Tiếp tục nhầm lẫn về nhân vật lịch sử Trần Đức Hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trần Đức Hòa là một nhân vật lịch sử nổi tiếng ở Bình Định. Ông được chúa Nguyễn phong chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước Cống Quận công-một chức quan làm phó cho các Chánh hộ thu thuế.

Thế nhưng gần đây nhân vật Trần Đức Hòa lại được một số nhà nghiên cứu “phong tặng thêm” nhiều chức tước, công trạng, trong đó có chức Trấn thủ Quy Nhơn với vai trò “bà đỡ” khai sinh chữ quốc ngữ…

Khu lưu niệm Khám lý - Cống quận công Trần Đức Hòa tại quê nhà Bồng Sơn - Hoài Nhơn, Bình Định

Khu lưu niệm Khám lý - Cống quận công Trần Đức Hòa tại quê nhà Bồng Sơn - Hoài Nhơn, Bình Định

Những thông tin “lạ”

Từ lâu, sử sách triều Nguyễn (trong đó có Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam Nhất thống chí) và gia phả họ Trần Đức ở Hoài Nhơn (Bình Định) đều cho biết: Trần Đức Hòa là người ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn; nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông được chúa Nguyễn phong giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước Cống Quận công. Năm 1627, ông có công phát hiện và tiến cử nhân tài Đào Duy Từ với chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên…

Thế nhưng, gần đây trên một số báo chí, sách báo, hội thảo đã xuất hiện những thông tin về Khám lý – Cống Quận công Trần Đức Hòa, với những chức tước và công trạng “mới lạ”, như: Tuần phủ Quy Nhơn, Trấn thủ Quy Nhơn, Tri phủ Quy Nhơn, Quan trấn tỉnh Quy Nhơn, “bà đỡ” khai sinh chữ quốc ngữ…

PGS.TS Đỗ Bang là một trong những người đầu tiên đưa thông tin “mới lạ” về Khám lý Trần Đức Hòa. Với tư cách Chủ biên tập Địa chí Bình Định (NXB Đà Nẵng – 2006), ông Đỗ Bang cho biết: “Năm 1618, Khám lý Trần Đức Hòa mời giáo sĩ Borri đến lập giáo xứ ở phố Nước Mặn”. Tiếp đến là linh mục Võ Đình Đệ, trong cuốn Bình Định với chữ quốc ngữ (NXB Tổng hợp TPHCM - 2016), cho biết: “Việc khởi đầu sáng tạo chữ quốc ngữ là sáng kiến của các thừa sai Dòng Tên phát xuất từ việc truyền giáo cho người Việt. Ngoài ra,… người đầu tiên phải kể đến là ông Trần Đức Hòa, quan phủ Quy Nhơn”.

Tương tự, trong tập sách Một số vấn đề về chữ quốc ngữ (NXB KH-XH và tạp chí Xưa & Nay–2020), tác giả Nguyễn Thanh Quang viết: “Trần Đức Hòa là Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn… Đặc biệt là sự đóng góp mang tính quyết định của quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa”.

Đáng lưu ý, trong cuốn Chữ quốc ngữ - Từ Nước Mặn đến Làng Sông (NXB Đồng Nai – 2016), nhà sử học Phan Huy Lê cho biết: “Chữ Quốc ngữ xuất hiện sớm ở Nước Mặn thuộc phủ Quy Nhơn, còn nhờ có vai trò của Khám lý (như Trấn thủ) Trần Đức Hòa. Điều này được miêu tả rất cụ thể trong sách của Borri”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, khi giới thiệu về tập sách Một số vấn đề về chữ quốc ngữ thì khẳng định:“Đặc biệt, trong hành trình chữ viết của tiếng Việt… có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định… Đó là việc quan Trấn thủ Quy Nhơn -Trần Đức Hòa, các văn nhân tại Nước Mặn”…, v.v…

Trong khi báo Tiền Phong điện tử ngày 30/10/2023, bài Những nhầm lẫn, ngộ nhận về Khám lý Trần Đức Hòa đã chỉ rõ đây là sai sót, nhầm lẫn. Đáng tiếc, những tác giả và cơ quan hữu quan đều không phản hồi. Và ngay trong thời gian này, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử (LTLS) tỉnh Bình Định hiện đang diễn ra triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định, triển lãm sẽ kéo dài đến cuối tháng 6/2024. Trong đó tiếp tục cho rằng Khám lý Trần Đức Hòa có vai trò “bà đỡ” phôi thai chữ quốc ngữ tại Bình Định với tư cách Tuần phủ/trấn phủ Quy Nhơn. Mới đây nhất, tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam số 560 tháng 2/2024) có bài viết của tác giả Nguyễn Công Thành, với tiêu đề Chức quan, phẩm tước của Trần Đức Hòa qua sử liệu cũng mang tính khẳng định điều này.

Khám lý Trần Đức Hòa và Tuần phủ Quy Nhơn là hai người khác nhau!

Trong bài viết Chức quan, phẩm tước của Trần Đức Hòa qua sử liệu, tác giả Nguyễn Công Thành dẫn nguồn từ sách Đại Nam nhất thống chí, rồi lý giải một cách mơ hồ, rằng “Chức quan đứng đầu phủ Quy Nhơn có thể là “Tuần phủ khám lý”, “Tuần phủ và Khám lý”, thậm chí có thể là “Tuần phủ hoặc Khám lý”. Để đi đến kết luận rằng: “Đây là một trong những cơ sở góp phần xác định: Khám lý Trần Đức Hòa có phải là viên quan đứng đầu phủ Quy Nhơn (province de Pulucambi) như ghi chép của Borri hay không?”.

Sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Christoforo Borri (một trong những bản in đầu tiên bằng tiếng Ý – 1631) giới thiệu về quan Tuần phủ Quy Nhơn, trong đó không hề có tên Khám lý Trần Đức Hòa

Sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Christoforo Borri (một trong những bản in đầu tiên bằng tiếng Ý – 1631) giới thiệu về quan Tuần phủ Quy Nhơn, trong đó không hề có tên Khám lý Trần Đức Hòa

Trong khi trên thực tế, cuốn sách Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong của giáo sĩ người Ý Christoforo Borri không hề có đoạn nào ghi quan Tuần phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa. Rất nhiều sử liệu mà chúng tôi dẫn trong bài về nhân vật “Tuần phủ Quy Nhơn” dù có một số thông tin về gia đình, năm mất… nhưng lại hoàn toàn không ghi tên. Đây chính là lỗ hổng để có những suy diễn rằng Tuần phủ Quy Nhơn chính là Trần Đức Hoà.

Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rõ: “Năm Nhâm Dần Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế thứ 45 (Lê Hoàng Định thứ 2 – 1602) đổi phủ Hoài Nhân làm phủ Quy Nhân (Nhơn), đặt các chức Tuần phủ, Khám lý, vẫn lệ vào dinh Quảng Nam”. Điều đó có nghĩa Tuần phủ, Khám lý là hai chức vụ khác nhau. Đáng lưu ý, theo quy định quan chế nhà Nguyễn, Tuần phủ là chức thuộc Văn giai, còn Khám lý thuộc Võ giai. Chức Tuần phủ thuộc hàm Tòng nhị phẩm, trong khi Khám lý thuộc hàm Tòng thất phẩm…

Từ đó cho thấy: Trần Đức Hòa là Khám lý - Cống Quận công, và ông chưa bao giờ đảm nhiệm chức Tuần phủ Quy Nhơn. Và trên bia mộ của ông ở Hoài Nhơn từ xưa cũng ghi rõ: “Cống quận công Trần Đức Hòa – Khám lý phủ Quy Nhơn”.

Ngoài ra, còn nhiều điểm khác biệt giữa Khám lý - Cống Quận công Trần Đức Hòa và viên quan Tuần phủ cai quản Quy Nhơn giai đoạn trên, cho thấy đây không phải là một người.

Qua những cứ liệu trình bày ở trên, có thể kết luận: Khám lý Trần Đức Hòa và Tuần phủ Quy Nhơn là hai người khác nhau hoàn toàn. Và như vậy, ông Trần Đức Hòa không phải là người có “vai trò bà đỡ” phôi thai chữ quốc ngữ ở Nước Mặn- Quy Nhơn… Thiết nghĩ, đã đến lúc các ban ngành liên quan cần thẩm định, đánh giá lại các nguồn sử liệu liên quan đến Khám lý Trần Đức Hòa, đồng thời đính chính, loại bỏ những nội dung nhầm lẫn, sai lệch, phi lịch sử.

Về quê quán: các nguồn sử liệu và gia phả Trần Đức cho biết Trần Đức Hòa là người ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn. Còn theo Christoforo Borri thì quê của quan Tuần phủ Quy Nhơn là ở Chifù (tiếng Ý đọc là Ky Su) - Nước Mặn (hai địa điểm cách nhau khoảng 70 km). Về năm sinh năm mất: Theo nhiều nguồn sử liệu, trong đó có Đại Nam Thực Lục thì năm Đinh Mão (1627) Trần Đức Hòa vẫn còn sống và tiến cử Đào Duy Từ lên chúa Sãi… Thế nhưng, theo Borri thì quan Tuần phủ Quy Nhơn qua đời vào năm 1619.

Về gia đình: Theo gia phả tộc Trần Đức thì Trần Đức Hòa không có anh, chị em; còn theo Borri thì gia đình quan Tuần phủ có một số anh chị em, trong đó có người chị gái. Theo sử sách triều Nguyễn và gia phả họ Trần Đức thì Khám lý Trần Đức Hòa có người con gái là Trần Thị Chế, quê ở Bồ Đề (Bồng Sơn), gả cho Đào Duy Từ. Còn theo Borri thì người con gái của quan Tuần phủ Quy Nhơn quê ở Nước Mặn, có chồng là Sứ thần triều Nguyễn, từng đi sứ Cao Miên. Đồng thời, cả con gái và con rể quan Tuần phủ đều theo đạo Công giáo, trong đó người con gái có tên thánh là Ursula, con rể tên thánh là Ignatio…

Cũng theo sử sách và gia phả họ Trần Đức thì Khám lý Trần Đức Hòa có người con trai tên là Trần Đức Nghi, làm Phó Đề đốc phủ Quy Ninh. Còn theo Borri thì người con của quan Tuần phủ Quy Nhơn (không phải Trần Đức Hòa) từng giữ chức Hiệp Trấn. Sau khi quan Tuần phủ Quy Nhơn qua đời vào năm 1619 thì người con được cử giữ chức Phó Tuần phủ và sau 3 năm thì thay cha giữ chức Tuần phủ Quy Nhơn…

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.