Đường Trường Sơn - biểu tượng của ý chí quyết thắng và khí phách anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một con đường huyền thoại, một kỳ tích lịch sử, mỗi mét đường, mỗi cành cây, ngọn cỏ trên tuyến đường Trường Sơn đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ.
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, là một con đường huyền thoại, một kỳ tích lịch sử.

Đó là con đường của ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách anh hùng. Mỗi mét đường, mỗi cành cây, ngọn cỏ trên tuyến đường Trường Sơn đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân làm nên con đường lịch sử, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược

Đường Trường Sơn xuất hiện từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên đó chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp, để gùi thồ hàng đơn giản. Đến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu ngày càng cao của “tiền tuyến lớn” miền Nam, cần “hậu phương lớn” miền Bắc vận chuyển nhanh chóng, kịp thời, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến thì việc khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Trường Sơn càng trở nên cấp thiết.

Để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức tuyến giao liên, vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559 để xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh nhật Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh và ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 và Bộ đội Trường Sơn.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở phía Tây Nam Vĩnh Linh (Quảng Trị) - làm địa điểm xuất phát để tiến vào dãy Trường Sơn “soi đường," lập trạm.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, chuyến hàng đầu tiên được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến, vì mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng," “lòng dân," là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sỹ miền Nam ruột thịt.

Chuyển hàng ra tiền tuyến qua "cầu khỉ" trên tuyến đường Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Bình) trong những ngày mới mở đường. (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)

Chuyển hàng ra tiền tuyến qua "cầu khỉ" trên tuyến đường Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Bình) trong những ngày mới mở đường. (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)

Trong bức thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý (1960), Tổng Quân ủy đánh giá: “Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Nhờ có tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên các đồng chí đã vượt khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp...”

Năm 1973, trong dịp vào thăm và kiểm tra bộ đội đường Trường Sơn, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại! Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng."

Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: kỳ tích của dân tộc

Từ khi ra đời cho đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, đã không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Từ lúc “quân đi tính từng người," đến khi trên đường Trường Sơn có cả nghìn xe tăng, pháo lớn, tên lửa cùng nghìn hàng binh đoàn-quân đoàn rầm rập ra trận.

Nhờ có hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng.

Chỉ tính trong 6 tháng cuối năm 1959 (khi đường Hồ Chí Minh mới hình thành), với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Khu 5 thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn.

Đơn vị X Quảng Bình, Quân khu 3 bắc cầu cho các binh chủng qua sông. Nhờ tuyến đường Trường Sơn, quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng nhiều vũ khí, khí tài chiến đấu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: Vũ Ba/TTXVN)

Đơn vị X Quảng Bình, Quân khu 3 bắc cầu cho các binh chủng qua sông. Nhờ tuyến đường Trường Sơn, quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng nhiều vũ khí, khí tài chiến đấu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: Vũ Ba/TTXVN)

Đặc biệt, trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường là hơn 403.300 tấn. Tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, đã vận chuyển qua tuyến đường Hồ Chí Minh chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu...

Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sỹ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.

Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

Trải qua 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại - đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, từ những đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng," tuyến đường Trường Sơn không ngừng được mở rộng, vươn xa, với tổng chiều dài gần 17.000km gồm 5 trục dọc và 21 trục ngang, tạo thành mạng lưới vận tải cơ giới đường bộ, đường sông hoàn chỉnh, trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 2 công binh ngày đêm dũng cảm bám sát mặt đường đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt (1968). (Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN)

Cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 2 công binh ngày đêm dũng cảm bám sát mặt đường đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt (1968). (Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN)

Đánh giá thành tích của Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu rõ: “Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn."

Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường, dũng cảm

Biết rõ đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền Nam-Bắc, cho nên đế quốc Mỹ quyết tâm đánh phá bằng mọi giá. Do đó, đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn," “chiến tranh bóp nghẹt” bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại thiết bị, vũ khí hiện đại của nền khoa học-công nghệ cao của Mỹ.

Trong cuộc “chiến tranh ngăn chặn” này, không quân Mỹ-ngụy đã đánh phá khoảng 151.800 trận, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn. Ngoài việc dùng bom đạn thông thường, đánh phá hòng ngăn chặn phương tiện vận tải, phá hủy cầu đường, đường ống xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc... đế quốc Mỹ còn sử dụng các loại bom từ trường, bom lade, “cây nhiệt đới” để phát hiện tiếng động của người và phương tiện trên mặt đất; thả chất độc hóa học hủy diệt cây xanh, gây bệnh tật và để lại di chứng vô cùng nguy hiểm cho con người.

Mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, chiến sỹ công binh cầu Đ, Quảng Bình vẫn ngày đêm bám đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến, đảm bảo mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến, tháng 8/1968. (Ảnh: Chí Thành/TTXVN)

Mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, chiến sỹ công binh cầu Đ, Quảng Bình vẫn ngày đêm bám đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến, đảm bảo mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến, tháng 8/1968. (Ảnh: Chí Thành/TTXVN)

Hơn thế nữa, đế quốc Mỹ và quân ngụy còn huy động lực lượng lớn tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh. Sự đánh phá ác liệt của Mỹ-ngụy trên Trường Sơn đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn."

Nhưng vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn trong suốt nhiều năm đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, “sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường, dũng cảm," “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc” để giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân địch.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến," lớp lớp thanh niên đã đi theo tiếng gọi của non sông “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước," “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành." Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại…

Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh ấy, biết bao người mẹ, người vợ, người chị, người em phải chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, thực hiện “ba đảm đang” để cho người thân yên lòng ra trận. Đã có hơn hai vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần ba vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam,...

Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sỹ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. (Ảnh: TTXVN)





Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sỹ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. (Ảnh: TTXVN)

Có thể nói, cả tuyến đường Trường Sơn là một chiến trường rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bừng bừng khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai;" lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng; con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa chiến công, làm nên huyền thoại đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam, là nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù.

Biểu tượng của ý chí quyết thắng và khí phách anh hùng

Thực tế đã chứng minh, việc mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm sắt đá, ý chí “thống nhất non sông” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với quyết định lịch sử đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến.

Cùng với sự phát triển liên tục của công tác vận tải chi viện cho chiến trường, nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sự sáng tạo và phát triển. Đó là nghệ thuật tổ chức lực lượng, tổ chức thế trận, tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức mạng đường và hệ thống binh trạm, cung trạm, kho tàng, bến bãi; nghệ thuật đánh địch, mở đường, bảo đảm hành quân, bảo đảm giao thông, bảo đảm vận chuyển...

Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân sự và khoa học, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam để giải quyết thành công một loạt vấn đề rất mới thuộc về vận tải chiến lược trong chiến tranh của quân đội ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh.

Bộ đội vận tải Quân khu 4 vượt đèo cao, đưa hàng ra tiền tuyến, tháng 3/1971. (Ảnh: Hồng Thụ/TTXVN)

Bộ đội vận tải Quân khu 4 vượt đèo cao, đưa hàng ra tiền tuyến, tháng 3/1971. (Ảnh: Hồng Thụ/TTXVN)

Đó là nghệ thuật tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị để xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh để làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng."

Gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, con đường huyền thoại Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh lại mang trong mình sứ mệnh lịch sử mới, trở thành một tuyến Cao tốc Bắc-Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Và con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh vẫn mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là một thiên anh hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.