Bộ Công thương trả lời kiến nghị cử tri Gia Lai về hỗ trợ bồi thường tài sản trong hành lang cột tháp điện gió

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Công thương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai về hỗ trợ bồi thường tài sản trong hành lang cột tháp điện gió và các vấn đề liên quan phát triển năng lượng tái tạo.

*Kiến nghị:

1. Đề nghị Bộ, ngành liên quan sớm hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió (như: Xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc...) để làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Đề nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, trong đó đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (quy định về công tác vận hành và bảo trì (O&M), quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời; quy định về kiểm soát-chất lượng và bảo đảm xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải, chất thải, định mức tiêu hao năng lượng theo hướng phù hợp với những tiêu chuẩn của các nước phát triển; nghiên cứu về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

*Trả lời:

Quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư

- Tại Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về “bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ ”, theo đó “(1) Trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất thì việc xác định mức bồi thường thiệt hại do ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định cụ thể; (2) Nhà ở, công trình xây dựng khác và các tài sản khác gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn bị thiệt hại do phải giải tỏa thì được bồi thường theo mức thiệt hại theo quy định. (3) Khi hành lang bảo vệ an toàn công trình chiếm dụng khoảng không trên 70% diện tích thửa đất có nhà ở, công trình xây dựng thì phần diện tích đất còn lại cũng được bồi thường theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này

- Theo Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP để đảm bảo sự chủ động, kịp thời trong việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chính phủ giao quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương có phương án quy định cụ thể trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật hiện hành.

- Bên cạnh đó, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất thực hiện theo Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất.

Đối với công trình tuabin gió (cột tháp gió)

Theo quy định của Luật Đất đai thì đất trong hành lang bảo vệ an toàn của các công trình có hành lang bảo vệ sẽ được bồi thường khi thu hồi đất hoặc hỗ trợ khi giảm khả năng sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật về điện lực và đất đai hiện hành thì công trình năng lượng hiện nay chỉ có 3 loại công trình có hành lang bảo vệ an toàn đó là: Đường dây dẫn điện trên không; đường dây cáp ngầm và trạm điện. Công trình tuabin chưa quy định là công trình có hành lang bảo vệ an toàn.

Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió chỉ quy định về hành lang an toàn (không phải là hành lang bảo vệ an toàn như đã nêu trên).

Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ tại một số báo cáo để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương hiện nay, theo đó:

- Bộ Công Thương đã đề xuất sửa đổi điều khoản về hành lang bảo vệ an toàn trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi để bổ sung thêm đối tượng là “công trình nguồn điện” là công trình có hành lang bảo vệ an toàn (trong đó sẽ có công trình tuabin gió);

- Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và ban hành khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư đối với công trình điện gió theo Luật về bảo vệ môi trường.

Về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió của dự án điện gió trên bờ’.

Tác động của cánh quạt và tiếng ồn của tua bin gió của dự án điện gió trên bờ là một trong các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định Điều 32 và Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Căn cứ Điều 35 và Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ thẩm định đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường. Do đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn nội dung trên.

Về sửa đổi Luật Điện lực

Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua, trong đó bao gồm nội dung quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Bộ Công Thương đã tiếp thu các kiến nghị của cử tri có liên quan lĩnh vực điện lực, đưa vào dự thảo Hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

Bắt 2 mẹ con hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Bắt 2 mẹ con hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Trần Thị Hồng Duyên đã lôi kéo mẹ ruột của mình là Bùi Thị Ánh Ngọc tham gia vào tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Cả hai đăng bài chia sẻ trên mạng xã hội, với nội dung xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, xúc phạm lãnh tụ, phỉ báng chính quyền nhân dân.