với các khu cách ly tập trung, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Việc cách ly tập trung công dân tự phát trở về từ vùng dịch gặp khó khăn vì lượng người rất lớn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 14.431 công dân đang cách ly tập trung tại 75 cơ sở cách ly do quân đội quản lý, trong đó có 221 phụ nữ mang thai và 1.876 trẻ em. Ngoài ra, còn có 364 người đang cách ly tập trung tại 4 khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku.
Để quản lý tốt người thực hiện cách ly, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, lực lượng tuyến đầu từ công an, bộ đội, y-bác sỹ và cả hệ thống chính trị vào cuộc sàng lọc, phân loại, cách ly sớm. Trong quá trình cách ly tập trung còn tiếp tục phân loại để đánh giá mức độ nguy cơ đối với từng đối tượng cụ thể, tránh quá tải tại các khu cách ly. Tuy nhiên, do nhiều khu cách ly bị quá tải nên dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo.
Ngành Y tế đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các cấp, cơ sở y tế, khu cách ly tập trung nhanh chóng phân loại, đánh giá và sàng lọc đối tượng. Những người đã tiêm 2 mũi vắc xin có xét nghiệm âm tính, từng mắc bệnh hoặc từ vùng xanh, vùng vàng, vùng cam về thì tổ chức cách ly theo từng khu, từng phòng với đối tượng nguy cơ giống nhau, hạn chế tối đa vấn đề lây chéo. Đồng thời, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để sớm bóc tách F0 ra khỏi khu vực cách ly.
Hàng ngàn công dân từ vùng dịch trở về tỉnh trong thời gian qua đã được cách ly tập trung theo quy định. Ảnh: Như Nguyện |
* P.V: Việc trở về tự phát, ồ ạt của người dân đã gây nhiều khó khăn cho công tác phòng-chống dịch của tỉnh. Vậy ông khuyến cáo gì đối với người dân về vấn đề này?
- Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Qua thời gian dài ở trong vùng dịch, người dân có nhu cầu trở về tỉnh là chính đáng. Tuy nhiên, việc trở về một cách tự phát dẫn đến tập trung đông người trên đường đi và tại các chốt kiểm soát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan từ người này qua người khác. Ngoài ra, việc đi theo đoàn đông đúc, hành trình dài ngày rất dễ xảy ra tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ.
Hiện nay, tỉnh cũng đã có kế hoạch tiếp tục đón công dân về quê và đang chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Vì vậy mong người dân bình tĩnh, cân nhắc lựa chọn phương án để trở về an toàn, giảm bớt khó khăn.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)