Bốn ngày trên Đảo Ngọc-Kỳ 2: Nỗi đau quá khứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến Phú Quốc mà chưa đến nơi được coi là “địa ngục trần gian” thì theo tôi có thể nói đó là một sai lầm. Nơi ấy, trong lời giới thiệu quyển sách Trại giam tù binh Phú Quốc-những trang sử đẫm máu, 1967-1973, một vị tướng của chúng ta đã thốt lên rằng… “đạo đức loài người đã có thời quá thoái hóa để đối xử giữa người với người như những súc vật hoang dã hay còn hơn thế nữa…”.

Và cũng vị tướng đó cảnh báo với mọi người: “…với những nhà nước, những nhân dân thế giới đã từng quan tâm nêu lên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ta trân trọng mời họ hãy đọc quyển sách này để biết thế nào là “chuồng cọp kẽm gai”, là “lộn vỉ sắt”, “đánh bằng chày vồ”, “gậy bỏ chảo”, “roi cá đuối”, “gõ thùng”, “bẻ răng và lấy móng tay, móng chân…”… Tha thiết mời họ đến thăm Phú Quốc, khu di tích trại giam và hãy gặp tên quản tù của ngụy Sài Gòn, tên Thượng sĩ nhất Nhu…(*), (Trần Văn Nhu, một tên cai ngục hung bạo khét tiếng chuyên đục bánh chè, rút móng tay, móng chân và nhổ răng tù binh ở Trại giam Phú Quốc, hiện nay vẫn còn sống).

 
Các cựu tù về thăm lại Trại giam tù binh Phú Quốc.      Ảnh: Đ.M.P
Các cựu tù về thăm lại Trại giam tù binh Phú Quốc. Ảnh: Đ.M.P

Giữa thời kỳ cuộc chiến tranh do Mỹ phát động trên đất nước ta ngày thêm cam go và ác liệt, nhiều trận đánh lớn của Quân Giải phóng miền Nam đã diễn ra. Trong những cuộc tấn công đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã không may sa vào tay giặc. Để giam giữ và tra tấn nhục hình các cán bộ, chiến sĩ bị chúng bắt làm tù binh, Mỹ-ngụy đã xây dựng cái gọi là “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”. Trại giam khổng lồ này đưa vào sử dụng từ ngày 6-7-1967, và vừa giam giữ, khủng bố tù binh, vừa tiếp tục xây dựng, mở rộng ngày càng lớn hơn, với nhiều chiêu trò giam giữ, tra tấn dã man, tàn bạo hơn.

Cũng cần biết thêm một tý về “lai lịch” của nơi “địa ngục trần gian này”. Sở dĩ hồi thuộc Pháp và sau này Mỹ-ngụy cũng chọn Phú Quốc làm nơi giam giữ tù binh là bởi Phú Quốc là hòn đảo nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng. Chúng nghĩ rằng điều kiện như thế sẽ hạn chế tối đa sự đấu tranh, vượt ngục của tù binh, đồng thời dễ canh giữ, dễ đàn áp, khủng bố dã man, tàn bạo mà ít người, ít tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước biết đến, dễ bưng bít thông tin, dư luận, tránh những cuộc tấn công của ta để giải thoát tù binh… Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc rộng trên 400 ha, có thời điểm chúng giam giữ ở đây lên đến gần 4 vạn người. Tại nơi này đã có hơn 4.000 tù binh bị kẻ thù ra tay sát hại và cho đến nay, hàng chục ngàn người còn mang trên mình đầy thương tật do đòn roi tra khảo tàn độc của chúng.

Anh Phan Đước và Nguyễn Văn Thuận (hiện sinh sống ở TP. Pleiku) là 2 người không may bị địch bắt và giam giữ ở Trại tù binh Phú Quốc. Các anh nói với tôi: Tội ác của Mỹ-ngụy đối với tù binh ở Phú Quốc là trời không dung, đất không tha. Là “người trong cuộc”, các anh đã bị chúng tra tấn không từ một kiểu nào, như thời Trung cổ. Các anh cũng nhiều lần chứng kiến bọn ác ôn trong nhà tù tra tấn đồng đội mình. Khi ấy, lòng căm thù chúng dâng lên cao độ. Các anh kể về việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà tù, việc lãnh đạo đấu tranh đòi dân sinh, chống lại sự nhục hình đàn áp dã man của chế độ nhà tù. Điều đáng tiếc là sau khi trao trả tù binh theo Hiệp định Paris năm 1973 toàn bộ hệ thống trại giam và dụng cụ tra tấn của địch, đã bị chính quyền ngụy phá đi một số; sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), phía ta tiếp tục phá đi phần còn lại của trại giam. Hiện một phần của di tích đã được phục chế song không thể như hiện trạng ban đầu.

Theo thuyết minh viên Võ Thị Thu Hà tại Khu Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt-Trại giam tù binh Phú Quốc, từ năm 2013, khi hoàn thành phục chế, trùng tu, tôn tạo một phần trại giam, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách đến dâng hương, hoa ở Nhà tưởng niệm và tham quan, tìm hiểu về lịch sử, tội ác mà bọn cai ngục gây ra cho tù binh trong những năm chúng giam giữ. Năm 2017 là một trong những năm có rất nhiều khách thập phương đến đây, lên đến khoảng 240.000 lượt người, với đủ thành phần, lứa tuổi. Đây thật sự trở thành nơi góp phần làm nhiệm vụ giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh của những người cộng sản dẫu đã sa vào tay giặc vẫn ngoan cường, không khuất phục trước sự giam cầm, tra tấn, đàn áp tàn bạo của quân thù. Trở lại thăm nơi mình bị giam giữ, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Dù tuổi già, sức khỏe kém, đường sá xa xôi, cách trở, nhưng nhiều đoàn cựu tù binh ở khắp đất nước dịp tháng 4 vừa qua cũng đã về lại nơi xưa bị kẻ thù giam giữ, thăm viếng đồng đội, những người đã vĩnh viễn không trở về. Nhìn vào mô hình trong khu lưu niệm tái hiện kiểu tra tấn bằng cách cho tù binh vào bao bố cột miệng lại rồi cho vào chảo gang đun lửa luộc người, anh Nguyễn Văn Thuận, Phan Đước và bao đồng đội nữa nước mắt tuôn ròng!

Chiều muộn, cùng với các đoàn cựu tù chính trị yêu nước của các tỉnh, thành phố về Phú Quốc dự lễ kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về”, đoàn đại biểu Gia Lai đến viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc tọa lạc tại thị trấn Dương Đông. Nơi đây có 3.305 liệt sĩ an nghỉ, trong số đó có 1.517 ngôi mộ chưa xác định được danh tính và 3 ngôi mộ tập thể. Với thời bấy giờ, những năm trước giải phóng, cả đảo Phú Quốc cư dân chưa đầy 50 ngàn người, mà ở nghĩa trang liệt sĩ này có ngần ấy liệt sĩ nằm lại, trong đó có hàng ngàn liệt sĩ là tù binh bị bọn lang sói hành hình cho đến chết, thật kinh khủng. Anh Nguyễn Văn Thuận kể rằng, có những lúc bọn cai ngục đem đi thủ tiêu hàng trăm người và chôn chung một hố. Đau thương và căm thù giặc, đã có nhiều đồng đội tự nguyện nhận nhiệm vụ trước tổ chức tự mình mổ bụng tự tử để đấu tranh, đòi địch giảm bớt những hình thức đánh đập, giết hại tù binh một cách man rợ như thời Trung cổ, đó là anh Vũ Văn Kim, anh Đồng, anh Đức… Đây là một trong những hình thức đấu tranh quyết liệt của tù binh, là một sự tố cáo rất hùng hồn trước dư luận về những hành động dã man của kẻ thù đối với tù binh cộng sản! Tuy nhiên, các anh bảo hình thức cử người đại diện tù binh tự mổ bụng để đấu tranh có tính chất quyết liệt ấy cần được tổ chức Đảng trong nhà tù cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc hôm ấy, chúng tôi còn vô cùng xúc động khi chứng kiến gia đình liệt sĩ Phạm Văn Phát đến thắp hương nơi phần mộ của anh. Anh sinh năm 1937, thoát ly tham gia hoạt động cách mạng năm 1961, hy sinh  khi mới tròn 30 tuổi-ngày 30-10-1967, là Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện đảo Phú Quốc. Lúc anh hy sinh, Phạm Thị Kiều Thu, con gái của anh mới sinh chưa đầy 6 tháng tuổi. Nói chuyện với tôi về cha mình mà chị Phạm Thị Kiều Nga (con gái đầu của liệt sĩ Phát) nước mắt lưng tròng, đôi mắt đỏ hoe. Gia đình có 2 liệt sĩ nên bà nội của Nga được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, người dân Phú Quốc luôn đùm bọc, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ của địa phương, phá ấp chiến lược vào rừng sâu sống bất hợp pháp và che chở, hướng dẫn cho hàng trăm tù binh vượt ngục thành công.

Chia tay các đồng đội và gia đình liệt sĩ Phạm Văn Phát giữa khói hương trong chiều muộn ở nơi an nghỉ của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, lòng chúng tôi chùng lại, nghĩ về một quá khứ đau thương. Nơi đảo xa ấy đã ghi dấu chiến công oanh liệt của bao thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước. Nơi đây, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từng một thời nương náu để gây dựng lại cơ đồ, nhưng không may rơi vào tay giặc Pháp. Trước lúc bị chúng ra tay hành hình, ông đã tuyên bố trước kẻ thù lời bất hủ như là một chân lý cho muôn đời sau… “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Thế đấy, Việt Nam, một dân tộc, một đất nước chưa bao giờ khuất phục trước quân thù, dù chúng có đầy đủ sức mạnh và thừa sự tàn bạo, dã man…

Đoàn Minh Phụng
--------------------------

(*) Trại giam tù binh Phú Quốc-những trang sử đẫm máu, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tái bản quý III-2017; lời giới thiệu sách của Thượng tướng Trần Văn Trà, trang 7 và 8.

Có thể bạn quan tâm

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là mảnh đất quật cường, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều con người tài ba như Trương Định, Trương Đăng Quế, Trương Quang Giao…, và Thiếu tướng Võ Bẩm người tiên phong "khai sơn phá thạch" mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.