Chuyện tình xuyên xà lim của người tử tù Côn Đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một chuyện tình ly kỳ, trắc trở và đặc biệt trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Chuyện tình ấy vượt qua bao phong ba bão táp, qua những cung bậc dạt dào của cảm xúc, qua cả những thời khắc kinh hoàng nhất của sự tra tấn và chuẩn bị ra pháp trường...

3 lần ngỏ lời yêu không thành

Ở tuổi ngoài 90, ông bà vẫn tự chăm nhau như thời mới cưới. Ông vẫn dành cho bà một tình yêu trên tất cả cuộc đời mình. Dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chuyện tình của cựu tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu vẫn luôn là câu chuyện lấy đi bao cảm xúc của con người, một cuộc tình đẹp như cổ tích trong chiến tranh, giữa lao tù và cái chết.

Đám cưới cổ tích của hai chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu.

Đám cưới cổ tích của hai chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu.

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Châu xuất thân từ gia đình lao động nghèo nhưng được cha mẹ giáo dục, định hướng đi theo cách mạng nên trong tư tưởng, tâm trí cô gái mới lớn đã hình thành lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc và bè lũ tay sai bán nước. Năm 1955, con đường cách mạng của nữ chiến sĩ trẻ mới bắt đầu, đó là thời điểm cô rời Biên Hòa (Đồng Nai) lên Sài Gòn nhập học trường Văn Lang. Tại đây, Châu gặp lớp trưởng Lê Hồng Tư, một đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc, quê ở Bình Chánh (Sài Gòn), làm nghề thợ điện, được cách mạng tìm cách đưa vào trường học để gây dựng phong trào trong học sinh, sinh viên.

Ngày đầu tiên nhìn thấy mái tóc dài thướt tha, óng đẹp của thiếu nữ đang thì con gái, lớp trưởng Lê Hồng Tư không khỏi chộn rộn. Anh hăng hái hướng dẫn, chỉ bảo từng chút một cho Châu làm thủ tục nhập học.

Biết được gia cảnh khó khăn của Châu không đủ tiền trọ học, phải ở nhờ trong ngôi miếu nhỏ một thân một mình, Lê Hồng Tư càng cảm thương hơn. Anh bàn với một bạn trong lớp giúp đỡ Châu tìm một nơi ở mới sáng sủa hơn, có bạn có bè, phòng trừ ốm đau đột xuất. Vậy là Châu được tạo điều kiện trọ cùng nhà một người bạn học trong lớp, bạn này học hơi yếu nên Châu có nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ tiến bộ.

Nhìn Nguyễn Thị Châu mỗi ngày lên lớp, tình cảm đơn phương trong Lê Hồng Tư cứ ngày một lớn dần. Anh thường lui tới nơi cô Châu ở để hỏi thăm và cũng để đỡ nhớ nhung. Rồi cứ lễ, tết anh lại về quê cô chơi. Anh nói chuyện vui vẻ, tế nhị với các anh em của Châu nên gia đình ai cũng quý mến.

Phong trào hoạt động ngày một dâng cao, tổ chức yêu cầu Lê Hồng Tư phải chuyển đi nơi khác còn Nguyễn Thị Châu phải thi rớt tú tài một (hết lớp 11) để ở lại làm nòng cốt cho phong trào. Hiểu rõ yêu cầu của tổ chức nhưng khi nghĩ đến gia đình thì Châu cũng băn khoăn vì đã hứa với mẹ là sẽ sớm tốt nghiệp để đi làm giúp mẹ nuôi 5 em.

Thương thầm nhớ trộm cô Châu từ bấy lâu nay, Lê Hồng Tư không dám bày tỏ. Người bạn ở cùng với Châu thấy tình hình không ổn liền nhắc nhở Hồng Tư: “Anh thương cô ấy thì bày tỏ đi, kẻo mất người đẹp. Anh sắp phải rời xa nơi này đồng nghĩa với việc không được học cùng, vui chơi cùng Châu nữa”.

Một ngày mưa Sài Gòn nhẹ nhàng giăng hạt, trời đất thâm trầm khiến lòng anh Tư cứ nao nao một cảm giác khó tả. Ngày cuối tuần, bạn ở cùng Châu về nhà nên đây là thời cơ tốt nhất để anh bày tỏ tình cảm của mình. Châu một mình cặm cụi bên chồng sách, Tư bước vào mà cô không hay. Lấy hết can đảm, Hồng Tư xin Châu ít phút trình bày tâm sự. Bằng giọng nhẹ nhàng, run run, Tư nói: “Hôm nay tui đến đây có chuyện muốn nói với em để xin ý kiến của em. Hơn năm nay, tui có thương một người con gái. Người ấy rất đẹp lại ngoan hiền, học giỏi và cùng lý tưởng với mình. Châu thấy có phù hợp không?”. Châu nãy giờ vẫn lắng nghe, xong hồn nhiên hỏi: “Thế thì tốt quá, cô gái ấy tên gì vậy?”. Hồng Tư ngập ngừng giây lát rồi nói: “Người ấy chính là Châu”. Nhìn thật lâu vào mắt Hồng Tư, Châu trả lời: “Em không có ý định lập gia đình, em đã hứa với mẹ lo học tập thật tốt để sau này còn về giúp mẹ lo cho các em”.

Vợ chồng ông Tư ngày mới cưới.

Vợ chồng ông Tư ngày mới cưới.

Hồng Tư hy vọng bao nhiêu thì lại hụt hẫng bấy nhiêu, anh không ngờ kết quả lại không như ý mình mong muốn. Tư lẳng lặng bước lên cầu thang, ngoái lại nhìn xuống vẫn thấy Châu cặm cụi làm bài tập. Lòng anh quặn thắt, một nỗi đau cứ mênh mang, sâu lắng lan khắp cơ thể anh. Lần đầu tiên trong đời, Hồng Tư cảm nhận trọn vẹn nỗi đau và sự thất vọng đến như vậy. Anh không từ bỏ, vẫn âm thầm đeo đuổi và luôn hướng về Châu. Rồi những lần gặp sau đó, hai người trao đổi công việc, truyền đạt nhiệm vụ cho nhau, cuối cùng, Hồng Tư lại hỏi: “Hơn năm qua, tình cảm của em có tiến triển gì không?”. Châu vẫn lắc đầu.

Năm 1961, do bị chỉ điểm, Nguyễn Thị Châu bị “đoàn công tác đặc biệt” của Ngô Đình Cẩn vây bắt rồi đưa vào nhà giam tại Sở thú Sài Gòn. Trong tù, cô bị tra tấn, đánh đập dã man, từng chết đi sống lại nhiều lần nhưng chính lòng kiên trung đã giúp cô gượng dậy.

Sau đó ít lâu, Lê Hồng Tư cũng bị địch bắt, bị tòa án quân sự Sài Gòn tuyên án tử hình.

Một ngày buồn thâm u trong căn phòng biệt giam, Nguyễn Thị Châu được đưa vào cho tờ báo. Trên trang nhất có đăng tin: “Ngày 23/5/1962, tòa quân sự đặc biệt xử vụ Hội liên hiệp sinh viên học sinh ám sát chết nhiều sĩ quan Mỹ và tấn công cả xe Đại sứ Mỹ giữa ban ngày. Tòa xử 4 án tử hình: Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư... Đọc chưa hết, nước mắt cô nghẹn ứ bên trong, cô không dám khóc vì sợ mắt sưng lên, bọn cai ngục sẽ biết. Ngay lúc này đây, lòng cảm phục biến thành tình yêu mãnh liệt với người tử tù đang chờ ngày lên máy chém là Lê Hồng Tư. Không do dự gì nữa, Nguyễn Thị Châu báo cáo với chi bộ tù nhân: “Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi”.

Nhiều bạn tù biết chuyện không khỏi rưng rưng nước mắt hỏi Châu: “Sao bao nhiêu lần anh ấy ngỏ lời, cô không đồng ý, đợi đến lúc anh ấy sắp hy sinh rồi mới chịu?”. Châu thú thật rằng, thật ra trước đó, cũng có tình cảm với anh nhưng vì hoàn cảnh ngặt nghèo, vì gia đình, vì công việc nên Châu còn ngần ngại. Nhưng nay, sợ anh hy sinh rồi mà vẫn còn mang tâm trạng chờ đợi âu lo về một người nên Châu quyết định. Châu tự hứa với lòng mình sau này nếu anh ấy hy sinh thì Châu cũng cứ ở vậy, không lấy ai nữa. Châu nhờ mọi người chuyển giùm lời ước hẹn của mình đến anh Tư.

“Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”

Trong xà lim, những khi nỗi nhớ ùa về, Châu chỉ biết khóc và thương anh Tư. Không biết cảm xúc từ đâu đến, nó ào ạt mạnh mẽ để cô viết ra 4 dòng thơ chắt lọc tinh khiết từ chính con tim mình: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”.

Những câu thơ được khắc lên vách tường nhà lao để mỗi ngày trôi qua là một ngày nhung nhớ trong khắc khoải hy vọng. Năm 1964, Nguyễn Thị Châu được ra tù, cô tiếp tục hoạt động cách mạng hăng hái và không ngừng hy vọng về ngày “đoàn tụ” với vị hôn phu là tử tù.

Ông Lê Hồng Tư trong lần trở lại thăm Côn Đảo, năm 2023.

Ông Lê Hồng Tư trong lần trở lại thăm Côn Đảo, năm 2023.

Ở nhà tù Côn Đảo, Lê Hồng Tư sống trong cảnh thấp thỏm, đánh vật với từng ngày sống sót. Cuối năm 1964, một bạn tù mới bị đưa vào tử ngục báo cho anh: “Chị Nguyễn Thị Châu, vị hôn thê của anh, nhắn anh hãy vững vàng bản lĩnh, sống lạc quan, vui vẻ chờ ngày đoàn tụ”. Lê Hồng Tư vừa mừng vừa lo, niềm hạnh phúc đến với anh quá bất ngờ trong hoàn cảnh nay sống mai chết không ai biết được. Con tim anh rộn lên niềm vui, vậy là cô ấy đã đồng ý tình cảm của mình. Chuyện tình vượt qua hàng ngàn cung đường, len lỏi vào tận xà lim. Hơn 10 năm cách trở, tử thần chực chờ anh, niềm tin có những lúc chỉ còn là đốm lửa le lói trước gió.

Trong nhà tù Côn Đảo, những cuộc đấu tranh chính trị kéo dài, bền bỉ đã giúp Lê Hồng Tư duy trì được sự sống đến ngày đất nước giải phóng. Ngày trở về, Lê Hồng Tư phóng xe thẳng tới UBND quận 10, nơi cô Nguyễn Thị Châu đang làm Chủ tịch UBND quận. Hai người chạy ào đến ôm nhau khóc nghẹn ngào không nói nên lời, mặc cho bao ánh mắt đang chăm chú nhìn về phía họ. Anh Tư bị nhiều vết thương do tra tấn và gông cùm, cô Châu vào bệnh viện chăm sóc anh cho đến ngày lành lặn. Một hôm, cô hỏi anh Tư: “Nếu trong thời gian ở tù Côn Đảo anh đã có người khác thì em xin rút lui để anh được hạnh phúc”.

Anh Tư nắm chặt tay cô nói: “Tôi đã hứa với lòng mình chừng nào còn hơi thở trên cõi đời này là tôi chỉ yêu một mình em, muốn kết hôn cùng em”. Vậy là đám cưới của họ được tổ chức vào tháng 8/1975 khi anh Tư đã ngoài 40 tuổi. Tiệc cưới chỉ mời 250 người nhưng bạn bè, người quen đến hơn 600 người để chung vui. Một điều kỳ diệu nữa cho cuộc tình cổ tích này chính là bé trai chào đời sau 2 năm ngày cưới, điều mà cả bác sĩ cũng không thể ngờ khi cả hai đều bị tra tấn dã man trong lao ngục và rất khó để có con.

Sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Châu làm Chủ tịch UBND quận 10; công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh, sau đó làm Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Hội Bảo trợ trẻ em TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Lê Hồng Tư làm ở Sở Văn hóa - Thể thao rồi chuyển sang giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Người con trai duy nhất của ông bà cũng giữ vị trí cao trong chính quyền thành phố. Trong gia đình của ông bà bây giờ đã có thế hệ thứ ba, cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười con trẻ.

Tuổi ngoài 90, bà Châu giờ chân yếu, không thể đi lại nhiều, ông Tư vẫn chăm sóc và yêu thương bà trong mỗi phút giây của cuộc đời. Ông vẫn gọi bà là em, xưng anh và luôn thủ thỉ với người vợ tào khang của mình rằng: “Anh sẽ yêu em cho đến hơi thở của cùng”. Tình yêu của hai chiến sĩ cách mạng có cái kết thật viên mãn.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.