(GLO)- Ngày 31-7, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến kiểm tra tình hình di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư làng căn cứ cách mạng Bi Yông (xã Pờ Tó) và có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Văn Quân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Bố trí, sắp xếp dân cư làng Bi Yông phải đảm bảo diện tích
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiểm tra quy hoạch sắp xếp dân cư làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Ảnh: Đ.P |
Sáng 31-7, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư làng Bi Yông theo đề án xây dựng làng nông thôn mới. Đây là làng căn cứ cách mạng có 155 hộ/904 khẩu, trong đó, đồng bào Bahnar có 131 hộ/851 khẩu, chiếm 90,1%. Theo đề án của huyện Ia Pa sẽ thực hiện di dời, sắp xếp lại 71/131 căn nhà của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 44 căn nhà phải di dời (36 căn di dời sang vị trí mới và 8 căn xoay hướng tại chỗ).
Không khí di dời nhà cửa ở làng Bi Yông mấy ngày nay rộn ràng như vào hội. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã điều động lực lượng bộ đội đến chung tay giúp người dân di dời nhà cửa. Đại úy Lê Anh Thương-Chính trị viên phó Tiểu đoàn Hóa học 21 (Bộ Tham mưu Quân đoàn 3) đang chỉ huy 30 cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ gia đình ông Đinh Nheo di dời nhà sàn sang vị trí mới. “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, từ ngày 28-7, đơn vị đã cơ động đến làng Bi Yông để giúp dân di dời nhà cửa. Đây là nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm cố gắng hết sức để giúp người dân di dời, sắp xếp lại nhà cửa khoa học, hợp lý. Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã di dời được 4/44 căn nhà. Sau khi di dời xong nhà cửa, đơn vị sẽ hướng dẫn người dân bố trí đất vườn rau, làm chuồng trại chăn nuôi”-Đại úy Thương cho biết.
Ông Đinh Xoan-Trưởng thôn Bi Yông-cho hay, đời sống của nhiều hộ dân trong làng còn khó khăn vì dân trí thấp, cách bố trí nhà cửa, vườn tược và sản xuất chưa hợp lý. “Bây giờ, được Đảng, Nhà nước quan tâm, có bộ đội đến nhà giúp di dời nhà cửa, bà con rất vui mừng. Cả thanh niên, phụ nữ và dân làng đang ra sức cùng bộ đội di dời, sắp xếp lại nhà cửa, bố trí lại sản xuất”-ông Xoan nói.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng Cụm Công nghiệp Ia Pa. Ảnh: Đ.P |
Quan sát bộ đội cùng dân làng sát cánh cùng di dời nhà cửa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang rất phấn khởi. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo huyện Ia Pa bố trí, sắp xếp dân cư phải đảm bảo diện tích để các hộ làm nhà, làm vườn rau và chuồng trại chăn nuôi. Sau khi hoàn thành ở làng Bi Yông, huyện phải có kế hoạch xây dựng các làng nông thôn mới khác.
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn cho biết, huyện đã bố trí kinh phí san ủi một số trục đường chính trong làng Bi Yông; hỗ trợ trụ bê tông và lưới B40 để làm hàng rào dọc theo các trục đường làng; quy hoạch lại dân cư theo hướng nhà có cổng ngõ quay ra đường chính...
Chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề bức xúc
Cũng trong sáng 31-7, đi kiểm tra thực tế tại 2 lò sấy thuốc lá ở làng Bi Yông (xã Pờ Tó), phát hiện người dân trữ nhiều gỗ rừng để làm chất đốt, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang rất bức xúc về tình trạng này. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo chính quyền huyện, xã và ngành chức năng huyện Ia Pa phải thấy rõ trách nhiệm trong vấn đề này; phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện và lãnh đạo UBND xã; đồng thời yêu cầu các chủ lò sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng gỗ rừng để sấy thuốc lá, nếu vi phạm thì kiên quyết không cho hoạt động.
Trên đường từ xã Pờ Tó về trung tâm hành chính huyện Ia Pa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang dừng lại bên đường đoạn gần ngã ba làng Blôm (xã Kim Tân). Chỉ tay lên ngọn đồi phía trước đã bị cạo trọc để lấy đất làm rẫy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo huyện Ia Pa phải báo cáo rõ kế hoạch bao giờ trồng rừng thay thế vào những diện tích nói trên. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng cho biết, huyện đang triển khai kế hoạch trồng mới 110 ha rừng ở những diện tích rừng bị lấn chiếm mới thu hồi.
Chiều cùng ngày, làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương. Trong đó, nổi lên tình hình bệnh trắng lá mía hết sức nguy cấp. Hiện diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá lên đến 1.213,3 ha/5.124 ha (chiếm hơn 23,4% tổng diện tích mía toàn huyện); trong đó, diện tích đã cày tiêu hủy là 532,4 ha, diện tích đang xử lý là 680,9 ha. Việc xây dựng cánh đồng mì lớn gặp khó khăn vì phía Nhà máy Tinh bột mì ở xã Pờ Tó không hợp tác. Cùng với đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt lấy nước từ Nhà máy Nước Phú Thiện kéo về vẫn chưa đưa vào sử dụng được vì Nhà máy đầu mối phía huyện Phú Thiện chưa hoàn thành. Cụm Công nghiệp của huyện quy hoạch 30 ha tại xã Kim Tân có 17 hộ đã đồng ý kiểm đếm để tiến hành đền bù với diện tích 18,7 ha; còn lại 5 hộ với 11,3 ha chưa đồng ý với giá đền bù của huyện. Việc giao hơn 22.000 ha rừng cho UBND xã Ia Tul quản lý là quá lớn, vượt quá khả năng của xã. Cùng với đó, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp được cấp phép mua bán gỗ và đều đóng chân ở gần rừng nên gây phức tạp về vấn đề quản lý bảo vệ rừng…
Bộ đội giúp dân làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) di dời nhà. Ảnh: Như Loan |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa cần triển khai các giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh khẩn trương quy hoạch tổng thể thị trấn Ia Pa để có cơ sở đầu tư phát triển. Hiện toàn huyện Ia Pa chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới và hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 23%), do vậy, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện cần huy động nhiều nguồn lực để tập trung triển khai hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hình thành các vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực với quy mô lớn theo chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã, nhất là sản xuất nông nghiêp công nghệ cao như mô hình chăn nuôi heo theo quy trình công nghiệp tại các xã: Ia Trôk, Ia Ma Rơn và Pờ Tó. Các ngành chức năng của huyện cần có biện pháp để phòng-chống bệnh trắng lá mía trên địa bàn. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công. Chú trọng phát triển đảng viên, thành lập chi ủy chi bộ thôn, làng; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện phải kiểm tra, xử lý nghiêm việc các chủ lò sấy thuốc lá sử dụng gỗ rừng làm chất đốt; xử lý nghiêm việc vận chuyển gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy; ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong chuyến làm việc tại Ia Pa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm mô hình trồng dứa Cayen rộng 4 ha của Hợp tác xã Tân Tiến (xã Pờ Tó) phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao; thăm trang trại nuôi heo giống quy mô 60.000 con/năm của Tập đoàn CP; thăm trang trại nuôi heo thịt quy mô 10.000 con/năm của Công ty Navifarm liên kết với Tập đoàn CP tại xã Pờ Tó. Bí thư Tỉnh ủy cũng đến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại Cụm Công nghiệp huyện Ia Pa quy mô 30 ha đặt tại xã Kim Tân. |
Đức Phương