Bộ Công an cảnh báo 8 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chiếm tỷ lệ ít trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số người bị hại lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Anh (40 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) cầm đầu, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…

Hay Công an Hà Tĩnh đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online, bắt giữ, triệu tập 83 đối tượng, khởi tố 41 bị can...

Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với C02 phá chuyên án, bắt nam sinh lớp 12 cầm đầu cùng 7 đồng phạm có hành vi hack, chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, sau đó lừa các nạn nhân là người quen của chủ tài khoản chuyển tiền vào tài khoản do nhóm đối tượng chỉ định. Chuyên án này, các đối tượng đã lừa hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước.

Đây là những vụ án lớn mới được triệt phá, cho thấy tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.


 

Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. Ảnh: TN
Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. Ảnh: TN



Vì sao tội phạm lừa đảo có xu hướng gia tăng?

Đại diện C02 cho biết, nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất... Một số bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách và nhẹ dạ cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn nên tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, an ninh mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng, xử lý chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Cảnh báo 8 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Theo đại diện C02, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, các đối tượng thường sử dụng 8 thủ đoạn sau:

1. Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

2. Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

3. Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

4. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh Covid-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

5. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.

6. Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đăng tin, chào bán thiết bị y tế, dược phẩm phòng, chống dịch hoặc rao bán vé máy bay chiếm đoạt tiền của người tham gia giao dịch.

7. Sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập hình ảnh CCCD của người dân. Sau đó, sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

8. Thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.

Theo Trần Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.