Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Kiện toàn, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 22-6, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở GD-ĐT. Tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố có tập thể Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Bí thư các tổ chức Đảng trực thuộc; các ban, ngành, đoàn thể và một số cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đỗ Tiến Đông cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh từng bước phát triển, quy mô trường lớp được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học. Công tác sắp xếp tinh gọn các cơ sở giáo dục đạt kết quả. Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Các đơn vị đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Quang cảnh hội nghị tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Quang cảnh hội nghị tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Việc tổ chức và tham gia các kỳ thi, cuộc thi… đạt thành tích cao. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Gia Lai luôn đứng thứ 2 và thứ 3 của Tây Nguyên. Duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn xóa mù chữ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.

Tại hội nghị, đại diện các huyện, thị xã, thành phố đã thông tin về những kết quả đạt được cũng như cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, tập trung vào các vấn đề duy trì sĩ số, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, biên chế giáo viên, trang bị cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục… Là địa bàn trung tâm, việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được TP. Pleiku quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác xã hội hóa giáo dục.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Trần Xuân Quang thông tin: Thời gian qua, thành phố đã vận động xây dựng 4 trường công lập và 17 trường mầm non ngoài công lập, đảm bảo thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lớp học, trẻ em, học sinh được tổ chức nuôi, dạy bán trú, học 2 buổi/ngày (theo quy định trong chương trình giáo dục hiện hành) ngày càng tăng.

Việc triển khai mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tại huyện Kbang cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng thông tin: Đến nay, toàn huyện đã có 42/44 cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 95,45%. Trong đó, 6/7 trường phổ thông dân tộc bán trú đã kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Công tác duy trì sĩ số tại các trường phổ thông dân tộc bán trú thường xuyên đạt 98,9% trở lên so với đầu năm học. Chất lượng học sinh bán trú được nâng lên rõ rệt.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai Nguyễn Thị Lành chia sẻ: Công tác giáo dục chính trị trong các nhà trường được chú trọng nâng cao về chất lượng, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị với hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể. Thông qua đó nhằm phát hiện quần chúng ưu tú giới thiệu tạo nguồn kết nạp Đảng. Từ năm 2013 đến 2022, toàn huyện có 377 giáo viên được kết nạp vào Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương, đơn vị cũng đề cập đến một số hạn chế cũng như đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, nhiều địa phương kiến nghị UBND tỉnh giao đủ biên chế giáo viên theo quy định để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiểu học và THCS nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường đầu tư kinh phí mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học cho các nhà trường đảm bảo đáp ứng thực hiện đổi mới giáo dục. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất các trường học đảm bảo theo lộ trình kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu giải pháp: Chúng ta nên tổ chức trường liên cấp, đa cấp học ở một địa bàn bởi khi đó các cấp học dễ dàng sắp xếp, bố trí giáo viên, đặc biệt là các môn Tin học, Tiếng Anh, các môn nghệ thuật. Với bậc THCS và THPT, chúng ta nên sáp nhập thành trường đa cấp bởi đảm bảo được việc dạy và phân bổ số tiết. Nếu thống nhất thực hiện giải pháp này sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, thiếu các môn học cục bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các đơn vị, địa phương chia sẻ với UBND tỉnh trong việc phân bổ, bố trí, sắp xếp biên chế giáo viên.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị cấp ủy, chính quyền, địa phương và các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục là quốc sách hàng đầu, cần được ưu tiên trong các chương trình đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: Tiếp tục đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ các yếu tố căn bản của GD-ĐT, đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; tập trung phát triển GD-ĐT nguồn nhân lực gắn với nhu cầu đào tạo của xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế; tăng cường quản lý cơ sở vật chất, tài chính của từng cơ sở giáo dục; thường xuyên kiện toàn, bổ sung đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các cấp ủy, chính quyền cần rà soát thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác.

“Ngành GD-ĐT cần quan tâm thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học, giáo dục phù hợp với nội dung chương trình và sử dụng công nghệ thông tin. Tăng cường phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tăng cường duy trì sĩ số học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.