Làm nông thức thời: Tâm huyết của 'tư lệnh' ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra thị trường riêng và nâng cao giá trị cho từng loại nông sản, sản phẩm chế biến... là xu thế không thể đảo ngược. Đó vừa là thời cơ vừa là thách thức, đòi hỏi phải có tâm thế 'làm nông nghiệp thức thời'.

Khi chúng tôi đề cập chủ đề "làm nông thức thời", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói mộc mạc: "Tôi rất sướng vì Thanh Niên đặt vấn đề hay". Có lẽ vì thế nên dù đang vướng lịch làm việc dày đặc, ông vẫn dành thời gian để chia sẻ với Thanh Niên những điều tâm huyết.

"Thời" là gì để "thức"?

Đó là vấn đề mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra rồi tự trả lời trong cuộc trao đổi với chúng tôi. Theo ông, "thời" chính là xu thế tiêu dùng đang thay đổi và không thể đảo ngược. Dù với những mức độ nhanh chậm khác nhau nhưng xu thế tiêu dùng sản phẩm xanh dần định hình lại nền sản xuất toàn cầu. Trong đó, cách tiếp cận hệ thống lương thực thực phẩm của thế giới hiện nay là "4 tốt hơn" (sản xuất tốt hơn, môi trường tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn và cuộc sống tốt hơn). "Rõ ràng người tiêu dùng, thị trường thế giới ngày càng chuẩn mực hơn, khắt khe hơn về xuất xứ sản phẩm, cách tạo ra sản phẩm có tác động như thế nào đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên…", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng nông dân Hải Dương thu hoạch cà rốt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng nông dân Hải Dương thu hoạch cà rốt

"Như vậy, nông nghiệp thức thời có thể hiểu đơn giản là nhận ra thời cơ từ những thách thức. Thách thức cả bên ngoài lẫn thách thức từ bên trong. Xu hướng tăng trưởng xanh là thách thức từ bên ngoài khi thế giới đang chuyển từ "nông nghiệp nâu" sang "nông nghiệp xanh", từ chuỗi ngành hàng tối ưu hóa một sản phẩm sang tuần hoàn tạo ra nhiều sản phẩm từ một sản phẩm…", ông phân tích thêm.

"Vậy nhìn một cách tổng thể, chúng ta đã biết làm nông nghiệp thức thời chưa?", chúng tôi đặt câu hỏi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hào hứng cho biết: "Thật sự đã xuất hiện những người làm nông thức thời. Chẳng hạn mô hình lúa - rươi ở Đồng bằng sông Hồng; lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt ở ĐBSCL; chăn nuôi tuần hoàn ở vùng trung du và miền núi phía bắc; nông - lâm tái sinh ở Đông Nam bộ và Tây nguyên…". Ông còn dẫn ra những ví dụ rất cụ thể như mô hình lúa - cá - vịt của hợp tác xã Quyết Tiến hoặc mô hình sản xuất chế biến lúa huyết rồng của lão nông Năm Đấu ở xã Phú Thành A, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. "Vẫn là những người nông dân mộc mạc, bao đời gắn bó với cây lúa, hạt gạo, bầy vịt, đàn cá. Vẫn là mảnh ruộng đó, bờ bao đó, dòng kênh đó. Vẫn là "nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Nhưng đã có những điều mới mẻ từ những người nông dân với cách làm nông nghiệp thức thời", ông tâm tình.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, làm nông thức thời ở nước ta vẫn còn những hạn chế do tư duy, sức ì, quán tính… "Người sản xuất, doanh nghiệp và cả cơ quan chuyên ngành thường bị sức ì quán tính, e ngại rủi ro, thiếu nguồn lực… Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi nhưng chúng ta không nhìn thấy cái giá phải trả nếu không thay đổi. Chúng ta cũng chưa thật sự quan tâm đến những mô hình còn nhỏ lẻ, chưa kết nối lại để tạo ra thị trường sản phẩm riêng biệt giúp người tiêu dùng lựa chọn. Đây là điều Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới", Bộ trưởng chia sẻ.

Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi nhưng chúng ta không nhìn thấy cái giá phải trả nếu không thay đổi. Chúng ta cũng chưa thật sự quan tâm đến những mô hình còn nhỏ lẻ, chưa kết nối lại để tạo ra thị trường sản phẩm riêng biệt giúp người tiêu dùng lựa chọn. Đây là điều Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Chúng tôi hỏi giải bài toán này như thế nào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải đáp: Trước tiên cần lan tỏa nhanh và rộng tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp. Cơ cấu lại, trước hết là tổ chức lại ngành hàng trong từng vùng nguyên liệu theo tinh thần hợp tác, liên kết bền chặt. Ông nhấn mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy thị trường, lấy chuẩn mực thị trường để quyết định sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào. "Sản phẩm là cái chúng ta làm ra được, nhưng thương phẩm mới là cái thị trường cần và đến được thị trường với giá tối ưu. Mặt khác, phải cơ cấu lại ngành hàng, nâng cao năng lực các tổ chức nông dân, chuyển từ phương thức mua bán mùa vụ sang hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng hoạt động trước hết vì lợi ích quốc gia", Bộ trưởng nói.

3 chữ "biến" và những trăn trở

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có 3 chữ "biến" là thách thức lớn trong nông nghiệp hiện nay lẫn tương lai, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Ông nói rằng nếu nhìn vào số liệu thống kê quy mô đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên một hộ thì VN thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy xét về diện tích chúng ta không có nhiều tiềm năng, nhưng nhờ có nhiều vùng sinh thái đa dạng, phong phú nên có thể sản xuất quanh năm, có nhiều nông sản là đặc sản địa phương, vùng, miền. "Vấn đề ở đây là chúng ta kích hoạt sự khác biệt, kết nối lại trong đa dạng, gắn với tư duy xanh, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra thị trường riêng cho từng loại nông sản và sản phẩm chế biến", Bộ trưởng diễn giải.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 5 từ trái sang) gặp nông dân trong Tổ hợp tác Quyết Tiến tại H.Tam Nông, Đồng Tháp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 5 từ trái sang) gặp nông dân trong Tổ hợp tác Quyết Tiến tại H.Tam Nông, Đồng Tháp

Bên cạnh đó, vẫn còn một vấn đề lớn có thể làm đảo ngược những nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đó là thực trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp. Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự đầy cảm xúc: "Có một câu thơ thật nặng lòng nói về thực trạng này: "Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện". Một thời nông nghiệp chúng ta là vậy, và hiện nay mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng tình trạng lạm dụng phân thuốc vô cơ, các hóa chất độc hại vẫn còn. Đó là thách thức lớn hướng đến một nền nông nghiệp xanh".

Giải thích vì sao tồn tại thực trạng như vậy, Bộ trưởng nói đó là do cách sản xuất chạy theo sản lượng mùa vụ của người nông dân; thiếu quan tâm đến dinh dưỡng đất của ngành chuyên môn, kể cả các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp; sự dễ dãi trong tiêu dùng, chủ yếu ăn để no chứ ít quan tâm đến an toàn thực phẩm, thiếu thị trường riêng cho các sản phẩm chuyên biệt: hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái… "Cách sản xuất lạm dụng như vậy dẫn đến một nền nông nghiệp đánh đổi: Suy thoái môi trường tự nhiên, tác động đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đánh mất niềm tin người tiêu dùng. Tất cả ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nông sản Việt. Ở đây còn có trách nhiệm quản lý của chính quyền, ngành chuyên môn địa phương, các tổ chức nông dân", ông chỉ rõ nguy cơ. (còn tiếp)

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, triết lý nông nghiệp về bản chất là "vun trồng đất, vun trồng người, vun trồng tương lai". Mỗi người chúng ta cùng nhau gieo hạt, cùng nhau vun trồng cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Và nông nghiệp thức thời, có thể diễn giải là hiểu rõ từng thách thức, tận dụng từng thời cơ, kiên trì định hướng xanh, trách nhiệm, bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.