Bô xít ở Đắk Nông chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh. Nằm trên kho báu, địa phương này đang mắc kẹt giữa các quy hoạch chồng lấn, cơ chế, chính sách khai thác…, rất cần Trung ương tháo gỡ.
Hiếm địa phương nào như Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều tài nguyên khoáng sản rất giá trị, trong đó phải kể đến bô xít. Trữ lượng bô xít tại tỉnh này chiếm hơn một nửa trữ lượng cả nước.
Ở đâu cũng có bô xít
Trữ lượng bô xít nằm trên 1/3 diện tích đất tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. |
Bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra alumin - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng là sản xuất alumin và điện phân alumin thành nhôm (Al). Trên thế giới, không nhiều quốc gia sở hữu loại tài nguyên này. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn về bô xít.
Ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam rất quan tâm và muốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến bô xít tại địa phương. Việc triển khai các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì vướng quy hoạch.
Tại Việt Nam, tỉnh Đắk Nông được ví là “mỏ vàng” bô xít khi chiếm hơn một nửa trữ lượng của cả nước. Điều này được thể hiện qua các quy hoạch trung ương. Theo Quyết định số 167 ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025), diện tích quy hoạch bô xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của Đắk Nông. Trữ lượng bô xít ước khoảng 1,4 tỷ tấn quặng tinh, tương đương khoảng 3,4 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt từ 35- 40%.
Còn tại quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng). Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179.600 héc-ta, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước.
Một góc Đắk Nông nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Thanh Hải. |
Ông Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - cho biết, tài nguyên bô xít đã được trung ương quy hoạch cụ thể. Địa phương cũng xác định loại khoáng sản này vô cùng quan trọng để thực hiện thành công 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (đã đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025), đó là công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít-alumin-nhôm của quốc gia. “Trung ương, địa phương đều xác định bô xít là động lực phát triển của nền công nghiệp, kinh tế tỉnh Đắk Nông. Vấn đề còn lại mà chúng tôi đã và đang thực hiện, trăn trở là làm sao khai thác nhanh, hiệu quả và bền vững đối với loại khoáng sản đặc biệt này”, Bí thư Danh nhấn mạnh.
Khai phá “mỏ vàng”
Thời gian qua, Đắk Nông đã bắt tay khai mở “mỏ vàng” bô xít bằng sự ra đời của Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ. Đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm này đặt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thực hiện nhiệm vụ chế biến bô xít thành alumin. Công suất nhà máy theo thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, do Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.
Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ ra đời theo chủ trương của Bộ Chính trị và đây là một trong hai dự án thí điểm khai thác quặng bô xít luyện alumin tiến tới sản xuất nhôm tại Tây Nguyên. Ngày 10/11/2016, những tấn sản phẩm Hydrate đầu tiên của Nhà máy Alumin Nhân Cơ chính thức ra lò. Năm 2017, dự án chính thức đi vào vận hành thương mại.
Theo tài liệu, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cty nhôm Đắk Nông (trực thuộc TKV, đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác thời hạn 30 năm đối với Dự án Khai thác mỏ bô xít Nhân Cơ - Đắk Nông), đã triển khai, thực hiện khai thác bô xít và sản xuất alumin được khoảng 4,7 triệu tấn, nộp ngân sách địa phương gần 4.000 tỷ đồng. Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang chiếm khoảng 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp nội tỉnh Đắk Nông; tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động.
Sản phẩm alumin của nhà máy được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản, Trung Quốc… Công suất của Nhà máy alumin Nhân Cơ đạt trên 700.000 tấn/năm, vượt công suất thiết kế (650.000 tấn/năm).
Theo Quyết định 866, Trung ương khẳng định bô xít là khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng ở Việt Nam. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đầu tư mới nhiều dự án khai thác bô xít. Trong đó, đến năm 2030, sẽ nâng công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn/năm; đầu tư mới 4 dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, với công suất tối thiểu 1 triệu tấn alumin/năm trở lên. Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.
(Còn nữa)