Làm nông thức thời: Khoai lang 'mẹ của siêu nhân'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người mẹ trẻ gọi đứa con của mình mắc bệnh bại não là "đứa con siêu nhân". Vì thương con, chị đã chế biến khoai lang thành những sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm cho những bà mẹ của "siêu nhân" khác.

Chúng tôi về thôn Ngọc An (xã Tam Tiến, H.Núi Thành, Quảng Nam) tìm chủ nhân của các sản phẩm làm từ khoai lang và một số loại nông sản khác gắn nhãn rất lạ: "Mẹ của siêu nhân". Đó là một người mẹ còn rất trẻ sống ở mảnh đất mà người ta ví von "chó ăn đá, gà ăn muối".

Chị cũng vừa đạt giải nhất phụ nữ khởi nghiệp thời 4.0 của huyện và các sản phẩm làm từ khoai lang của chị được công nhận sản phẩm khởi nghiệp cấp tỉnh.

Củ khoai lang bình dị vùng đất cát được chị Thủy nâng cao giá trị

Củ khoai lang bình dị vùng đất cát được chị Thủy nâng cao giá trị

"Lên đời" khoai vì đứa con bại não

Khoai lang trồng trên đất cát ở xã Tam Tiến cho hương vị rất đậm đà. Người địa phương bảo ăn củ khoai lang vùng này phải "ngậm mà nghe" vị ngọt bùi pha chút mằn mặn của muối biển và hương thơm cũng rất đậm đà. Nhưng từ bao đời nay, củ khoai lang ở đây cũng chỉ an phận hẩm hiu của… củ khoai, chủ yếu cung cấp cho cái sự ăn của mọi người hai món "truyền thống": khoai lang nguyên củ và khoai lang xắt lát phơi khô. Ở cái xã nghèo này, không ai dám nghĩ sẽ có ngày khoai lang quê mình "lên đời", cho đến khi chị Phạm Thị Thu Thủy, người mẹ của đứa con bại não, tìm cách nâng cao giá trị của nó.

Chị Thu Thủy nói về thương hiệu sản phẩm như sau: ""Mẹ của siêu nhân" được thành lập bởi tôi, một người mẹ ở xã Tam Tiến sinh ra một em bé không may mắc chứng bại não. Chúng tôi gọi em là bé siêu nhân vì em rất kiên cường hằng ngày chống chọi với bệnh tật của mình". Tò mò khi đọc lời giới thiệu này, chúng tôi tìm gặp chị Thủy để rõ thực hư.

Tình thương của người mẹ là động lực cho chị Thủy tìm cách chế biến nhiều sản phẩm từ khoai lang

Tình thương của người mẹ là động lực cho chị Thủy tìm cách chế biến nhiều sản phẩm từ khoai lang

Tại cơ sở sản xuất, Thu Thủy cho biết trước đây khi còn đi làm văn phòng, chị kiếm thêm thu nhập bằng cách bán online các mặt hàng nông sản của vùng như khoai lang khô, khoai lang chà, các loại bánh và chè… từ củ khoai lang. "Với niềm đam mê bánh trái, cộng thêm chút khéo tay, các sản phẩm của tôi được đón nhận, phản hồi tốt, góp phần tăng thu nhập khi công việc văn phòng lương chỉ khiêm tốn", chị Thủy bày tỏ.

Tuy nhiên, bước ngoặt để thay đổi từ suy nghĩ "kiếm thêm thu nhập" sang tư duy "đổi đời" cho mình và củ khoai bắt đầu từ một sự kiện buồn. Đó là năm 2020, cả nước bắt đầu một cuộc thử thách khốc liệt vì đại dịch Covid-19. Bà mẹ quê này cũng nằm trong tình cảnh chung đó, nhưng chưa đủ, chị chịu thêm sự nghiệt ngã khi đứa con sinh ra mắc chứng bại não. Giữa lúc người ta đi viện vì Covid-19 thì chị Thủy cũng hành trình vào viện chăm sóc sức khỏe cho đứa con nằm một chỗ, tiêu hóa kém, tình trạng táo bón kéo dài…

Chị Thủy giới thiệu các sản phẩm làm từ khoai lang và các loại nông sản khác

Chị Thủy giới thiệu các sản phẩm làm từ khoai lang và các loại nông sản khác

"Thương con, tôi cố gắng tìm hiểu và tạo ra các sản phẩm chế biến từ khoai lang phù hợp nhất với con mình. Sau đó, tôi chia sẻ các sản phẩm này ra thị trường. Được thị trường đón nhận, tôi càng tâm huyết cho ra đời nhiều sản phẩm mới lạ từ khoai trong làng, với mong muốn đưa giá trị củ khoai lang vùng đất cát ven biển đi muôn nơi", chị Thủy thổ lộ.

Hiện nay, những sản phẩm chế biến từ củ khoai lang trồng trên đất cát ở vùng đất Tam Tiến mang thương hiệu "Mẹ của siêu nhân" đã nằm trong danh mục những sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Các sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu "Mẹ của siêu nhân" như bánh quy khoai lang, kẹo nougat khoai lang, bánh thuyền gạo lứt khoai lang, khoai lang sấy… ngày càng được nhiều khách hàng chọn lựa.

Năng suất của cơ sở sản xuất nhỏ ban đầu không thể đủ hàng cung cấp ra thị trường nên chị Thủy đang gấp rút mở rộng thêm diện tích xưởng sản xuất. "Ngoài việc mở rộng diện tích xưởng chế biến, tôi cũng sắm thêm lò sấy, máy đánh bột, máy xay, nồi nấu… để sản xuất khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn", chị Thủy vui mừng nói.

Củ khoai… nhân ái

"Mẹ của siêu nhân" trải lòng với chúng tôi rằng: "Em xuất thân từ vùng quê quá nghèo. Cuộc đời mình cũng mộc mạc và lăn lóc như củ khoai lang đất cát. Nhưng dù làm một củ khoai thì em cũng muốn đó là củ khoai nhân ái, cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời".

Nhiều phụ nữ tới làm việc tại xưởng của chị Thủy cũng có con hoặc cháu bị bại não, khuyết tật

Nhiều phụ nữ tới làm việc tại xưởng của chị Thủy cũng có con hoặc cháu bị bại não, khuyết tật

Người phụ nữ trẻ này không phải nói suông. Tại cơ sở sản xuất bánh kẹo của chị Thủy, chúng tôi gặp cảnh tượng thật cảm động. Thợ làm bánh kẹo cho bà mẹ của đứa con bị bại não này cũng là mẹ hoặc người thân của những đứa trẻ bị bại não hay khuyết tật. Hầu hết họ thuộc diện neo đơn, nên khi đến làm tại xưởng bánh kẹo của chị Thủy họ được mang theo các bé này để tiện chăm sóc. Bà Trần Thị Lê ở thôn Ngọc An có đứa cháu nội 5 tuổi bại liệt, bị mẹ bỏ rơi, cha đi làm ăn xa, tâm sự: "Nhờ cô Thủy thấu hiểu cảnh ngộ nên được nhận vào làm việc. Làm ở đây vừa trông cháu được mà một ngày kiếm trên dưới vài trăm ngàn là quý rồi".

Đặc biệt, những người mẹ ở rất xa nhưng có con bại não cũng là thành viên của chị Thủy. Chẳng hạn, chị Lê Thị Lan (quê ở H.Phước Sơn, Quảng Nam) có con 7 tuổi bại não. Chị Thủy còn tạo thu nhập cho chị Lan bằng cách nhập thêm nông sản chất lượng nơi chị này sinh sống về làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bánh kẹo. Ngoài chị Lan, có cả bà mẹ cùng cảnh ngộ ở tận Đắk Lắk cũng đến với cơ sở làm bánh kẹo "Mẹ của siêu nhân".

Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm mang nhãn hiệu “Mẹ của siêu nhân”

Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm mang nhãn hiệu “Mẹ của siêu nhân”

Chúng tôi hỏi tại sao không tuyển dụng những người "tay rảnh, chân rời" để làm việc, chị Thủy bộc bạch: "Thấy những người cùng cảnh ngộ phải tìm cách giúp họ. Từ việc thấu hiểu hoàn cảnh một người mẹ không thể tham gia bất cứ công việc gì ngoài xã hội vì vướng bận trẻ bị khuyết tật nặng, tôi đã nhận những người mẹ đó để họ có thể mang cả em bé đến nơi làm việc. Các mẹ cùng chia sẻ công việc và chăm trẻ với nhau".

Được biết, hiện nay ngoài việc nhận các bà mẹ có cùng hoàn cảnh ở địa phương đến làm việc trực tiếp, chị Thủy còn đang hoàn thành hồ sơ thành lập hợp tác xã với mục đích tạo thu nhập, việc làm cho các "mẹ của siêu nhân" khác trên địa bàn Quảng Nam. (còn tiếp)

Người dân địa phương ở đây thật sự bất ngờ và tự hào khi củ khoai lang mộc mạc ở đất ni chừ được lên đời là nhờ người phụ nữ thôn quê lại có con bại não. Tôi nghĩ, tuy là mô hình phát triển kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ của cô Phạm Thị Thu Thủy chưa to lớn lắm, nhưng cách biến củ khoai lang giá trị thấp thành những món quà có giá trị cao, cùng với cách làm kinh tế chia sẻ như cô Thủy thật sự đáng quý và cần nhân rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Xuân Luận (Chủ tịch UBND xã Tam Tiến)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.