Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát vụ chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngay sau các loạt bài về việc chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa trên báo chí, Bộ GD-ĐT vừa chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Thời khóa biểu của học sinh lớp 1 trường tiểu học tại Q.Bình Tân, TP.HCM. PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Thời khóa biểu của học sinh lớp 1 trường tiểu học tại Q.Bình Tân, TP.HCM. PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên gửi tới các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước. Công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ký.

Công văn nêu rõ: "Thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (cơ sở giáo dục). Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học".

"Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này", công văn viết.

"Để tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học. Báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương với các nội dung: công tác chỉ đạo của sở GD-ĐT; công tác triển khai tại các cơ sở giáo dục; đánh giá thuận lợi, khó khăn; đề xuất, kiến nghị và tổng hợp số liệu (theo phụ lục gửi kèm). Báo cáo của các đơn vị gửi về Bộ GD-ĐT qua Vụ Giáo dục trung học (Email: vugdtrh@moet.gov.vn) trước ngày 15.10.2023. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các sở GD-ĐT báo cáo về Bộ GD-ĐT (qua Vụ Giáo dục trung học) để kịp thời giải quyết", Bộ GD-ĐT chỉ đạo.

Thời khóa biểu của học sinh lớp 1 tại H.Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: CẨM TIÊN

Thời khóa biểu của học sinh lớp 1 tại H.Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: CẨM TIÊN

Trước đó, Báo Thanh Niên và đồng loạt các cơ quan báo chí có loạt bài phản ánh hàng loạt địa phương trong cả nước có tình trạng môn ngoại khóa, "tự nguyện", phụ huynh đóng thêm tiền để học được "chèn" trong thời gian chính khóa mà không tổ chức sau khi đã kết thúc hết các môn học bắt buộc.

Nhiều phụ huynh cho biết khó mà không đăng ký cho con học khi mà trong giờ ở trường, chẳng lẽ các bạn học còn con ngồi lủi thủi trong lớp, lang thang ở sân trường hay thư viện mà không có cô giáo cho ôn bài. Họ cũng không thể đến đón con về được vì đang giờ chính khóa, chưa đến giờ tan trường, còn vướng các môn bắt buộc khác.

Nhiều nơi, giáo viên chủ nhiệm còn nói "ai cũng học thì mình cũng đăng ký học cho con đi ba mẹ ơi". Phụ huynh cũng cho biết, nhà trường không minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu khi công bố môn nào bắt buộc, môn nào tự nguyện, chương trình giáo dục của môn tự nguyện như thế nào, đối tác nào đang dạy, chất lượng giáo viên hay hiệu quả ra sao với học sinh…

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định việc chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa là sai quy định.

Còn PGS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng nhấn mạnh, mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện để nhà trường hợp đồng với các đơn vị liên kết đưa các môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào, buộc học sinh và phụ huynh phải đăng ký học thêm trong giờ học chính khóa.

Có thể bạn quan tâm

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024. Cuộc thi nhằm lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh đối với thầy-cô giáo; đồng thời tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu, cống hiến cho ngành Giáo dục.