'Con muốn sống': Mẹ nghèo bán nhà để cứu con, khắc khoải số nợ 500 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ung thư như một 'bản án' sinh tử mà người thân và các bệnh nhi không thể tránh khỏi. Họ buộc phải đối mặt và mạnh mẽ bước đi trên con đường mà họ đành tự an ủi là số phận.

Ngoài bệnh viện, một vài bệnh nhi ung thư xám xịt, gầy gò trong những bộ quần áo màu bạc. Xa xa, một người đàn ông đang cầm trên tay tập giấy nhận từ bệnh viện với vẻ mặt vô cùng đau khổ, tuyệt vọng.

Đi sâu vào những căn phòng điều trị ung thư là tiếng hét thất thanh của những đứa trẻ vừa được lấy tủy, lấy ven. Những đứa trẻ với vẻ mặt bủn rủn, cánh tay gầy guộc bám lấy cổ ba mẹ, ven ở tay đã xơ cứng. Những hình ảnh ấy diễn ra hằng ngày ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP.Thủ Đức).

Đến thăm các bệnh nhi ung thư ở bệnh viện này, chúng tôi gặp một người phụ nữ trung niên với vẻ mặt u buồn, bần thần nhìn vào khoảng không vô định và một cậu bé với mái tóc đen dày, xõa ra trước mặt. Đó là chị Lê Thị Thu Hằng (42 tuổi, ở thị xã Bình Long, Bình Phước) và con trai Lê Minh Bảo Anh (16 tuổi) bị ung thư máu.

“Con tôi từ nhỏ đến lớn khỏe mạnh, bình thường vậy mà…”

Nhìn vào gương mặt gầy guộc, đen sạm của chị Hằng, chúng tôi hiểu chị đã trải qua quá nhiều đau đớn, cực nhọc. Cho đến hôm nay, chị vẫn chưa thể quên được ngày con phát hiện bị mắc bệnh nan y. Tháng 10.2021, thấy con có dấu hiệu tiêu chảy, xanh xao và môi trắng bạch nên gia đình đưa con đi bệnh viện tuyến huyện để kiểm tra. Ở đây, bác sĩ nghi ngờ bị vấn đề về tiêu hóa rồi cấp thuốc cho uống.

Bẵng đi một thời gian, Bảo Anh sút cân và cảm giác mệt mỏi cứ đeo đẳng không có dấu hiệu thuyên giảm. Dự cảm chuyện chẳng lành, chị Hằng đưa con đi Bệnh viện đa khoa Bình Phước thăm khám. Ở đây, bác sĩ nói Bảo Anh bệnh nặng và chuyển gấp lên tuyến trên. Khi đó là thời điểm dịch Covid-19 nên hạn chế phương tiện di chuyển lên TP.HCM. Hãi quá, chị đăng thông tin lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ. Sau đó, mẹ con chị Hằng đi nhờ xe tải chở rau lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chữa bệnh.

Bảo Anh có thời gian gần 3 năm điều trị ung thư máu

Bảo Anh có thời gian gần 3 năm điều trị ung thư máu

Ngày có kết quả sinh thiết, chị Hằng chờ đợi trong sự mệt mỏi trộn lẫn với khắc khoải hy vọng. Không khí càng trở nên ngột ngạt, mặc dù hôm đó trời mưa phủ trắng xóa khoảng sân bệnh viện. Bác sĩ báo Bảo Anh bị U lympho tế bào B lớn (một dạng ung thư máu) rồi chuyển về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM truyền hóa chất chống ung thư.

Hung tin như cú đánh chí tử vào chị Hằng, khiến chị quỵ ngã và sụp đổ. Chị đứng nhìn chằm chằm vào tấm phim chụp khối u ung thư như bị đóng đinh xuống mặt đất. Chị than trách số phận con sao quá ngặt nghèo: “Con tôi từ nhỏ đến lớn khỏe mạnh, bình thường vậy mà…”, chị nghẹn ngào.

Chồng chị Hằng đang đi làm công nhân tại xưởng gỗ ở quê, nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo, anh cũng rã rời, mất tập trung nên bị máy cưa gỗ cắt mất 3 ngón tay. Khi đó, anh không cảm thấy đau; khi thấy máu chảy nhiều, anh mới bất giác nhận ra. Có lẽ, người cha, người mẹ khi nghe con mắc bệnh ung thư, họ không còn bận tâm đến nỗi đau của mình nữa.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Hằng trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Lê Thị Thu Hằng (mẹ của cháu Lê Minh Bảo Anh ) qua số điện thoại 0983941512.

Số tài khoản Lê Thị Thu Hằng 5603205224395 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

“Mẹ cho con chết nhé…”

Nghĩ lại quá trình đấu tranh với bệnh ung thư dài đằng đẵng mà đứa Bảo Anh đã trải qua, chị Hằng không kìm nén nổi cảm xúc. Chị Hằng khóc thành tiếng. Chị vén áo đưa lên má mà không kịp chặn dòng nước mắt.

Hóa chất chống ung thư vắt kiệt sức sống của Bảo Anh, khiến các mảng da của em phồng rộp rồi chuyển qua màu đen sẫm. Bảo Anh lả đi với những trận nôn ra máu, tiêu chảy. Em không gào thét được nữa mà rên “hừ hừ” và ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định.

Thấy con vật vã đau đớn, chị Hằng khóc trong sự bất lực vỡ vụn. Nỗi đau của con gặm nhấm vào tâm can của chị.

Mỗi lần thấy mẹ khóc, Bảo Anh cố lấy giọng cứng cỏi và thanh thản động viên: “Mẹ ơi đừng khóc, con không đau nữa, con gắng ăn là được. Con bị bệnh con còn không khóc thì sao mẹ phải khóc”. Nói với chúng tôi điều này, chị Hằng gãy vụn trong lòng, giọng lạc đi. Chị nói thêm: “Con bình tĩnh thật hay cố gắng cho mình an tâm, tôi cũng không biết nữa…".

Chị Hằng đau đớn nhớ lại khoảng thời gian khủng khiếp cùng con điều trị ung thư

Chị Hằng đau đớn nhớ lại khoảng thời gian khủng khiếp cùng con điều trị ung thư

Gần 3 năm bám trụ tại bệnh viện, chị Hằng vẫn nhớ như in khoảnh khắc con lảo đảo bước đi trên sợi dây phân cách sự sống và cái chết khi con vào toa hóa chất thứ 6. Đó là một ngày trời nắng nóng. Bảo Anh đã ngủ ngồi cả ngày lẫn đêm, đầu gục xuống lưng mẹ. Bảo Anh mê man nói: “Con đau quá, con không chịu được. Mẹ cho con chết nhé!". Lúc đó, chị Hằng thét lớn, mếu máo: “Con ơi… con cố gắng lên, con đừng bỏ mẹ”.

Rồi một hôm, Bảo Anh sốt gần 42 độ C, người tím tái, lạnh từ bên trong, co giật và mê sảng ú ớ. Đến gần sáng, em suy hô hấp nặng, tim yếu dần. Những nhịp thở nặng nề làm rung cả lồng ngực của em. Chị Hằng điên cuồng gọi bác sĩ. Các thiết bị hỗ trợ được huy động tối đa để duy trì sự sống cho Bảo Anh.

Bác sĩ gọi thông báo cho chị Hằng, nếu Bảo Anh không qua được toa thuốc đó thì tỷ lệ tử vong rất cao, sự sống chỉ tính từng phút. Bác sĩ khuyên chị chuẩn bị tinh thần đưa Bảo Anh về nhà lo hậu sự vì con rất nguy kịch. Lúc đó, chị có cảm giác như đang đứng ở nấc thang cuối cùng của nỗi đớn đau, của hỗn loạn rối ren và cả xót xa.

“Tôi gọi điện cho người thân chuẩn bị các thứ. Tôi cũng xin cho con về chùa mà ruột gan đang đứt từng khúc. Nhưng tôi vẫn không dám chấp nhận, còn nước còn tát, kéo dài được chút nào hay chút đó”, chị Hằng ngậm ngùi.

Và rồi phép màu xảy ra! Vài ngày sau, Bảo Anh có dấu hiệu hồi phục. Nhìn con vượt qua đường hầm của cửa tử, vợ chồng chị Hằng không cầm nổi nước mắt.

Tiền bán nhà cũng đã hết và số tiền nợ đã lên tới 500 triệu đồng

Gần 3 năm cận kề cùng con chiến đấu với bệnh ung thư, chị Hằng chẳng nhớ nổi con trai đã phải truyền bao nhiêu toa thuốc hóa chất chống ung thư qua những đợt nhập viện dày đặc. Có đợt con nằm phòng nội trú gần 2 tháng liền, chi phí thuốc thang gần 60 triệu đồng. Vợ chồng chị phải bán nhà để lo cho con điều trị. Đến nay, tiền bán nhà cũng đã hết và số tiền nợ đã lên tới 500 triệu đồng.

Chị Hằng kể hồi trước chị làm nghề bán rau ở chợ, kiếm được 100.000 đồng/ngày. Từ ngày con lâm bệnh nặng, gánh nặng tài chính đè lên vai người chồng khi kiếm tiền chữa bệnh cho Bảo Anh và phụ cấp cho đứa lớn ăn học 3 triệu đồng/tháng. Chồng chị chật vật làm đủ nghề từ phụ hồ, cưa củi, mua ve chai. Trung bình kiếm được 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Trong cảnh ngặt nghèo, gia đình chị Hằng ở nhờ nhà bà ngoại. Còn ở TP.HCM, chị Hằng xin được vào ở miễn phí mái ấm gần bệnh viện. Phòng nhỏ xíu đủ kê chiếc giường ọp ẹp cho hai mẹ con nương nhau qua ngày.

Chị Hằng luôn kề cận chăm sóc con

Chị Hằng luôn kề cận chăm sóc con

Bảo Anh là con giữa, trước Bảo Anh còn có anh lớn đang học năm 2 Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), còn em gái út 5 tuổi. Bảo Anh đổ bệnh đột ngột khiến cuộc sống gia đình chị Hằng bị xáo trộn. Điều duy nhất chị cảm thấy được an ủi là các con đều ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Con trai lớn của chị tranh thủ đi làm thêm ở nhà hàng để phụ mẹ tiền trả học phí.

Tiếng thút thít dần lắng xuống. Chị Hằng ngẩng đầu nhìn chúng tôi rồi chị cười khổ: "Đứa lớn từng xin tôi nghỉ học đại học vì sợ gánh nặng, tôi nghe mà lòng đau như xé”.

Có lần, vợ chồng chị Hằng áp lực mà lời qua tiếng lại với nhau. Bảo Anh tự trách bản thân: “Ba mẹ đừng cãi nhau, tại con hết. Vì con bệnh, ba mẹ đi vay mượn mới có cãi nhau. Con nói ba mẹ đừng có buồn, giữa con và anh hai thì mẹ nên chọn anh hai vì anh có tương lai, còn con không có hy vọng…”. Những câu nói của con làm chị Hằng bận lòng và đau đến nhói tim.

“Em ước đó chỉ là sự nhầm lẫn”

Chị Hằng nói gần 3 năm bám trụ ở bệnh viện, đó là nỗi ám ảnh đối với chị. Phải chăng đứng trước bệnh tật, người ta thường bất ngờ, chối bỏ, đau đớn và buồn chán. Và rồi những cảm xúc ấy bị đè nén mỗi ngày, quẩn quanh, khô héo xung quanh bệnh viện. Có lẽ ai nấy đều sống trong phấp phỏng, lo âu và sợ hãi…

Nhiều lúc chị Hằng nản chí và muốn buông xuôi tất cả nhưng nhìn con mạnh mẽ cố gắng níu giữ sự sống, chị Hằng tự nhủ mình phải lạc quan. Ước mơ duy nhất của chị là con được sống và còn sống.

Những đợt nghỉ sau các toa hóa chất chống ung thư, Bảo Anh về quê đi học để nuôi dưỡng ước mơ làm kỹ sư công nghệ thông tin.

Mong ước của Bảo Anh là gì? Tôi hỏi. Cậu bé trầm tính, chần chừ mở lời: “Em ước đó chỉ là một sự nhầm lẫn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư của em là sai và em không có bệnh tật gì cả". Nghe Bảo Anh chia sẻ, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

Bảo Anh rất yêu thương mẹ

Bảo Anh rất yêu thương mẹ

Trước khi bị bệnh ung thư, Bảo Anh và chị Hằng cùng nhau nghe bài Nhật ký của mẹ do ca sĩ Hiền Thục hát. Chị nói đó là bài hát yêu thích của Bảo Anh. Có lần, nhìn thấy bức tranh cát về tình mẹ con, Bảo Anh thủ thỉ: “Con yêu mẹ, sau này con lớn con vẫn ở với mẹ và nuôi mẹ". Lúc đó cậu không biết rằng vài năm sau cậu sẽ nhập viện và gồng mình chiến đấu với bệnh ung thư.

Khi viết bài này, chúng tôi thường nghe đi nghe lại bài hát đó. Mỗi lần nghe, chúng tôi đều nghĩ tới Bảo Anh. Một cậu bé kiên cường chiến đấu với bệnh tật và yêu thương mẹ vô ngần.

Ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhìn những đứa trẻ và người thân của các em cùng nhau chiến đấu với bệnh ung thư để níu giữ sự sống, chúng tôi bất giác nhận ra có được sức khỏe, sự bình thường trong cuộc sống này là điều vô cùng quý giá...

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.