Binh đoàn 15: Xây dựng thế trận lòng dân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn bó với dân là truyền thống của Binh đoàn 15, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, là phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ, người lao động toàn Binh đoàn. Đây cũng là yếu tố cơ bản, quan trọng để Binh đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Quan tâm xây dựng địa bàn

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của cả nước. Đây cũng là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, kinh tế-xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 15 gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Tuy vậy, với tinh thần vượt khó, cán bộ, chiến sĩ, người lao động đã đồng cam cộng khổ, cùng với đồng bào địa phương từng bước biến những vùng đất hoang hóa, nhiều tàn tích sau chiến tranh trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, với bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa nước… chạy dọc trên 220 km vùng biên giới.

 

Thượng tá Bùi Lê Đoàn-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) trao tiền cho gia đình liệt sĩ có nhà bị tốc mái và có nguy cơ bị sập trong đợt lốc xoáy xảy ra ngày 12-4-2017 ở xã Ia Lâu (Chư Prông). Ảnh: Đ.A.D
Thượng tá Bùi Lê Đoàn-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) trao tiền cho gia đình liệt sĩ có nhà bị tốc mái và có nguy cơ bị sập trong đợt lốc xoáy xảy ra ngày 12-4-2017 ở xã Ia Lâu (Chư Prông). Ảnh: Đ.A.D

Với chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn đã thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, lao động là người dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn, xây dựng gia đình, xây dựng quê hương trên những vùng đất mới. Do vậy, từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào thời điểm năm 1990, đến nay, Binh đoàn có 17.000 lao động (trong đó có trên 7.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ) với hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với 266 điểm dân cư dọc biên giới. Các thôn, làng mới được thành lập đã tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ thích hợp, Binh đoàn đã giúp cán bộ, công nhân, người lao động và đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình tạo thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong công tác dân vận, Binh đoàn quán triệt phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”. Thực hiện “Gắn kết hộ”, các hộ gia đình coi nhau như anh em trong một nhà, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau về mọi mặt, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó. Đến nay, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.617 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.617 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Binh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức quần chúng hoạt động ngày càng hiệu quả; phát huy tốt vai trò các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo... góp phần giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa bàn.

Các tổ chức cơ sở Đảng của Binh đoàn đã bồi dưỡng, kết nạp hàng trăm đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cán bộ của Binh đoàn trực tiếp tham gia vào cấp ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ, làm trưởng thôn, công an viên, phối hợp các tổ chức quần chúng ở các xã, thôn, làng, thường xuyên tham gia sinh hoạt, trao đổi, bồi dưỡng năng lực, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống chính trị cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, công nhân của Binh đoàn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vận động nhân dân từ bỏ “Tin lành Đê-ga”, tà đạo “Hà Mòn”; giúp nhân dân cảnh giác, không mắc mưu trước những luận điệu lừa bịp, lôi kéo của các thế lực thù địch, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
 

Bộ đội Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) giúp dân khắc phục hậu quả đợt lốc xoáy xảy ra ngày 12-4-2017 tại xã Ia Lâu và Ia Piơr (Chư Prông). Ảnh: Đ.A.D
Bộ đội Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) giúp dân khắc phục hậu quả đợt lốc xoáy xảy ra ngày 12-4-2017 tại xã Ia Lâu và Ia Piơr (Chư Prông). Ảnh: Đ.A.D

Song song với phát triển sản xuất, Binh đoàn luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Binh đoàn đã đầu tư làm mới 418 km đường điện trung hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện; xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hàng ngàn km đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ đập thủy lợi, hàng chục hệ thống nước sạch; xây dựng 8 trường tiểu học, trung học cơ sở; 10 trường mầm non với 132 điểm trường, 1 trường tiểu học bán trú, 1 trường trung học cơ sở bán trú tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum); 1 bệnh viện hạng II và 11 bệnh xá quân dân y kết hợp, quân y ở đội sản xuất….

Quá trình tái canh các vườn cây cao su, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, bàn giao quỹ đất để địa phương quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư, tạo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa địa phương và đơn vị.

Các đơn vị trong Binh đoàn cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng xây tặng địa phương các thiết chế văn hóa (nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vận động); xây hàng trăm ngôi nhà tặng các gia đình chính sách, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, hàng năm, Binh đoàn còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức chiếu phim; thăm, tặng quà và hỗ trợ cho các cháu tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam, thương-bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, hộ công nhân đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn trong các dịp lễ, Tết; giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Những đóng góp của Binh đoàn đã tạo nên những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Vượt khó đi lên

Những năm gần đây, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, giá mủ cao su giảm sâu, nhiều thời điểm xuống dưới giá thành sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, áp lực về tài chính đối với Binh đoàn rất nặng nề. Để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển bền vững, Binh đoàn đã chủ trương đổi mới, trong đó đột phá vào 3 mũi nhọn: tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm. Binh đoàn luôn đặt người lao động làm trung tâm, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 17.000 lao động, trong đó có 7.000 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng vạn nhân khẩu ở vùng biên giới.

 

Hiện nay, Binh đoàn 15 quản lý trên 41.000 ha cao su, 350 ha cà phê, 70 ha lúa nước trên địa bàn của 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, 2 nước bạn Lào và Campuchia. Binh đoàn đã xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su tổng công suất 40.000 tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, Binh đoàn quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, nâng cao tay nghề cho công nhân, tiết giảm triệt để các chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, sản lượng, hạ giá thành sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống và tìm các thị trường mới như: Ấn Độ, Nhật Bản, các nước châu Âu... Các công ty của Binh đoàn cũng năng động phát triển thêm các ngành nghề mới như: chăn nuôi bò thịt, trồng thử nghiệm thành công và đang mở rộng sản xuất tạo vùng nguyên liệu dứa, chuối, chanh dây, các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng. Trên những diện tích tái canh cao su các đơn vị chủ động cho công nhân và bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây lương thực ngắn ngày giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt mới của Binh đoàn bước đầu cho hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, Binh đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhân dân, công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới được địa phương đánh giá cao, địa bàn ổn định về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thay lời kết

Có thể khẳng định, trải qua 32 năm xây dựng và phát triển, Binh đoàn 15 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, xây dựng dân cư- xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Có được kết quả đó là nhờ Binh đoàn đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Phát huy kết quả đã đạt được, Binh đoàn tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng
Tư lệnh Binh đoàn 15

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.