'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài cuối: Về làng, cùng nông dân làm du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ấp ủ ước mơ phát triển du lịch cộng đồng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, nhiều người con của xã miền núi nay trở về, cùng người dân địa phương và đồng bào Cơ Tu ở đây phát triển sinh kế bền vững từ du lịch.

Nông dân tập tành dẫn tua, đón khách

Những ngày không phải đón khách, căn homestay của chị Đỗ Thị Huyền Trâm (SN 1984, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc) vẫn luôn rộn rã. Kể từ khi thành lập HTX, nơi đây trở thành “trụ sở” với các cuộc họp của bà con thành viên, những buổi tập huấn với chuyên gia, những buổi rút kinh nghiệm sau mỗi lần đón các đoàn khách lớn…

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Yên (xã Hòa Bắc), chị Trâm trở thành một cán bộ xã năng nổ kiêm nghề tay ngang là kết nối nông sản vùng núi xuống khu vực trung tâm Đà Nẵng. Công việc cho chị đi nhiều, tiếp xúc nhiều với cộng đồng và thấy được những giá trị, thế mạnh riêng có của Hòa Bắc. Tham gia nhiều dự án về du lịch, bảo tồn, gặp gỡ được các chuyên gia, chị được tiếp thêm động lực để chuyển hướng làm du lịch theo hướng bền vững, vận động cộng đồng cùng tham gia. Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định nghỉ việc, xây dựng một homestay trên mảnh đất của ông bà ngoại.

Du khách trong nước và quốc tế khi đến Hòa Bắc rất hào hứng khi tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Cơ Tu

Du khách trong nước và quốc tế khi đến Hòa Bắc rất hào hứng khi tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Cơ Tu

Những ngày đầu, chị cũng tự mày mò, tìm cách kết nối các hộ trong thôn, vận động người dân cùng làm du lịch. Những tua du lịch cộng đồng đầu tiên cũng chỉ là dẫn khách đi quanh những địa điểm du lịch của Hòa Bắc, để người dân tham quan, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa Cơ Tu ở địa phương. Dần dà, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, sự đóng góp của bà con trong Tổ hợp tác qua quá trình đón khách, dẫn đoàn, hướng đi cho việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được định hình rõ hơn.

Đến tháng 3/2023, từ mô hình Tổ hợp tác ban đầu, HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc chính thức được thành lập với 19 thành viên chính thức. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các thành viên trong HTX cùng ngồi lại, phác thảo những nét sơ khai về du lịch học tập. Những vị khách đầu tiên mà HTX đón cũng là con cái các chuyên gia đang hỗ trợ HTX phát triển du lịch cộng đồng. Đều đặn mỗi tuần một lần, các tua du lịch học tập dành cho các du khách “nhí” được tổ chức, bà con nông dân có cơ hội “tập dượt” dẫn tua, làm du lịch trên chính vườn rau, mảnh ruộng, ao cá… của gia đình. Sau đó, HTX đón đoàn sinh viên quốc tế đầu tiên. Cả hai bên cùng ngồi lại để xây dựng chương trình tham quan, tính toán các điểm đến theo mong muốn của đoàn khách, các chi phí khi dẫn đoàn trải nghiệm…

Xây cộng đồng du lịch bền vững

Dựng vội chiếc xe đạp ở góc homestay, Nguyễn Thị Lan Anh (Phó giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc) nhoẻn miệng chào bà con rồi bắt đầu cuộc họp với một nhóm thành viên của HTX, bàn luận để vận động bà con cùng bắt tay xây dựng mô hình đồi giữ rừng. Mở chiếc laptop, Lan Anh bắt đầu giới thiệu về mô hình được hoàn thiện thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của các hộ trồng rừng lâu năm ở Hòa Bắc. Nhìn cách Lan Anh say sưa, chỉnh chu trình bày từng vấn đề và cái gật gù chăm chú từ những thành viên HTX đáng tuổi cha, tuổi anh, ít ai có thể nghĩ rằng, cô gái nhỏ này mới 23 tuổi, là một gen Z chính hiệu.

Những người nông dân chân lấm tay bùn ở Hòa Bắc không ngờ đến một ngày, vườn rau, ruộng bắp… của mình lại trở thành điểm đón khách du lịch

Những người nông dân chân lấm tay bùn ở Hòa Bắc không ngờ đến một ngày, vườn rau, ruộng bắp… của mình lại trở thành điểm đón khách du lịch

Tốt nghiệp ngành Báo chí (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), Lan Anh bén duyên với du lịch Hòa Bắc từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. “Thời điểm dịch bệnh, việc học tại trường tạm hoãn mà chuyển hết sang hình thức trực tuyến. Em về quê và được mọi người vận động tham gia Tổ hợp tác du lịch cộng đồng của xã”, Lan Anh nhớ lại. Ban đầu, cô chỉ tham gia với vai trò hướng dẫn viên, dẫn khách tham quan và giới thiệu về các địa danh nổi tiếng ở Hòa Bắc. Nhưng càng đi, càng tìm hiểu, Lan Anh lại càng thấy rõ tiềm năng, sự giàu có về văn hóa, đời sống và thiên nhiên của quê hương. Điều đó càng thôi thúc cô phải chung tay để giữ gìn những vốn quý này, giúp bà con lối xóm có sinh kế bền vững. Cứ như vậy, Lan Anh trở thành một thành viên năng nổ của Tổ hợp tác, đến khi thành lập HTX, cô được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc.

Tham gia HTX từ những ngày đầu, chị Hồ Thị Thanh Tỏa (SN 1988, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) vừa đóng vai trò hướng dẫn viên, vừa là thành viên tổ ẩm thực. Những lần dẫn tua, đón khách, chị Tỏa có cơ hội được giới thiệu về văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến với du khách. Những tấm vải, tấm áo thổ cẩm do các chị em phụ nữ trong thôn dệt cũng tìm được đầu ra. “Mỗi lần đón khách, những bạn trẻ Cơ Tu như chúng tôi cũng được biết thêm về văn hóa truyền thống được các bậc cao niên kể lại, phục dựng lại. Từ những lần đầu bỡ ngỡ, bà con Hòa Bắc giờ mạnh dạn, tự tin đón khách hơn. Chúng tôi cũng dần hiểu về du lịch cộng đồng đúng nghĩa khi vừa có sinh kế, vừa góp phần gìn giữ, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của thiên nhiên và con người Hòa Bắc”, chị Tỏa nói.

Tập hợp người trẻ cùng làm HTX

Lựa chọn trở về, cống hiến cho quê hương sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Thị Lan Anh chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Trong HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc, những người trẻ như Lan Anh, chị Trâm, chị Tỏa… như những cánh chim không mỏi để cùng những người nông dân nơi đây phát triển du lịch cộng đồng địa phương bài bản, chuyên nghiệp, giữ rừng, bảo vệ môi trường, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp từ bao đời. “Thời gian tới, HTX cũng mong muốn những người trẻ ở Hòa Bắc có thể cùng chung tay làm du lịch, cùng hướng đến mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng bền vững”, Lan Anh nói.

Đến nay, qua hơn một năm hoạt động, HTX đã đón được hơn 5.000 lượt khách là các đoàn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, các chuyên gia, các đoàn du lịch học tập từ các tỉnh, thành khác… Ngoài các thành viên chính thức, HTX mở rộng mạng lưới hơn 275 thành viên liên kết là các hộ gia đình làm nông nghiệp, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cộng đồng người Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí… Các thành viên được chia thành 9 tổ gồm: tổ homestay, tổ tour, tổ vận chuyển, tổ thuyết minh, tổ nghề truyền thống, tổ múa tung tung da dá…

“Du khách quốc tế khi đến đây đặc biệt yêu thích trải nghiệm cùng làm nông dân, tìm hiểu thiên nhiên Hòa Bắc, tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân địa phương cũng như đồng bào Cơ Tu. Bởi vậy, chúng tôi càng tin tưởng vào định hướng phát triển của HTX khi phát triển du lịch hướng đến các mục tiêu lớn là bảo vệ rừng tự nhiên, hướng tới nông nghiệp sạch, bảo tồn văn hóa người Cơ Tu và tạo được sinh kế bền vững cho người dân”, Lan Anh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.