'Con muốn sống': Thấy mẹ hết tiền, bé gái ung thư xương xin về nhà chịu đau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bệnh ung thư đã cướp đi tuổi thơ của nhiều bệnh nhi. Ở độ tuổi này, thay vì được cắp sách đến trường, vui đùa cùng bạn bè… thì giờ đây, cuộc sống của các em phải trải qua ngày tháng lấy bệnh viện làm nhà, những lần hóa trị, xạ trị.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP.Thủ Đức), có hàng trăm đứa trẻ đang chống chọi với số phận nghiệt ngã như vậy.

Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều muộn, lọt thỏm ở bệnh viện này là một người phụ nữ với mái tóc tém, lộ rõ gương mặt mệt mỏi, đang đẩy chiếc xe lăn tới khu phòng bệnh trẻ em. Ngồi trên xe lăn là một đứa trẻ đang đội mũ vành sùm sụp, đeo khẩu trang kín mít và bị mất một chân. Đó là chị Phạm Ngọc Linh, 39 tuổi và con gái Phí Hồng Minh Trang (10 tuổi, ở H.Đồng Phú, Bình Phước) bị ung thư xương.

"Nếu còn 1% hy vọng, tôi vẫn sẽ giành giật sự sống cho con"

Đôi mắt trũng buồn vì nhiều đêm thiếu ngủ, chị Linh cho hay, tháng 10.2022, khi đi học về con nói nhức, mỏi ở phần đầu gối, nhưng chị nghĩ là bong gân nên không đưa con đi khám. Sau 1 tuần, thấy cơn đau của con không thuyên giảm, chị chở con bằng xe máy lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để kiểm tra. Bác sĩ nghi ngờ Trang bị viêm khớp rồi cấp thuốc cho uống và tái khám hằng tuần.

Hơn 1 tháng trôi qua, bệnh của Trang càng nặng hơn. Nhiều đêm, cơn đau hành hạ, Trang vã mồ hôi. Hãi quá, chị đưa Trang lên bệnh viện tái khám. Lúc này chân của em không đi được nữa, mẹ cõng em lên từng cầu thang bệnh viện để gặp bác sĩ.

Sau khi mổ sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh ung thư xương (giai đoạn 3) ở vị trí khớp háng hiếm gặp, cơ hội sống khoảng 6 - 9 tháng. Sau đó Trang được chuyển về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để truyền hóa chất chống ung thư.

Nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo, chị Linh sốc, rùng mình và có cảm giác như đang rơi xuống địa ngục. Chị không tin đó là sự thật…

Chị Linh mang hồ sơ của con đi từ Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đến Bệnh viện K (Hà Nội) với hy vọng có phác đồ chữa hết bệnh cho Trang. Nhưng các bệnh viện đều nói không chữa được.

Chị Linh khóc nghẹn khi nghĩ về con

Chị Linh khóc nghẹn khi nghĩ về con

Chị Linh nhớ như in ngày hôm đó, ngồi bên mẹ, Trang thỏ thẻ: “Khám bệnh xong mẹ mua cho con một cây bút máy để luyện chữ đẹp và đôi giày thể thao nha”. Cũng kể từ đấy Trang nhập viện, tạm gác việc học và không thể đi lại được. Theo chị Linh, Trang rất ham học, suốt 3 năm liền em đều là học sinh giỏi.

Gần 1 năm “đánh thuốc" liều mạnh, tóc Trang rụng hết, di chứng ở chân đã phình to, căng bóng, lấp đầy khối u ung thư và có nguy cơ "phát nổ". Trang đau đớn, quằn quại, khóc không thành tiếng.

Trang ngước mặt lên nhìn chị Linh bằng đôi mắt ngấn nước, rồi cầu xin: “Con đau lắm, như gãy xương. Có cách nào cho con chết liền không mẹ?”. Nghe con rên rỉ, chị Linh tan nát và thấy nghẹn nơi cuống họng. Chị cố ghì ôm Trang, an ủi con cố gắng.

Trang bị cắt bỏ chân phải vì ung thư

Trang bị cắt bỏ chân phải vì ung thư

Bệnh của Trang ngày càng trở nặng, các bác sĩ khuyên chị nên đưa con về nhà, nếu phẫu thuật chỉ có 10% cơ hội sống và có thể qua đời trên bàn mổ. Chị Linh không đành lòng, van xin bác sĩ cứu con. Tháng 1.2024, Trang được chuyển qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để cắt bỏ phần chân ung thư.

“Lúc đó tôi cầu mong phép màu xảy ra, nếu còn 1% hy vọng tôi vẫn sẽ giành giật sự sống cho con”, chị Linh nhớ lại thời khắc khủng khiếp mình đã trải qua.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Linh trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Phạm Ngọc Linh (mẹ của cháu Phí Hồng Minh Trang) qua số điện thoại 0795799301.

Số tài khoản Phạm Ngọc Linh 060265706803 - Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

"Con không sợ chết, chỉ sợ không còn ở với mẹ"

7 giờ sáng, trước khi ca mổ tiến hành, Trang không gào thét. Có vẻ như em chẳng còn sức để gào thét nữa. Toàn thân Trang run lên bần bật nhưng vẫn gắng nắm lấy tay mẹ, thều thào: “Con sẽ cố gắng, mẹ đừng có buồn. Mẹ khóc nhiều là con không yên tâm đâu". Nói với chúng tôi điều này trong khi chị Linh cố lấy tay chặn nước mắt trên mặt. Những dòng nước mắt đã tràn qua kẽ tay.

Nhìn theo bóng dáng con, chị Linh bước từng bước khô khốc tới cửa phòng đợi. Chị khóc không ngừng. Sau 8 tiếng, Trang qua khỏi nguy kịch rồi được vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Nằm trên chiếc băng ca, Trang quay đầu về phía mẹ, dáo dác tìm mẹ trong khi đôi mắt đỏ ngầu vì những mạch máu vỡ. Vai rung lên, Trang rưng rức khóc trong im lặng rồi mấp máy đôi môi khô nhợt nhạt: “Con nhớ mẹ". Nghe con thủ thỉ, chị Linh vỡ òa trong nỗi đau đớn và xót xa chồng chất.

Trang viết nhật ký để xoa dịu nỗi đau của bệnh ung thư

Trang viết nhật ký để xoa dịu nỗi đau của bệnh ung thư

Chị Linh nói, Trang là cô bé hiểu chuyện và gồng mình chịu đau rất giỏi. Những lần vào thuốc chống ung thư khiến em nôn ói, co giật và kiệt sức nhưng Trang không dám than thở vì sợ mẹ lo lắng. Mỗi khi mệt mỏi, buồn rầu hay muốn òa khóc, em lại viết nhật ký để tự cổ vũ cho bản thân. Trang muốn sống. Chỉ cần được sống thì dù có phải uống thuốc hay tiêm bao nhiêu hóa chất, Trang cũng tự tin mình chịu đựng được hết.

Không muốn con gái cảm thấy mặc cảm, tự ti, chị Linh đã cạo đầu để đồng hành cùng con. Nhiều đêm thức trắng xoa bóp chân cho con, chị kiệt sức, sụt 10 kg. Hôm đó, chị mệt lừ nằm thiếp dưới chân con. Trang nằm im nhìn mẹ, trên đôi môi của đứa trẻ khẽ nở một nụ cười yếu ớt và giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhợt nhạt nổi rõ mạch máu li ti.

Có lẽ, sự đau đớn và mất mát một chân chẳng khiến Trang bận tâm; với em, nó chỉ là một cái chân hư hỏng và mục nát. Mà điều khiến em bận tâm là nỗi buồn của mẹ.

Tâm sự với chúng tôi, cô bé với khuôn mặt phù nề tích nước, buồn rầu: “Trong thời gian chiến đấu với bệnh tật, điều mà cháu cảm thấy khó chịu đựng không phải là nỗi đau đớn thể xác. Mà khi nhìn thấy dáng vẻ mẹ khóc, mệt mỏi khi ở cạnh chăm sóc cháu".

Trang có thời gian hơn 2 năm điều trị ung thư xương

Trang có thời gian hơn 2 năm điều trị ung thư xương

Bao lâu thì Trang biết về căn bệnh của mình? Tôi hỏi. Chị Linh cúi mặt xuống với đôi mắt ngấn nước, chua xót: “Cháu biết hết!".

Chị Linh cho hay lúc trước chị giấu Trang khi con hỏi về những người bạn cùng phòng vì sao đã lâu lại không thấy. Sau này, khi em chứng kiến cô bạn thân qua đời ngay trước mặt nên em dần hiểu ra căn bệnh của mình. Kể từ đó, chị Linh giải thích về bệnh tình cho con và mong con có thể đón nhận bệnh tật một cách nhẹ nhàng. Chị cũng hay mở kinh Phật cho Trang nghe, dạy con niệm cầu bình an.

"Chủ nhà sợ con qua đời ở phòng trọ nên đuổi mẹ con tôi đi"

Chị Linh và chồng ly hôn cách đây 7 năm, một mình chị chật vật nuôi 3 người con ăn học (con gái lớn học lớp 10, đứa giữa học lớp 6 và Trang là con út). Lúc Trang chưa lâm bệnh nặng, chị Linh làm thêm ở tiệm bánh kem, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền đó đủ để 3 mẹ con ăn uống, sinh hoạt và chi trả tiền thuê trọ 1,5 triệu đồng/tháng.

Nhưng từ ngày Trang đổ bệnh, chị nghỉ việc và chuyển sang bán hàng online, trung bình kiếm được 100.000 - 150.000 đồng, có ngày không kiếm được đồng nào. Còn 2 đứa nhỏ ở nhà tự chăm nhau từ ăn uống, sinh hoạt đến việc học.

Chị Linh nói bệnh của Trang chỉ kéo dài sự sống. Để có tiền cho chữa trị gần 2 năm qua, chị bán hết tài sản có giá trị, vay mượn bạn bè, họ hàng. Đến nay các khoản nợ lên tới 100 triệu đồng.

Có lần, thấy mẹ đếm lại chút tiền trong ví, Trang lại bảo: "Hay mình về nhà đi, mẹ vì con mà hết tiền rồi. Con về nhà chịu đau cũng được". Chị Linh khựng lại rồi vội vàng quay đầu ra ngoài cửa sổ. Vì chị không muốn đứa trẻ biết rằng chị đang khóc.

Chị Linh sẽ cùng con chiến đấu với bệnh ung thư đến cùng

Chị Linh sẽ cùng con chiến đấu với bệnh ung thư đến cùng

Ước mơ của Trang là gì? Tôi hỏi. Trang dè dặt mở lời: “Con mong mẹ có sức khỏe và mình hết bệnh để sau này lớn lên kiếm tiền xây nhà cho mẹ". Hỏi ra mới biết vì sao Trang lại có ước mơ xây nhà. Lúc trước mẹ con chị Linh bị chủ nhà cũ chửi bới và đuổi đi vì sợ Trang qua đời ở phòng trọ.

Gần 2 năm sống trong bệnh viện tưởng dài như thế kỷ nhưng lại ngắn ngủi bởi cửa tử đã lơ lửng trước mắt. Kiệt quệ từ tinh thần đến vật chất là vậy nhưng chị Linh chưa bao giờ thôi hy vọng. Ước mơ lớn nhất của chị là con có thể tiếp tục sống.

“Tôi mong cho nó sống như vậy cũng được, mình chăm nó hoài cũng được, nó thỏ thẻ với mình hoài cũng được, đừng bỏ mình đi là được. Bây giờ tôi phải cố gắng giữ con. Tôi ước nó có thể đợi được đến khi y học phát triển có thuốc chữa hết bệnh ung thư”, nói tới đây chị khóc nức nở.

Bệnh ung thư khiến Trang rụng tóc, khuôn mặt phù nề tích nước

Bệnh ung thư khiến Trang rụng tóc, khuôn mặt phù nề tích nước

Chúng tôi rời khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khi trời đổ bóng tối đậm đặc. Ngọn đèn cao áp ở giữa khu phòng bệnh trẻ em và trung tâm ung thư đã được bật sáng. Những sợi mưa đầu mùa đều tăm tắp tuôn xối xả vào khoảng giữa những ánh đèn màu trắng. Nhìn những gương mặt mệt mỏi thiếp đi, chốc chốc lại rùng mình vì cơn đau của những "chiến binh nhí" khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng...

Còn nhiều lắm những bệnh nhi đang chống chọi với bệnh tật nan y để giành lấy sự sống. Chúng tôi hy vọng phép màu sẽ đến, giúp các em thoát khỏi nỗi đau đớn của bệnh tật và có một cuộc sống mới với nhiều niềm vui…

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.