Bảo Lâm: Hơn 180 ha đất tái định canh dự án bô xít đã về đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau 18 năm triển khai Khu tái định canh phục vụ Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng, đến nay, toàn bộ 182 ha đất tái định canh đã bị lấn chiếm. Câu hỏi đặt ra là toàn bộ diện tích này đã đi về đâu và tại sao đến nay vẫn chưa giải tỏa, thu hồi theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng?
Một phần diện tích khu đất tái định canh Dự án Bô xít - Nhôm đến nay đã bị lấn chiếm hoàn toàn để trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp.

Một phần diện tích khu đất tái định canh Dự án Bô xít - Nhôm đến nay đã bị lấn chiếm hoàn toàn để trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp.

• 100% DIỆN TÍCH BỊ LẤN CHIẾM CÁCH ĐÂY 10 NĂM

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng vào tháng 7/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi đất và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để quy hoạch bố trí tái định canh cho Dự án Bô xít - Nhôm theo Quyết định 2483 ngày 6/9/2006.

Sau đó, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh tên tổ chức được giao đất từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sang Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV) từ tháng 9/2007. Diện tích mà Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng nhận bàn giao là 153,66 ha, còn lại 28,34 ha hiện trạng do dân đang sản xuất nông nghiệp nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chưa đền bù giải phóng mặt bằng, chưa bàn giao.

Sau khi nhận bàn giao, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm năm 2007, việc lấn chiếm khu đất tái định canh bắt đầu diễn ra.

Dù Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý khu đất này như nhờ hỗ trợ cưỡng chế nhổ bỏ cây trồng trên diện tích bị lấn chiếm, thuê đơn vị bảo vệ khu đất, tuy nhiên, đến năm 2014 thì toàn bộ diện tích khu tái định canh đã bị lấn chiếm hầu hết.

Trước đó, vào năm 2010, sau khi đầu tư xong các công trình hạ tầng, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đã mời UBND huyện Bảo Lâm đến bàn giao khu tái định canh này để bố trí cho các hộ dân có nhu cầu nhưng công tác bàn giao không thực hiện được do việc lấn chiếm của các hộ dân.

Tại khu đất tái định canh, ngoài bị lấn chiếm để trồng cây thì còn có tình trạng khai thác đất trái phép.

Tại khu đất tái định canh, ngoài bị lấn chiếm để trồng cây thì còn có tình trạng khai thác đất trái phép.

• KHÓ GIẢI TỎA, THU HỒI?

Trước thực trạng lấn chiếm này, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm “giải tỏa vô điều kiện” việc lấn chiếm đất khu tái định canh; tiếp nhận và quản lý phần diện tích đã giải tỏa để bố trí tái định canh; Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng chủ động phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm thực hiện việc giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, lập thủ tục bàn giao phần diện tích đã giải tỏa cho UBND huyện quản lý…

Gần đây nhất, UBND tỉnh đã có Quyết định 401 ngày 27/2/2018 thu hồi toàn bộ 182 ha đất đã giao cho TKV và giao cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý; đồng thời, giao UBND huyện Bảo Lâm xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất, bố trí tái định canh theo quy định.

Từ đó đến nay, các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Bảo Lâm, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng… đã có các buổi làm việc, ban hành nhiều văn bản nhưng sau nhiều lần tổ chức vẫn không thể bàn giao được khu đất này theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Phía UBND huyện Bảo Lâm yêu cầu “đối với diện tích 182 ha đất thuộc khu tái định canh, đề nghị TKV khẩn trương thực hiện việc giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất và bàn giao lại cho UBND huyện quản lý”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Trí - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng thì riêng Ban không thể đứng ra thực hiện giải tỏa mà chỉ có thể phối hợp với địa phương để giải tỏa, thu hồi diện tích đất đã bị lấn chiếm.

“Theo phương án của UBND huyện Bảo Lâm, UBND huyện chỉ nhận diện tích nói trên khi Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng bàn giao “đất sạch”, nghĩa là Ban phải xử lý xong tình trạng lấn chiếm đất để trồng cây và làm công trình kiến trúc. Điều này sẽ rất khó thực hiện vì đây không phải trách nhiệm của riêng Ban.

Chính vì vậy, đến nay, việc xử lý các vấn đề liên quan và bàn giao khu đất tái định canh theo chỉ đạo của UBND tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa thể thực hiện được. Do đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc để thực hiện bàn giao” - ông Trí kiến nghị.

Theo ghi nhận vào đầu tháng 1/2024, hàng chục chuyến xe ben đã chở đất ra khỏi khu vực đất lấn chiếm khu tái định canh.

Theo ghi nhận vào đầu tháng 1/2024, hàng chục chuyến xe ben đã chở đất ra khỏi khu vực đất lấn chiếm khu tái định canh.

• SANG NHƯỢNG TRÁI PHÉP ĐẤT LẤN CHIẾM

Theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Lâm Đồng, khu đất tái định canh thuộc Tiểu khu 438B (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) có tổng diện tích 182 ha; trong đó, đất có rừng hơn 107 ha, đất không có rừng hơn 43 ha và đất dân đang sản xuất nông nghiệp hơn 28 ha.

Theo quy hoạch sử dụng đất thì diện tích đất nông nghiệp phục vụ tái định canh hơn 99,5 ha, đất sản xuất nông nghiệp hiện trạng hơn 40,2 ha; đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 32,6 ha…

Kiểm kê hiện trạng sử dụng đất của UBND thị trấn Lộc Thắng vào tháng 8/2017 ghi nhận có khoảng 136 hộ dân đã lấn chiếm 152,79 ha đất tái định canh. Như vậy, người dân đã lấn chiếm trái phép toàn bộ diện tích đất tái định canh để trồng cây nông nghiệp và công nghiệp.

Từ sau khi có Quyết định 401 của UBND tỉnh, UBND huyện Bảo Lâm đã xây dựng phương án quản lý và sử dụng đất cụ thể và hiện tại đang “chờ” Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng giải tỏa diện tích đất bị lấn chiếm và bàn giao lại.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, toàn bộ diện tích này hiện đã bị lấn chiếm trái phép và công tác giải tỏa, thu hồi, bàn giao gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, từ năm 2017, Công an huyện Bảo Lâm đã ghi nhận và có báo cáo về việc sang nhượng trái phép đất tái định canh bị lấn chiếm. UBND huyện Bảo Lâm cũng đã có văn bản chỉ đạo xử lý theo hướng “không để các hộ dân sang nhượng đất đai trái phép tại khu vực này”.

Việc khai thác, vận chuyển đất tại khu vực này được cho là do ông P.V.A thực hiện.

Việc khai thác, vận chuyển đất tại khu vực này được cho là do ông P.V.A thực hiện.

Trên thực tế, việc sang nhượng đất đã và đang vẫn tiếp diễn, và một số diện tích đất đã bị lấn chiếm, sang nhượng và sử dụng không đúng mục đích. Theo Văn bản số 14 của UBND thị trấn Lộc Thắng ngày 8/1/2024, UBND thị trấn Lộc Thắng có tiến hành kiểm tra việc san gạt, múc đất tại khu vực đất tái định canh. Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện, máy móc và người thực hiện vi phạm đã bỏ trốn khỏi hiện trường nên không xác định được đối tượng vi phạm”.

Trên thực tế, trong những ngày cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, chúng tôi đã ghi nhận tình trạng khai thác đất rầm rộ tại một lô đất được xác định thuộc khu đất tái định canh Dự án bô xít nhôm thuộc Tổ 22 (thị trấn Lộc Thắng), giáp ranh với xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) như UBND thị trấn Lộc Thắng có báo cáo nêu trên.

Trước thời điểm UBND thị trấn Lộc Thắng tiến hành kiểm tra vào ngày 7/1/2024, chúng tôi ghi nhận trong khoảng 1 tuần tại khu đất này luôn có 1 xe đào túc trực, múc đất lên 4 - 5 xe ben các loại để chở đất đi nơi khác. Ngày cao điểm, các xe ben này đã chạy khoảng 50 chuyến để chở đất đi nơi khác.

Từ sau khi UBND thị trấn Lộc Thắng kiểm tra đến nay, mọi hoạt động khai thác tại khu đất này “án binh bất động” và chưa ghi nhận bất cứ xử lý gì từ phía cơ quan chức năng.

Đất tái định canh bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép và sử dụng không đúng mục đích đã diễn ra trong một thời gian quá dài. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan chưa có những động thái quyết liệt và phương án tối ưu để xử lý dứt điểm. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì việc giải tỏa, thu hồi khu đất tái định canh sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Có thể bạn quan tâm