Làm nông thức thời: 'Phục hưng' trồng lúa sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Từ xa xưa, ông bà chúng ta đâu có 'triết lý' sinh thái hay hữu cơ gì trong sản xuất nông nghiệp nhưng họ đã trồng lúa, nuôi cá và vịt chung trên một thửa ruộng. Vì nhiều lý do, 'mô hình' trồng lúa như vậy đã rơi vào lãng quên, nay đang được một số nơi khôi phục...

Mới đây, những nông dân thuộc Tổ hợp tác (THT) Quyết Tiến ở xã Phú Thành A (H.Tam Nông, Đồng Tháp) bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa mang thương hiệu Senta. Cầm những bông lúa chín trĩu hạt và căng tròn, ông Nguyễn Văn Nhỏ (64 tuổi), thành viên THT Quyết Tiến, bảo: "Trồng lúa theo mô hình này quá êm!".

Còn ông Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc phụ trách nhóm phát triển nông nghiệp tái sinh (regenerative agriculture), "biệt phái" của Công ty Wildbird (đơn vị phối hợp với những hộ nông dân ở đây trồng lúa theo nguyên tắc sinh thái học), thì bày tỏ: "Đây là ngày vui khó tả. Cảm giác rưng rưng từ sáng tới giờ".

Vịt lội tung tăng trên cánh đồng lúa trồng theo mô hình lúa - cá - vịt ở Tổ hợp tác Quyết Tiến

Vịt lội tung tăng trên cánh đồng lúa trồng theo mô hình lúa - cá - vịt ở Tổ hợp tác Quyết Tiến

Khôi phục kiểu trồng lúa của cha ông

Bây giờ chúng ta bắt đầu nói đến một nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và coi đó là một xu thế tiến bộ. Thật ra, từ xa xưa ông bà chúng ta đâu có "triết lý" sinh thái hay hữu cơ gì trong sản xuất nông nghiệp nhưng họ đã làm. Đơn giản là họ trồng lúa, nuôi cá và vịt chung trên một thửa ruộng. Nhưng rồi, "mô hình" trồng lúa như vậy đã rơi vào lãng quên, thậm chí bị coi là lạc hậu trong nền nông nghiệp chạy theo năng suất bắt buộc phải tăng thời vụ, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu…

Nền nông nghiệp chạy theo năng suất đã đem đến rất nhiều hệ lụy mà chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khi nghe chúng tôi thổ lộ về chuyên đề "Làm nông thức thời" đã trải lòng: "Năng suất nông nghiệp đã chạm ngưỡng, nếu cứ tiếp tục gia tăng bằng mọi cách, thì đất đai càng suy kiệt chất dinh dưỡng. Làm nông nghiệp phải cần đến đất và nước, nhưng cả hai yếu tố đầu vào này đâu còn như thuở khai hoang".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm nông nghiệp thức thời, điển hình như những người nông dân THT Quyết Tiến, không có gì phải to tát mà chính là "phục hưng" việc trồng lúa chỉ 2 vụ 1 năm, kết hợp nuôi cá, thả vịt như cha ông ta thuở trước. Nhưng điều quan trọng là ai dám "phục hưng" kiểu canh tác mà chúng ta đã từ bỏ rất lâu và thậm chí bị coi không tiến bộ này ?

Mô hình trồng lúa sinh thái của Tổ hợp tác Quyết Tiến

Mô hình trồng lúa sinh thái của Tổ hợp tác Quyết Tiến

Tự thân người nông dân quyết định quay lại cách trồng lúa truyền thống mà bây giờ chúng ta gọi là sinh thái, hữu cơ sẽ rất khó hoặc không có mấy người dám "phiêu" như thế. Bởi lẽ, cái "sinh thái, hữu cơ" trong sản phẩm làm ra của người nông dân lại không nhìn thấy được hay thể hiện lên trên hạt lúa, hạt gạo nếu để họ đóng khuôn mãi trong suy nghĩ "tay làm hàm nhai", không biết cách tạo nên thương hiệu. Vì không thể nhìn thấy, không có thương hiệu nhận diện, nên lúa gạo sinh thái hay hữu cơ (nếu có) do nông dân riêng lẻ làm ra đều rất khó tiếp cận thị trường, người tiêu dùng cũng không tin sản phẩm là đúng hữu cơ trong khi giá thì cao hơn…

Ông Nguyễn Văn Nhỏ và ông Nguyễn Thành Trung (trái) phối hợp đi thăm ruộng lúa sinh thái đang đơm bông hứa hẹn một mùa bội thu

Ông Nguyễn Văn Nhỏ và ông Nguyễn Thành Trung (trái) phối hợp đi thăm ruộng lúa sinh thái đang đơm bông hứa hẹn một mùa bội thu

Vậy tại sao các thành viên trong THT Quyết Tiến dám "phiêu" ? Tìm về H.Tam Nông, chúng tôi đã có câu trả lời. Mô hình trồng lúa kiểu lúa - cá - vịt này được triển khai nhờ sự chung sức của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND H.Tam Nông, Công ty Wildbird và một số nông dân tại địa phương. Thật bất ngờ khi chúng tôi được biết thạc sĩ trẻ được đào tạo theo chương trình Fulbright VN là anh Lâm Trọng Nghĩa được UBND H.Tam Nông giao sát cánh cùng các thành viên THT Quyết Tiến.

Chắp thêm hy vọng cho bà con nông dân trồng lúa sinh thái, hữu cơ chính là ông Nguyễn Hoài Bảo, người sáng lập Wildbird. Ông Bảo cho biết: Mô hình lúa - cá - vịt Wildbird phối hợp cùng THT Quyết Tiến nhằm sản xuất ra loại lúa mang thương hiệu Senta chất lượng cao. Lúa này được trồng dựa trên các nguyên tắc sinh thái học, tập trung vào việc duy trì cân bằng tự nhiên trong quá trình sản xuất. Đây là phương pháp kết hợp giữa nông nghiệp và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái. Lúa Senta tập trung vào việc sử dụng phương pháp tự nhiên như phân hữu cơ, kiểm soát sâu bằng cách sử dụng vịt thả trên đồng. Ngoài ra, chỉ sản xuất 2 vụ mỗi năm thay vì 3 vụ, và vào mùa nước nổi thì cho nước vào đồng để nuôi cá, tiếp nhận phù sa cho đất.

Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa luôn sát cánh cùng nông dân trồng lúa theo hướng sinh thái

Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa luôn sát cánh cùng nông dân trồng lúa theo hướng sinh thái

"Với quy trình và phương pháp canh tác như vậy, người dân không chỉ sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, xác lập được thương hiệu mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và duy trì sự đa dạng sinh học", ông Bảo tự tin nói.

Niềm vui của những nông dân dám "làm liều"

Sau buổi thu hoạch lúa, lão nông Nguyễn Văn Nhỏ, người có 7 ha trồng theo mô hình lúa - cá- vịt, dường như vẫn còn cảm giác lâng lâng.

"Lúc đầu, nghe tôi nói chuyển sang trồng lúa như ông bà mình hồi xưa làm, nhiều người nói vậy là liều mạng nên tôi cũng ngán ngán. Nhưng qua mấy vụ thu hoạch vừa rồi, tôi dám khẳng định áp dụng mô hình trồng lúa này mới đúng hướng nhất", ông Nhỏ hào hứng chia sẻ.

Mùa gặt của Tổ hợp tác Quyết Tiến

Mùa gặt của Tổ hợp tác Quyết Tiến

Theo tính toán của lão nông 64 tuổi này, mô hình lúa - cá - vịt giảm chi phí trên dưới 30% so với cách trồng lúa phổ biến hiện nay nhờ giảm công chăm sóc, giống và phân… cũng sử dụng ít hơn. Trong khi đó, bán loại lúa này được giá hơn các loại lúa khác vì nó đã có thương hiệu rõ ràng, bao tiêu được đầu ra. "Chung quy lại trồng lúa kiểu cũ mà mới này vừa có lợi nhuận kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường", ông Nhỏ khẳng định chắc nịch.

Cũng sướng rơn với mùa lúa Senta bội thu, được giá, anh nông dân trẻ Nguyễn Trung Trực (33 tuổi) mời chúng tôi mấy chai bia rồi hào hứng diễn giải quy trình canh tác giống lúa thương hiệu này. Theo đó, vào mùa lũ mỗi năm, THT Quyết Tiến sẽ giữ nước từ các kênh rạch theo nước vào ruộng để nuôi cá và tiếp nhận phù sa cho đất. Đến thời vụ trồng lúa, cá sẽ được thu hoạch để bán, đất được gieo sạ theo từng cụm. Sau khi lúa được 25 ngày tuổi, sẽ thả vịt lội hằng ngày trong ruộng lúa làm nước đục khiến cỏ dại không mọc được. Vịt cũng góp phần ăn sinh vật gây hại cho cây lúa và thải ra một lượng phân hữu cơ giúp cây lúa phát triển. Anh Trực khoe: Với 20 ha, mỗi năm ngoài lợi ích chính từ lúa thì cá và vịt cũng đem lại khoản tiền kha khá. Năm rồi cá và vịt thu được hơn 130 triệu đồng.

"Tôi có nhiều cảm xúc với những mô hình làm nông nghiệp ở Phú Thành A, Tam Nông, Đồng Tháp. Đó là cơ sở sản xuất gạo lứt huyết rồng của lão nông Năm Đấu. Đó là mô hình của những nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến. Vẫn là những người nông dân mộc mạc, bao đời gắn bó với cây lúa, hạt gạo, bầy vịt, đàn cá. Vẫn là mảnh ruộng đó, bờ bao đó, dòng kênh đó. Vẫn là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Nhưng đã có những điều mới mẻ từ những người nông dân với cách làm nông nghiệp thức thời", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.