Những người mở đường huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con đường huyền thoại mang tên Bác đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã ghi những dấu ấn khó phai mờ của những người tham gia mở đường.

Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm

Tại Quảng Nam, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dài khoảng 200 km đi qua nhiều huyện miền núi, có đoạn nằm trên địa phận nước bạn Lào với bao chiến tích anh hùng. Hiện dọc tuyến đường này, các thị trấn sầm uất, những khu dân cư đông đúc đã hiện hữu như để minh chứng cho sức sống mãnh liệt trên con đường lịch sử này.

Đường Trường Sơn nối huyện Đông Giang và Nam Giang (Quảng Nam)

Đường Trường Sơn nối huyện Đông Giang và Nam Giang (Quảng Nam)

Những ngày tháng 5 này, chúng tôi có dịp đi qua đường Trường Sơn, trên cung đường huyền thoại, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh những cựu binh mặc quân phục xanh đi tìm về những địa chỉ cũ nơi họ từng gắn bó thời gian dài. Đường Trường Sơn đã gắn với biết bao huyền thoại về những người con anh hùng. Những con người "xuyên sơn phá thạch", "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Các chuyên gia quân sự Mỹ gọi đường Trường Sơn là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".

Nói đến đường Trường Sơn, những người tham gia mở đường cho rằng đây là con đường sinh ra giữa tiếng gào thét xé trời. Từ buổi vạch lá tìm đường, "nộp thuế máu" cho vắt hay nộp màu da trai trẻ cho sốt rét rừng… cho đến khi cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ là 16 năm (từ năm 1959 - 1975).

Già Arâl Alất kể lại những câu chuyện gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại

Già Arâl Alất kể lại những câu chuyện gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại

Ngồi lại bên căn nhà nhỏ ở thôn A Dinh (TT.P'rao, H.Đông Giang, Quảng Nam), chúng tôi như được sống lại thời kỳ lịch sử hào hùng của cả dân tộc qua những câu chuyện của già Arâl Alất. Người đoàn viên năm xưa đã góp mặt trong đội quân làm đường Trường Sơn đoạn qua xã Bha Lêê (H.Tây Giang, Quảng Nam) bây giờ.

Năm 1967, khi đang là Phó bí thư Đoàn xã A Vương (H.Tây Giang), ông cùng nhiều đoàn viên địa phương đã tự nguyện đăng ký tham gia đi mở đường Trường Sơn. Thời điểm đó, cung đường từ Bốt Đỏ về A Nông có nhiều đoạn an toàn hơn nên giao cho chính đoàn viên địa phương phụ trách. Về phần bộ đội thì nhận làm đoạn đường nguy hiểm nhất.

"Gần 1 năm bám trụ mở đường, mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được tin có bộ đội hy sinh. Ám ảnh vô cùng. Nhưng, tất cả đều luôn động viên nhau phải cố gắng bám đường, thông tuyến để sớm hoàn thành công việc mà các chiến sĩ đang thực hiện còn dang dở", già Arâl Alất kể lại hồi ức cũ.

Ông Nguyễn Văn Bạch (phải) trầm tư kể về những ngày mở đường Trường Sơn đầy ác liệt

Ông Nguyễn Văn Bạch (phải) trầm tư kể về những ngày mở đường Trường Sơn đầy ác liệt

Thung lũng A Dinh bấy giờ là lán trại của bộ đội, bà con từ núi cao lặn lội gùi lúa, gùi gạo, rau rừng đem xuống góp cho chính quyền để nuôi bộ đội. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Cơ Tu đã cùng lực lượng bộ đội công binh, thanh niên xung phong… mở đường, góp phần đảm bảo sự lưu thông trên tuyến huyết mạch Trường Sơn.

Trở về sau chuyến đi mở đường, năm 1971, già Arâl Alất nhập ngũ, làm bộ đội địa phương, tham gia nhiều trận đánh ác liệt.

"Năm 1974, tại thôn A Dinh bây giờ, quân địch đã mở trận càn quét cuối cùng vào cánh miền núi Đông Giang, Tây Giang đã khiến nhiều bộ đội hy sinh. Để mở tuyến đường "thống nhất" này, đâu đâu khắp núi rừng Trường Sơn đều có máu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân… đổ xuống", già Arâl Alất trầm tư nói.

Ký ức Trường Sơn

Bến Giằng của huyện vùng cao Nam Giang là một trong hai điểm di tích đánh dấu quan trọng của đường Trường Sơn đi qua tỉnh Quảng Nam.

"Đi bộ trên đường mòn Trường Sơn năm xưa mà như đi về lại quá khứ. Giữa mênh mông của rừng núi bây giờ, thi thoảng tôi vẫn nghe đâu đó tiếng còi xe, tiếng đạn bom gầm rú của máy bay địch đánh phá nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam thân yêu", ông Nguyễn Văn Bạch bồi hồi.

Đã 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Bạch, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 21, thuộc Sư đoàn 472, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, vẫn nhớ chính xác ngày ông nhập ngũ ở quê nhà Hà Nam. Sau khi nhập ngũ ngày 21.2.1965, ông được đưa vào làng Ho (H.Bố Trạch, Quảng Bình) để bắt đầu hành quân vào Nam. Từ làng Ho, đơn vị ông đi bộ xuất phát ở trạm 1 và dừng chân tại trạm 56, đóng trên đất Lào. "Thời điểm đó, nước bạn Lào cho ta mượn đất mở đường tắt vào giải phóng miền Nam", ông Bạch kể lại.

Người lính già Trường Sơn cho biết bình quân khoảng cách mỗi trạm là 15 km. Hành quân 7 ngày sẽ nghỉ 1 ngày với hành trang là súng đạn, cuốc xẻng… với khoảng 40 kg. Về đến trạm 56, phải thay 4 đôi giày. Từ trạm 56, bộ đội dựng lán trại tập kết, sau đó bắt đầu mở đường Trường Sơn.

Ban đầu chỉ mở đường nhỏ đủ để dân công, thanh niên xung phong đi bộ gùi hàng, hoặc xe đạp thồ chở. Dần dần, công binh được lệnh mở rộng ra phục vụ xe GAZ 63, rồi đến Zil ba cầu, CTAZ Hồng Hà... Tận dụng rừng già che chắn, đường được mở dưới những tán cây rậm rạp. Nhưng rồi được một thời gian, địch rải chất độc, tìm mọi cách rà dò, phát hiện để đánh phá.

"Chỗ nào không có rừng già che chắn thì chúng tôi làm "giàn mướp" rồi tận dụng cây rừng để phủ lên tránh địch phát hiện. Địch đánh ban ngày, chúng tôi làm ban đêm. Cứ sau mỗi trận bom, tổ trinh sát lại ra hiện trường kiểm tra khối lượng sạt lở, dò bom, tìm cách nghiên cứu phá bom từ trường, bom nổ chậm", ông Bạch nhớ lại.

Sau khi san lấp những hố bom do địch bắn phá, bộ đội công binh lại biến mình thành những "cọc tiêu" cho từng xe qua. Bởi lúc đó, đường chỉ mở tạm thời, mặt đường rất hẹp chỉ đủ cho từng xe đi qua. "Làm cọc tiêu sống, chúng tôi nắm lấy tay nhau từng tốp, nói với từng lái xe hãy yên tâm mà lái, không lo xe trật bánh đâu vì có chúng tôi đứng đây rồi", ông Bạch nói.

Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Những cánh rừng Trường Sơn trụi lá vì chất độc hóa học. Khi phát hiện, các chiến sĩ công binh bảo nhau nhúng khăn xuống nước, bịt vào miệng rồi chạy theo chiều gió để tránh. Ban đêm, máy bay địch thả pháo sáng, "sáng đến mức con kiến bò dưới đất cũng nhìn rõ".

Một lần, B-52 của địch phát hiện tọa độ cung đường, thả bom. Dàn bom rơi xuống chỉ cách hầm của đơn vị vài mét. Một tiểu đội gồm 9 người hy sinh do bom vùi. Ông Bạch cùng đồng đội đã an táng cho những đồng chí ngã xuống, chỉ bằng một tấm tăng võng cuộn lại, ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh bỏ vào lọ thuốc penicillin chôn cùng.

"Sau quá nhiều lần di chuyển cùng thời gian quá lâu, mọi thứ có quá nhiều thay đổi nên chúng tôi cũng chẳng thể nào nhận diện địa hình để quay trở lại tìm đồng đội. Với chúng tôi, đó là mất mát quá lớn", ông Bạch xúc động nói.

Ai đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh. Ai đã từng có mặt trên con đường Trường Sơn huyền thoại này, thì mới có thể cảm nhận hết lịch sử dân tộc mình đã đi qua. Ở đó chỉ có máu và hoa lắng lại, kết tụ thành vẻ đẹp của huyền thoại một cung đường!

Trường Sơn - Chân trần chí thép

Đây là tên chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 - 19.5.2024).

Chương trình do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình VN, Tổng cục Chính trị QĐND VN, tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn 12 tổ chức tối qua (19.5) tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Tham dự chương trình có đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng; đại biểu các bộ, ngành T.Ư; các tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; các cựu chiến binh, gia đình có công cách mạng và quần chúng nhân dân…

Cũng nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024) và 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, hôm qua 19.5 đại tướng Phan Văn Giang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đến dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Đoàn công tác của đại tướng Phan Văn Giang cũng đã đến thăm gia đình Anh hùng LLVT Lê Thị Thanh (92 tuổi, trú P.1, TP.Đông Hà), Anh hùng LLVT Trương Đức Hai (74 tuổi, trú P.3, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Dịp này, đại tướng Phan Văn Giang trao tiền hỗ trợ cho Tỉnh ủy Quảng Trị xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa (80 triệu đồng/căn); trao 100 suất quà tặng đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn (1,5 triệu đồng/suất).

Nguyễn Phúc

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.