Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Điều hành, quản lý ngân sách cần thận trọng, linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 5-3, đoàn công tác do đồng chí Đinh Tiến Dũng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đ.T
Kinh tế-xã hội phát triển ổn định
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh: Năm 2019, Gia Lai có 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,16%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, GRDP bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng; thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực, đã có 30 dự án đưa vào hoạt động với tổng vốn 3.410 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu có chuyển biến tích cực; ngành du lịch có bước phát triển, doanh thu từ lĩnh vực này đạt 510 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,04%, giảm 3% so với năm 2018.
Năm qua, chi ngân sách địa phương đạt 13.050,8 tỷ đồng, đạt 110,7% dự toán Trung ương giao, đạt 106,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15,4% so với năm trước. Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đã thực hiện 4.556,2 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán Trung ương giao, đạt 92,9% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1,2% so với năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 838 tỷ đồng, đạt 18,3% dự toán Trung ương giao, đạt 16,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các khoản thu do cơ quan Thuế quản lý, có 7 khoản thu đạt và vượt tiến độ và 7 khoản thu chưa đạt tiến độ; các khoản thu do Hải quan thực hiện chỉ đạt 4% dự toán, giảm tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái.  
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Thụy
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Thụy
Đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.518 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 65 tỷ đồng, khởi tố 84 vụ/113 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ khởi tố hình sự tăng 34 vụ, tăng 70 đối tượng, số tiền thu nộp ngân sách tăng hơn 4 tỷ đồng, số vụ giảm 1.084 vụ (giảm 23,55%).
Đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn 
Liên quan đến cơ sở thu, nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thông tin: Năm 2019, tình hình kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi giá các mặt hàng nông sản xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống nhân dân. Hoạt động của ngành mía đường liên tục gặp khó khăn, nhiều khả năng dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục thua lỗ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đang trong quá trình tái cơ cấu. Tình hình dịch bệnh trên một số loại cây trồng, dịch tả heo châu Phi hoành hành đã gây thiệt hại lớn cho ngành trồng trọt, chăn nuôi. Hạn hán diễn ra ngay từ đầu năm dẫn đến nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực thủy điện giảm đáng kể. Những yếu tố trên đã tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách, hụt thu cân đối ngân sách tỉnh đến 514,1 tỷ đồng. 2 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến tình hình kinh tế-xã hội cả nước, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các giải pháp phòng-chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, linh động triển khai các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Thụy
Trước tình hình hụt thu cân đối ngân sách địa phương năm 2019 và ảnh hưởng giảm thu ngân sách do dịch Covid-19, tỉnh đề xuất Trung ương quan tâm xem xét hỗ trợ các nguồn kinh phí cho địa phương tổ chức đại hội Đảng các cấp, kinh phí bổ sung có mục tiêu thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn sau năm 2015, kinh phí chi khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế còn thiếu, kinh phí phòng-chống dịch Covid-19, hỗ trợ kinh phí cho người dân khôi phục sản xuất do hạn hán gây ra trong vụ mùa 2019. Đồng thời, xem xét bổ sung, hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh; xem xét điều chỉnh giảm dự toán thu trên địa bàn tỉnh do Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum thực hiện; kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thu thuế bảo vệ môi trường của một số đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế


Trong khuôn khổ chương trình công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo Việt đã trao tặng tỉnh Gia Lai một trường mầm non trị giá 2 tỷ đồng. Đây là món quà thể hiện sự tri ân cũng như trách nhiệm đối với xã hội, với địa bàn Gia Lai-nơi đang có 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Bảo Việt hoạt động kinh doanh.


Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, làm tốt công tác phòng-chống dịch, phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong lĩnh vực tài chính ngân sách, Bộ trưởng cho rằng, kết quả thu ngân sách đã phản ánh rõ nét tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Mỗi phần trăm tăng trưởng là rất đáng quý bởi nếu xét về quy mô kinh tế, cơ cấu kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp, lĩnh vực công nghiệp xây dựng còn chiếm tỷ trọng thấp. Trong điều kiện hiện nay, nếu Gia Lai phát triển thêm hệ thống đường cao tốc, tạo đột phá về hạ tầng, đột phá về chính sách, nhân lực thì sẽ tạo động lực lan tỏa, thu hút đầu tư.
Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, tinh thần chung của Bộ Tài chính là chưa có điều chỉnh dự toán. Bộ đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng cho các tình hình. Theo đó, các địa phương cũng phải trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Về phía Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế nông nghiệp; đề xuất chính sách giãn, hoãn thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân; giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân và sẽ thực hiện trong năm ngân sách này. Cùng với đó là làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công để kích cầu phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để Việt Nam là điểm đến thu hút nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh thương mại. Về phía các địa phương, trong đó có Gia Lai cần chủ động, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để đón làn sóng đầu tư mới.
Ảnh: P.V
Lãnh đạo Tập đoàn Bảo việt trao tiền tài trợ cho huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: P.V
Đối với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng đề nghị trong công tác điều hành quản lý ngân sách hiện nay cần hết sức thận trọng, linh hoạt. Nếu cần thiết điều chỉnh lại tiến độ thực hiện các dự án nhằm đảm bảo cân đối ngân sách của địa phương, sử dụng nguồn quỹ dự phòng, dự trữ đúng theo quy định. Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19, cần phải làm tốt công tác kiểm soát giá, kiểm soát thị trường cũng như thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa. Đối với dự toán thuế xuất nhập khẩu giao cho Hải quan, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét điều chỉnh lại. Liên quan đến đề xuất của địa phương về hỗ trợ các nguồn kinh phí, trên tinh thần chung, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm