Ở giữa lòng phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cứ đều đặn mùng một và rằm hằng tháng trong suốt gần 8 năm qua, bếp ăn từ thiện ở chùa Tổ đình Nghĩa Phương (số 2 Lý Thánh Tôn, phường Vạn Thạnh) bất kể nắng, mưa, đều mở cửa đón người dân đến ăn cơm chay miễn phí.
Cơm chay được một nhóm thiện nguyện góp tiền duy trì từ trước năm 2018 tại một không gian khác ở TP Nha Trang. Vì một số nguyên nhân, kể từ năm 2018, dưới sự hỗ trợ của chùa Tổ đình Nghĩa Phương, bếp ăn dời về đây để tiếp tục duy trì đều đặn cho đến nay.
![]() |
Các thành viên của bếp ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng cho các suất ăn. |
Ông Bùi Chất, Trưởng Ban điều hành bếp ăn kể, giai đoạn đầu, nhóm chỉ có khoảng 20 thành viên; theo thời gian, tiếng lành vang xa, nhiều người dân, bạn trẻ cùng tham gia phụ giúp, trở thành thành viên chính thức của “Bếp ăn từ thiện chùa Tổ đình Nghĩa Phương”. Đa số các thành viên đều có tuổi đời khá cao. Mỗi thành viên đều phát tâm nguyện “vì đời mà giúp đỡ”, bởi trong họ đều từng trải qua và thấu hiểu những khó khăn của cuộc sống mưu sinh.
Các thành viên trong nhóm phối hợp nhịp nhàng từ khâu tiếp phẩm, nấu nướng, phân phát suất ăn... cho đến vệ sinh sau buổi ăn. Những ngày bếp ăn mở cửa, từ 3 giờ sáng, các thành viên đã đi chợ để mua những loại thực phẩm rau, củ tươi ngon nhất và các loại đồ chay phù hợp để nấu. Món ăn đều được thay đổi phong phú.
Bà Phan Thị Sang (79 tuổi) - người lớn tuổi nhất tham gia bếp ăn có tay nghề khá vững, bà đã chia sẻ và hướng dẫn cho người khác cách nấu ăn ngon, phân công công việc hợp lý khi sơ chế, chế biến và lên món. Theo ông Chất, nhờ những người lớn tuổi có kinh nghiệm, những người trẻ có sức khỏe, năng động mà bếp ăn vận hành nhịp nhàng, mỗi người mỗi việc, vui vẻ như đang sống trong một gia đình đầm ấm. Trước 10 giờ sáng, khi các món ăn đã chuẩn bị xong, cũng là lúc đón người dân vào dùng bữa trưa, phục vụ qua 12 giờ.
Bà Phạm Thị Hạnh (53 tuổi, trú ở phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) là người bán vé số trên xe lăn. Bà đã quen thuộc với bếp ăn từ 8 năm nay. Sau một buổi rong ruổi mưu sinh, đúng 11 giờ các ngày rằm và mùng một, bà đều ghé lại Tổ đình chùa Nghĩa Phương để nhận cơm chay miễn phí. Bà Hạnh cho biết: “Tôi không tiện di chuyển xe lăn vào tận chùa do vướng đường đi nên các nhà hảo tâm ở đó mang cơm ra tận xe, ân cần dặn dò ăn cơm sớm cho nóng mới ngon”.
Từ ngày hoạt động đến nay, điều tự hào nhất của bếp ăn là mọi người đồng lòng, đồng sức cùng làm. Người có nhiều thì góp nhiều, người có ít thì góp ít. Bếp ăn nhận sự hỗ trợ tùy tâm của thực khách đến ăn chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng.
Trung bình, mỗi lần bếp “đỏ lửa” có từ 800 - 1.000 suất cơm trưa miễn phí. Những ngày rằm lớn như tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười, số suất ăn nhiều hơn. Để nấu được số lượng lớn cơm như vậy, bếp ăn tự huy động kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại, nấu cơm tiện lợi hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng có những lúc người dân đến với bếp đông hơn số lượng đã định, các thành viên của bếp “chữa cháy” bằng cách nấu thêm mì xào, bún xào… để đảm bảo thực khách đến với bếp ăn đều ấm lòng.
M.LÂM (Theo TTXVN)