Bổ sung lãnh đạo các ban quản lý rừng phòng hộ ở Gia Lai: Mới giải quyết "phần ngọn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai vừa hoàn tất quy trình, thủ tục giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các ban quản lý rừng phòng hộ nhằm củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng ở các địa phương. Tuy nhiên, việc này mới chỉ giải quyết “phần ngọn”, vấn đề “gốc rễ” là chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vẫn chưa có giải pháp hợp lý.  


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm 10 trưởng ban và 21 phó trưởng ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang: Lâu nay, đơn vị thiếu 1 phó trưởng ban để hỗ trợ điều hành chung các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Việc bổ sung cán bộ có năng lực vào vị trí này nhằm kiện toàn lại bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đơn vị hiện có 14 người nhưng chỉ có 9 người chuyên trách bảo vệ rừng. Trong khi đó, diện tích rừng quản lý hơn 6.600 ha nằm rải rác ở 6 xã và 1 thị trấn. Do vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng luôn chịu áp lực nặng nề trong khi làm nhiệm vụ. Họ phải làm cả ngày lẫn đêm, thường xuyên trèo đèo, lội suối, đối mặt với lâm tặc và vô vàn hiểm nguy rình rập. Dù vậy, chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ này hầu như không có. Mức lương bình quân người mới vào nghề chỉ 2,9-3,2 triệu đồng/tháng, còn người lâu năm thì khoảng 6 triệu đồng.

Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Phương
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Phương

“Việc tăng cường cán bộ lãnh đạo chỉ là “phần ngọn”, trong khi đó, “gốc rễ” của vấn đề là cần tăng thêm chế độ, phụ cấp cho lực lượng bảo vệ rừng giúp họ gắn bó hơn với ngành. Hành vi xâm hại, khai thác lâm sản trái phép luôn là “vấn đề nóng” đặt ra đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tuy vậy, lâu nay, chúng tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Về lâu dài phải có định hướng cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cho lực lượng này”-ông Hùng đề nghị.

Trong khi đó, ông Phạm Thành Phước-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) cho biết: Mới đây, đơn vị được bổ nhiệm 2 phó trưởng ban nhằm hỗ trợ công tác quản lý điều hành hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Các phó trưởng ban này đã được phân công phụ trách địa bàn, bám sát từng mảng công việc. Hiện lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn thiếu 2 biên chế. Lương thấp và chế độ ưu đãi không có khiến lực lượng này ít tâm huyết với nghề.

“Lương bình quân người mới vào làm chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng trách nhiệm nặng nề, trực tuần tra bảo vệ rừng thứ bảy, chủ nhật và cả những ngày lễ, Tết. Địa bàn lại rộng với trên 12.000 ha rừng tự nhiên, rừng trồng. Đây là lý do khiến số sinh viên ngành lâm nghiệp ra trường hàng năm rất lớn nhưng ít người chọn theo ngành”-ông Phước cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thế Chính-Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Sở đang quản lý 21 ban quản lý rừng phòng hộ và 1 ban quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức. Mục tiêu của đợt rà soát quy hoạch lần này là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy mới có sức trẻ với nhiều nỗ lực phấn đấu, biết tiếp thu khoa học, áp dụng vào vận hành trơn tru bộ máy đã bị “nhão” lâu nay.

“Đội ngũ lãnh đạo trước đây vừa thiếu, vừa yếu cả trình độ chuyên môn lẫn tiêu chuẩn chính trị. Do vậy, quan điểm của ngành là tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng”-ông Chính khẳng định.

Ngoài việc bổ sung đội ngũ lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành, Sở cũng tuyển dụng thêm viên chức phụ trách công tác bảo vệ rừng nhằm đáp ứng với yêu cầu công việc. Từ đầu năm đến nay, Sở đã tuyển dụng 39 người bổ sung cho các ban quản lý rừng phòng hộ còn thiếu; riêng năm 2020 tuyển dụng 76 viên chức tăng cường lực lượng cho các ban quản lý, củng cố bộ máy cũng như nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách vì mức lương của họ thấp, công việc nặng nhọc trong khi phải chịu sức ép lớn về mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp của người dân sống gần rừng”-ông Chính cho biết thêm.

MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.