Kẹt giữa kho báu bô xít - Kỳ 2: Gián đoạn vì vướng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 2 tháng đầu năm 2024, nhà máy tuyển quặng của Cty Nhôm Đắk Nông (thuộc TKV) đã 2 lần buộc phải dừng hoạt động. Trước đó (năm 2023), nhà máy này phải dừng hoạt động hơn 300 giờ, tương đương 13 ngày vận hành liên tục. Lý do vì gặp khó trong giải phóng mặt bằng.

Liên tục bị cản trở

Ngay đầu năm 2024, Đắk Nông đã “nóng” với câu chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB), phục vụ khai thác, chế biến quặng bô xít tại Dự án Alumin Nhân Cơ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên kiểm tra thực địa và họp bàn một số vấn đề về GPMB cho dự án khai thác bô xít.

Theo báo cáo của Cty Nhôm Đắk Nông (TKV), trong 2 tháng đầu năm, tiếp tục diễn ra tình trạng người dân cản trở quá trình vận chuyển, khai thác quặng bô xít. Cụ thể, trong tháng 1/2024, Nhà máy Tuyển quặng đã phải dừng sản xuất 36 giờ trong các ngày 4/1 và 12/1. Từ đó, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình vận hành ổn định của Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Riêng trong tháng 1/2024, do tồn kho quặng tinh thấp nên nhà máy phải tăng-giảm tải 6 lần, gây ảnh hưởng lớn đến việc khống chế chỉ tiêu công nghệ, sản lượng và năng suất sản xuất của công ty.

Cụ thể, sản lượng Alumin quy đổi sản xuất từ ngày 1/1 đến hết ngày 19/2 chỉ đạt hơn 91.000 tấn, trong khi sản lượng kế hoạch đặt ra là 107.500 tấn, tương đương khoảng 85% kế hoạch sản lượng đề ra.

Cây trồng phải chặt bỏ để giao mặt bằng

Cây trồng phải chặt bỏ để giao mặt bằng

Tình trạng này không phải mới diễn ra. Trong năm 2023, người dân đã chặn xe, cản trở khai thác bô xít 24 lần (tập trung chủ yếu ở các tháng 1, 3, 9, 10, 12). Tổng thời gian nhà máy tuyển quặng của công ty phải dừng hoạt động hơn 311 giờ, tương đương 13 ngày vận hành liên tục. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất từ tháng 8-12 với 260 giờ dừng sản xuất, tương đương 10,8 ngày vận hành.

Do người dân chặn nhiều và tồn kho tại kho quặng nguyên khai đã sử dụng hết nên từ tháng 8-11/2023, Nhà máy Alumin Nhân Cơ vận hành không ổn định. Trong thời gian đó, nhà máy phải tăng-giảm tải tới 22 lần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khống chế chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu công nghệ và năng suất vận hành của toàn bộ dây chuyền nhà máy.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, với vướng mắc quỹ đất xây dựng các khu TĐC, tỉnh Đắk Nông đang kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Về ý kiến của người dân liên quan đến mức giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng quá thấp, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng lại bảng giá.

Chưa hết, công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB để khai thác quặng, xây dựng hồ chứa bùn nhằm phục vụ sản xuất cũng vướng mắc do nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Đơn cử, tại dự án Đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa số 2 vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong nên chưa thể triển khai thi công.

Theo Cty Nhôm Đắk Nông, các khó khăn, vướng mắc trên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thiếu diện tích khai thác dẫn đến nguy cơ các nhà máy Alumin phải ngừng sản xuất do thiếu quặng; trình tự khai thác mỏ không thể thực hiện đúng theo thiết kế, phải thường xuyên điều chỉnh kế hoạch khai thác; phát sinh khối lượng và chi phí sản xuất dẫn đến khả năng công ty phải dừng sản xuất ngay từ đầu năm 2024.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Đoàn Huy Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’lấp) cho biết, trên địa bàn đang thực hiện dự án khai trường đầu tư khai thác mỏ bô xít năm thứ 7 - 8 (giai đoạn 2023-2024). Công tác vận động, tuyên truyền bà con bàn giao mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. Lý do, giá đất tăng cao vì ảnh hưởng của “sốt đất” thời gian qua và người dân chưa đồng ý mức giá bồi thường đối với cây trồng, tài sản trên đất.

“Về cây trồng, từ năm 2019 đến nay, mức giá không thay đổi; trong khi giá cả thị trường đã tăng rất nhiều nên người dân không đồng ý. Nhà cửa xây dựng trước năm 2004 mới được đền bù 100%, các giai đoạn sau thì giảm dần. Đặc biệt, nhà được xây dựng sau năm 2014 chỉ được hỗ trợ 30%”, ông Cường thông tin.

Việc khai thác bô xít bị gián đoạn

Việc khai thác bô xít bị gián đoạn

Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất (QLDA&PTQĐ) huyện Đăk R’lấp cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ GPMB cho toàn bộ dự án khai thác bô xít của Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Cty Nhôm Đắk Nông. Hằng năm, công ty này sẽ đăng ký kế hoạch sử dụng đất với UBND cấp huyện và tỉnh. Sau khi kế hoạch trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban sẽ triển khai thực hiện.

Công tác GPMB gặp khó vì nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt. Đơn cử như giá bồi thường cây trồng đang áp dụng theo mức giá của tỉnh đưa ra cách đây hơn 5 năm (2019).

Theo bảng giá này, 1 cây cà phê loại A được đền bù 319.600 đồng; 1 cây sầu riêng cao nhất được bồi thường 4,3 triệu đồng. Mức giá này nhiều người không đồng tình vì cho rằng quá thấp so với thực tế. Bởi hiện nay, giá các loại nông sản đang có chiều hướng tăng cao.

Chưa hết, một lý do nữa khiến người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng vì chưa bố trí đất tái định cư (TĐC). Theo QLDA&PTQĐ huyện Đăk R’lấp, công tác xây dựng khu TĐC để bố trí đất cho người dân đang bị vướng mắc.

Cụ thể, số hộ dân đủ điều kiện nhận đất TĐC liên quan đến dự án bô xít 497 hộ với 608 lô, nhưng đến nay vẫn còn nợ 328 hộ với 420 lô. Trong đó có những trường hợp nợ TĐC hơn chục năm như: Công trình mặt bằng nhà máy sản xuất Alumin và trụ sở làm việc (thu hồi đất năm 2006, đến nay chưa bố trí tái định cư cho 96 hộ/176 lô); hay Dự án Hồ thải bùn đỏ (thu hồi đất năm 2008, chưa bố trí tái định cư cho 28 hộ/20 lô). Năm 2023, Đắk Nông quyết định xây 6 khu TĐC nhưng có tới 5 khu bị vướng quy hoạch bô xít. (Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null