Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).

THU NHẬP CAO TỪ QUẢ ƯƠI

Một người dân ở xã Đồng Nai, H.Bù Đăng (Bình Phước) cho hay với mức thu nhập của ngày công lao động trung bình hiện khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày, thì thua khá xa so với vào rừng săn ươi. "Quả ươi bay (tức ươi chín rụng xuống đất - PV) cho thu nhập rất cao, có thể kiếm tiền triệu, thậm chí 2 - 3 triệu đồng/ngày. Chính vì thế, người dân sinh sống quanh các cánh rừng phòng hộ Bù Đăng, rừng Nam Cát Tiên rủ nhau vào rừng săn ươi như đi trẩy hội", người này nói.

Một cây ươi cao to đã bị đốn hạ để lấy quả

Một cây ươi cao to đã bị đốn hạ để lấy quả

Mới đây, PV Thanh Niên đến Nhà máy thủy điện Đăk Kar để tiếp xúc với những người đi săn ươi trở về. Tại bãi đất trống gần nhà máy có cột một sợi dây cáp để những người đi săn ươi đu xuống sông rồi đi vào rừng tìm ươi... Chờ được một lúc thì có hai người đàn ông ngoài 40 tuổi đu dây cáp theo lối mòn lên tới bãi đất trống, trên tay mỗi người xách một túi nặng khoảng 10 kg. Qua chào hỏi, hai người này cho biết vừa đi săn ươi bay từ sáng sớm giờ đang trên đường về nhà. Ông Nguyễn Văn Đoàn (48 tuổi, ngụ H.Bù Đăng) tâm sự: "Hai anh em tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đi rừng, chuyên đi săn lộc trời trong các cánh rừng phòng hộ. Đến mùa nào đi mùa đó, vào mùa hoa thì đi tìm mật ong, mùa ươi thì đi săn ươi bay. Nghề đi rừng cũng hên xui, ngày gặp may thì kiếm được vài ba triệu, ngày ít thì được vài trăm, cũng có ngày về tay không. Vất vả lắm chẳng sung sướng gì đâu".

Một cây ươi cổ thụ cao gần 40 m bị cắt trơ trụi cành để lấy quả

Một cây ươi cổ thụ cao gần 40 m bị cắt trơ trụi cành để lấy quả

Ông Đoàn cho biết thêm riêng việc săn ươi bay thì ông có kinh nghiệm lâu năm, mỗi mùa kiếm ít nhất được từ 20 - 30 triệu đồng. "Trong khoảng 1 tháng thì ươi chín rộ, nhưng do tay chân hơi yếu nên không thể leo lên cây rung hay bẻ cành như những người khác, mà tôi chỉ chọn những cây chín rụng để nhặt quả bay. Do thường xuyên vào rừng nên từng ngóc ngách trong rừng tôi nhớ rõ. Khu nào ươi có nhiều quả, tôi đều nhớ, việc này cũng khá thuận lợi so với những người mới hoặc ít vào rừng. Trung bình mỗi ngày tôi nhặt được trên dưới 5 kg ươi bay, với giá cả như hiện nay thì cho thu nhập hơn 2 triệu đồng/ngày", ông Đoàn chia sẻ.

Cây ươi bị đốn hạ giữa rừng

Cây ươi bị đốn hạ giữa rừng

ĐỐN HẠ VÔ TỘI VẠ

Trong những ngày ươi vào vụ, ở khu chợ Đồng Nai (thuộc xã Đồng Nai, H.Bù Đăng), cứ vào buổi sáng sớm lại nhộn nhịp hẳn lên bởi đoàn người săn ươi. Xe gắn máy xếp hàng dài dọc hai bên đường, chủ yếu của những người chuẩn bị lương thực cho ngày mới vào rừng săn ươi.

Chúng tôi có mặt tại rừng phòng hộ Bù Đăng để ghi nhận "bãi chiến trường" mà những người săn ươi để lại. Trên con đường thảm nhựa từ UBND xã Đồng Nai, chúng tôi qua chốt kiểm lâm địa bàn xã Đồng Nai - Phước Sơn (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), rồi theo con đường đất dài khoảng 2 km là đến khu vực rừng đệm. Ngay bìa rừng có vô số lối mòn để vào rừng săn ươi. Chạy theo một lối mòn khoảng 300 m, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cây ươi cổ thụ còn nguyên vẹn do những cây này không có quả. Đến một khu vực khá rậm rạp, chúng tôi phải dừng xe, lội bộ theo dấu vết mà những người săn ươi để lại.

Ươi xanh được khai thác theo cách cắt tỉa cành hoặc đốn hạ nguyên cây

Ươi xanh được khai thác theo cách cắt tỉa cành hoặc đốn hạ nguyên cây

Đi bộ khoảng 100 m, chúng tôi phát hiện trước mặt có một cây ươi cổ thụ cao khoảng 40 m, đường kính gần hai người ôm, phía dưới cành to, cành nhỏ nằm la liệt. Cành và lá bị tỉa, chặt trụi, chỉ còn mỗi thân cây đứng trơ trọi giữa rừng, xung quanh cây còn nguyên hai hàng đinh 10, đóng từ gốc lên đến ngọn để người săn ươi trèo lên chặt cành. Theo một người săn ươi, đặc tính của cây ươi chỉ mọc thẳng đứng, da cây nhẵn, trơn trượt không có chỗ bám để leo. Chính vì thế, người săn ươi đóng đinh hoặc cột cành ngang thân từng đoạn để làm bàn đạp leo lên tới ngọn.

Một cây ươi bị đốn hạ có đường kính hơn 70 cm, thân cao khoảng 30 m

Một cây ươi bị đốn hạ có đường kính hơn 70 cm, thân cao khoảng 30 m

Tiếp tục đi vào rừng, chúng tôi phát hiện có nhiều cây ươi khác không những bị chặt cành mà còn bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Cứ mỗi cây ươi bị đốn hạ thì kéo theo hàng chục cây ươi con cùng nhiều cây rừng khác gãy đổ. Việc làm này không chỉ tàn sát cây ươi mà còn phá vỡ hệ sinh thái của rừng tự nhiên.

Cây ươi cổ thụ hơn 100 năm tuổi bị cắt trụi cành

Cây ươi cổ thụ hơn 100 năm tuổi bị cắt trụi cành

Lần khác, cũng xuất phát từ chốt kiểm lâm địa bàn xã Đồng Nai - Phước Sơn, chúng tôi theo tuyến đường đất vào khu vực trảng cỏ Bù Lạch, đi vào rừng phòng hộ. Theo lối mòn còn có nhiều vết xe qua lại khoảng 1 km, chúng tôi ghi nhận có 3 cây ươi bị đốn hạ, cây nào thân cũng to lớn gần 1 người ôm, cao gần 30 m, xung quanh có khá nhiều quả ươi còn sót lại. Điều khiến chúng tôi bàng hoàng chính là các vết cắt trên thân cây ươi, có cây thì dùng dao hoặc rìu để chặt, nhưng có cây thì dùng cả cưa máy đốn hạ, nhìn những vết cắt ngọt lịm còn nguyên trên gốc, thân cây mà không khỏi xót xa... (còn tiếp)

Ươi là loài cây thân gỗ, được xếp vào nhóm 7, có nhiều ở các cánh rừng, khu rừng từ duyên hải miền Trung, đến Tây nguyên và một số tỉnh khu vực Đông Nam bộ, trong đó nhiều nhất là Bình Phước. Quả ươi được lấy làm nguyên liệu chế biến dược liệu và thực phẩm, có rất nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị các loại bệnh như gai cột sống, chảy máu cam, viêm họng và đặc biệt là trị bệnh mụn nhọt do nóng trong người...

Hiện trên thị trường, quả ươi được bán với giá từ 320.000 (ươi xanh) - 450.000 đồng/kg (ươi bay tự nhiên), tùy loại. Anh Q., một đầu nậu thu mua quả ươi tại H.Bù Đăng, cho hay: "Gia đình tôi làm nghề buôn bán nông sản nhiều năm qua, thu mua điều, tiêu, cà phê, quả ươi… Năm nay giá nông sản tăng hơn so với năm trước, trong đó có cả quả ươi và đặc biệt là ươi bay. Mọi năm, quả ươi bay có giá dao động từ 380.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng năm nay lên đến 450.000 đồng/kg. Còn quả ươi xanh phơi khô thì giá thấp hơn, vào khoảng 350.000 đồng/kg".

Theo anh Q., cách để nhận biết quả ươi bay và ươi hái xanh rất đơn giản. Quả ươi bay là ươi già và chín tự nhiên, quả khô có màu da nâu như gỗ và sáng bóng, trên đầu quả ươi còn dính cuống và lá ươi khô. Còn quả ươi hái xanh là quả được tuốt trên cành nên phần cuống và lá không còn, khi phơi khô, quả ươi hái có da không căng bóng và sáng như ươi bay, chất lượng ươi hái kém xa so với ươi bay nên giá rẻ hơn.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.