Bốn ngày trên Đảo Ngọc-Kỳ cuối: Vui ngày gặp lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù theo chương trình thì đến 9 giờ ngày 6-4, buổi lễ kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” tại Di tích quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc mới bắt đầu, nhưng từ ngày 3-4, đã có hàng ngàn đại biểu là các cựu tù chính trị yêu nước từ khắp đất nước có mặt ở Phú Quốc.

Nhiều người trong số họ đã có vài lần trở lại nơi này, nhưng đa số là những người lần đầu tiên kể từ khi được kẻ thù trao trả (tháng 4-1973) nay mới có dịp trở lại viếng đồng đội, những người đã vĩnh viễn ra đi dưới nanh vuốt của kẻ thù và thăm nơi mà trước đây bọn cai ngục dưới thời Mỹ-ngụy tra tấn, đày đọa mình.

 
Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Đ.M.P
Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Đ.M.P

Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhiều người 45 năm mới gặp lại bạn tù. Những câu chuyện “ngày xưa” cứ tự nhiên ùa về. Anh Nguyễn Văn Thuận đưa tôi đến gặp anh Phạm Ngọc Tín. Đã 75 tuổi nhưng anh Tín còn khá khỏe khoắn, nhanh nhạy: “Thuận đấy hả, thằng cha này đẹp trai nhất phòng đây, mà cũng gan dạ đáng nể…”. Anh Tín quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Gần 6 năm bị giam cầm ở Trại giam Phú Quốc, nếm trải đủ mọi cực hình tra tấn của bọn cai ngục, anh không hé một lời về công việc mình làm. Giao liên vùng địch hậu, chẳng may sa vào tay giặc, khi ấy anh đang trên đường làm nhiệm vụ, xét người thấy tài liệu, chối sao cho thoát với chúng. Thế là thành tù binh Phú Quốc. Là người “có chữ”, nên “trong Trại anh em bạn tù rất quý mến, thế là lại trở thành… thầy dạy chữ cho một số bạn cùng phòng ít chữ hơn-một phòng giam cả trăm người đấy ạ”-anh Thuận nói với tôi.

Một người Huế nữa mà tôi được tiếp xúc là anh Nguyễn Hào, hơn anh Tín 3 tuổi, sức khỏe không được tốt lắm, nhưng vẫn cố gắng một lần về thăm lại chốn xưa. Anh Hào kể, hôm 30 Tết năm 1967, trong một trận càn, lính Mỹ ủi sập hầm nơi anh đang trú, thế là anh sa vào tay chúng. Hồi ấy, anh là lính của c117, Phú Vang, Huế. Đây chỉ là một đơn vị vũ trang địa phương, nhưng nghe c117 là bọn Mỹ-ngụy khiếp vía. Chúng giam anh ở Phú Bài một thời gian, đánh đập tra hỏi nhưng không biết được thêm chút gì về anh ngoài thông tin anh là Bộ đội Cụ Hồ, thế là chúng đưa anh vào nhà giam Non Nước, Đà Nẵng. Ít lâu sau anh trở thành tù binh Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, nếm không thiếu kiểu tra tấn nào của cai ngục nơi đó, mãi cho đến ngày 23-3-1973 mới cùng trong đội ngũ những người “Chiến thắng trở về”. Anh Hào thuộc típ người vui vẻ, dễ gần, nhưng tai thì đã bị… nặng. Anh bảo giờ mỗi khi trái gió trở trời, tai ù, mắt mờ, xương khớp rệu rã cả rồi. “Anh Hào là một trong những tù binh “cứng đầu” nên tên cai ngục Trần Văn Nhu hàng chục lần đập cho chí tử, rút cả móng tay đấy”-anh bạn cựu tù ngồi bên cạnh anh Hào bảo thế.

Có 3 người từng là lính ở Tây Nguyên mà tôi hân hạnh được gặp và nói chuyện ngay sau buổi gặp mặt ngày 6-4 ở Khu di tích lịch sử đặc biệt Trại giam tù binh Phú Quốc. Đinh Cam và Rah Lan Năm, một là người Bahnar, một Jrai, đều là lính địa phương K6 ngày trước. Đinh Cam bị bắt giam ở Trại giam tù binh Phú Quốc 5 năm, Rah Lan Năm hơn 6 năm. Được biết, các anh giờ sức khỏe tuy yếu nhưng cũng cùng con cháu tự lo cho cuộc sống của mình. Tuy có chút ít tiền chế độ theo chính sách của Nhà nước nhưng không thể đủ chi tiêu cho cuộc sống, nhất là thuốc men khi trái gió trở trời, thương tật cũ tái phát, hành hạ. Một nhân vật “Tây Nguyên” nữa là Phạm Văn Toan. “Mình là dân hậu cần, ở B3, chúng cho mình vào p.14, Phân khu BII thì mọi người biết rồi. Ở đó không thiếu một loại đòn roi, kiểu cách tra tấn nào của bọn cai ngục và quân cảnh; ở đó còn là nơi anh em tù binh đào hầm vượt ngục, bây giờ còn miệng hầm đấy ạ”. Từ xứ quan họ, chia tay gia đình, làng xóm vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên, “chưa làm được gì nhiều thì anh bị Mỹ tập kích và rơi vào tay chúng. Tới ngày trao trả, cũng gần 3 năm làm bạn với anh em tù ở Phú Quốc, tiếc…”-anh Toan vui tính bảo thế…

Và một trong những người vui tính nữa là anh Trần Văn Hảo. Anh bảo với tôi: “Mình là dân Cát Trinh, giờ là thị trấn Ngô Mây, Phù Cát, đồng hương xứ nẫu đây”. Làm du kích mật trong thị trấn, nội bộ có kẻ phản bội, đầu hàng chỉ điểm, thế là anh rơi vào tay giặc khi còn ở tuổi thiếu niên. Hơn 3 năm làm tù binh ở Phú Quốc. Sau trao trả năm 1973, anh về địa phương tham gia công tác, được ít lâu thì bệnh tình phát ra, hậu quả của sự tra tấn của cai ngục. Mấy năm sau, cả nhà đùm túm lên Gia Lai tìm vùng đất mới, rồi trụ lại Chư Prông… “Không giàu nhưng cũng không đến nỗi nghèo khó, 1 vợ, 5 con, làm vườn đủ sống”-anh bảo tôi.

Thật khâm phục các anh, những tù binh Cộng sản bị chế độ nhà tù hà khắc, bị đòn roi tra tấn đến chết đi, sống lại của Mỹ-ngụy, thế mà vẫn kiên cường, vẫn đấu tranh đến cùng, nhất quyết không chịu khai báo, không khuất phục, không chấp nhận vào trong cái gọi là “Trại tân sinh hoạt”, thực chất là chiêu hồi; vượt qua thần chết, trở về với hàng ngũ cách mạng và gia đình. Giờ gặp lại nhau, ai ai cũng đã là ông nội/ngoại rồi, thế mà ôm nhau, hôn nhau, cười khóc với nhau, mầy tao mi tớ với nhau, chẳng khác nào con trẻ… Nhớ hồi trong căn cứ, rừng sâu núi thẳm, sốt rét tê người, đạn bom ác liệt nhưng tinh thần của mỗi người đều không lay chuyển, có câu rằng “tư tưởng không thông, bình đông mang không nổi”. Cái tinh thần, tư tưởng ấy theo các anh, những người lính Cụ Hồ vào trong ngục tù, đứng vững trước mọi đòn roi và cám dỗ của kẻ thù… Anh Phan Đước, hiện là Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai, vừa rồi là lần thứ 2 ra Phú Quốc thăm lại… “chiến trường xưa”. Luôn giữ nụ cười trên gương mặt, anh bảo “đơn giản thôi, chỉ là du kích địa phương thôi”, nhưng tôi biết đó là chàng du kích dũng cảm của xứ Quảng anh hùng đi đầu diệt Mỹ năm xưa.

Còn Nguyễn Văn Thuận, tôi quen biết anh khi anh còn là Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah cũ, đó là những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Ngày ấy, anh trắng trẻo, bảnh trai, nói năng nhẹ nhàng, mạch lạc, công việc đâu ra đó. Và giờ anh cũng là “sếp của Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đấy à nhen”-tôi đùa với anh như thế, anh cũng chỉ cười. 17 tuổi, anh đã là bộ đội trinh sát Phú Xuân, Trị Thiên Huế. Anh bảo với tôi: “Mình làm tù binh của giặc, bị nhốt ở Trại giam Phú Quốc cho đến khi trao trả ngày 21-3-1973 là 6 năm lẻ 1 ngày”. Anh Thuận giờ cũng đã là… ông cụ ngoài 70, nhưng là “ông cụ” vui tính. Hôm anh gặp lại các bạn tù của mình ở Phú Quốc, thấy anh và bạn bè tụ tập nhau kể bao nhiêu chuyện xưa, đôi lúc mắt anh đượm buồn một chút khi nhắc về ai đó đã bị giặc tra tấn đến chết, rồi lại vui cười khi kể về cuộc sống thời bình, về vợ con, xứ sở… “Thì nỗi đau nào rồi cũng qua đi, thời gian sẽ giúp ta tha thứ tội ác của kẻ thù. Là người Việt với nhau, giờ đất nước yên bình, lo cùng nhau góp phần xây dựng quê hương xứ sở, giáo dục con cháu biết trân trọng quá khứ nhưng cũng biết tha thứ tội ác của những kẻ đã từng lầm lỗi, hướng về tương lai…”. Tôi cạn nghĩ như thế khi kết thúc bài viết này!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…