Bất thường chuyện thu gom 2 cây gỗ hương trăm năm tuổi ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hai cây hương cổ thụ tuổi đời cả trăm năm bị xâm hại, bức tử bởi bàn tay con người với thủ đoạn tinh vi. Thế nhưng, đơn vị quản lý là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại đề xuất thu gom về như những cây khô giữa rừng. Từ sự việc bất thường này đang bộc lộ những vấn đề quản lý, bảo vệ rừng cũng như bảo vệ những cá thể hương cổ thụ còn sót lại nơi đại ngàn này. Bởi lẽ, với mức giá cao chót vót, những cây hương cổ thụ đã và đang trở thành “miếng mồi ngon” của nhiều đối tượng.
Số phận 2 cây hương trăm tuổi
Từ thông tin việc 2 cây hương có tuổi đời cả trăm năm bị bức tử ngay tại lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, chúng tôi đã có mặt tại xã Krong tìm cách tiếp cận hiện trường. Tại trụ sở Công ty, dù đề nghị được nắm thông tin và tiếp cận hiện trường 2 cây gỗ hương bị ngã đổ, tuy nhiên, ông Võ Ngộ-Giám đốc Công ty lần lữa: “Anh em mới đi hiện trường về, không có ai dẫn mấy anh đi nữa đâu! Xa lắm, đi không nổi đâu”. Nhiều lần đề nghị, ông Ngộ cũng đều tìm cách lẩn tránh.
1 trong 2 cây Hương trăm năm tuổi bị bức tử chết khô giữa rừng. Ảnh: Khánh Toàn
1 trong 2 cây hương trăm năm tuổi bị bức tử chết khô giữa rừng. Ảnh: Khánh Toàn
Chúng tôi đành liên hệ và đề nghị Hạt kiểm lâm huyện Kbang cử cán bộ dẫn lên hiện trường. Từ trụ sở Công ty, chúng tôi đi xe máy men theo con đường đi làm rẫy của người dân. Tuy nhiên, chỉ đến bìa rừng, chúng tôi phải để xe máy lại để men theo dòng suối cạn đi bộ băng rừng lên hiện trường. Trời mưa và độ ẩm lớn khiến cánh rừng ẩm ướt, những viên đá đầy rêu phủ khiến chúng tôi phải đánh vật từng đoạn một. Đàn muỗi rừng nghe hơi người bám theo, chỉ cần đứng lại nghỉ là chúng đã bâu kín. Dọc đường lên hiện trường có khá nhiều khúc gỗ, cũ có mới có bị cưa xẻ nằm lăn lóc. Hơn 1 giờ đi bộ, vượt qua những dốc cao dựng đứng đầy đá và trơn trượt, chúng tôi cũng đã tiếp cận được hiện trường nơi 1 gốc hương bị ngã đổ đầu tiên. 
Trước mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn, cả một khoảnh rừng nhỏ là những cành, thân cây hương ngã đổ, số bị cưa đẽo, số bị đốt cháy. Lân cận là những cây rừng khác bị ngã trong quá trình cây hương bị triệt hạ. Phía triền dốc, cây hương với đường kính gốc khoảng 1m, dài khoảng 20m đã đổ nằm trên nền đất rừng, một số cành, nhánh đã bị cưa, đẽo và đưa đi. Một phần gốc cây đã bị đốt cháy thành than. Bằng mắt thường có thể thấy trên một phần gốc cây hương đã bị cắt bằng vết cưa máy, còn lại nhìn qua như cây hương ngã đổ tự nhiên. Trên gốc cây vẫn còn để lại những vết khoan sâu vào thân cây, một số bị bịt bằng dăm gỗ. Đây cũng là thủ đoạn thường thấy của các đối tượng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép: khoan lỗ, đổ thuốc diệt cỏ để cây chết rồi tìm cách đưa gỗ ra khỏi rừng.
Gốc cây bị khoan gốc, đổ thuốc, cưa và đốt gốc nhưng chủ rừng cho rằng chỉ là gỗ thu gom do “chết tự nhiên”. Ảnh: Khánh Toàn
Gốc cây bị khoan, đổ thuốc, cưa và đốt gốc nhưng chủ rừng cho rằng chỉ là gỗ thu gom do “chết tự nhiên”. Ảnh: Khánh Toàn
Cách đó khoảng 100m, phía triền dốc cao hơn, 1 cây hương cổ thụ khác với với đường kính gốc khoảng 1m cũng bị “sát hại” bằng cách tương tự. Tuy nhiên, gốc cây này có đến hơn chục lỗ khoan sâu vào gốc và bị đổ thuốc để “bức tử”. Một phần thân gốc của cây hương này bị xẻ thành hộp với quy cách ước khoảng 0,4x4m và mang đi khỏi hiện trường. Phần gốc bị bật trơ cả rễ nhưng vẫn có vết cắt bằng máy cưa để lại tại phần gốc với đường kính khoảng 25cm. Điều đó cho thấy, chỉ cần nhìn bằng mắt thường đều có thể nhận thấy 2 cây hương trăm tuổi này đã bị bức tử đến chết rồi cưa hạ ngã đổ bởi bàn tay con người. 
Gỗ tang vật hay gỗ thu gom?
Chuyện bắt đầu từ Báo cáo số 39 của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa vào ngày 19-8-2019 về việc xin chủ trương cho tận thu 2 cây gỗ hương bị trốc gốc, ngã đổ tự nhiên do mưa bão và bị cháy tại Khoảnh 3, Tiểu khu 94 thuộc lâm phần của Công ty quản lý. Theo đó, cây thứ nhất có đường kính gốc 92cm, dài 18,5m; cây thứ hai có đường kính gốc 95cm, dài 11m. Tổng khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là trên 16,3m3. Đồng thời, phía Công ty đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng, ban ngành của tỉnh, huyện xem xét và cho tổ chức thu giữ 2 cây gỗ trên để đưa về Công ty bảo quản, chờ xử lý theo quy định.
Dù có thể thấy, 2 cây gỗ hương này bị bức tử bằng việc khoan gốc, cưa xẻ nhưng đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa không hề có một dòng báo cáo nào. Việc các đối tượng bức tử, đốn hạ cây gỗ hương trái pháp luật lại được đơn vị chủ rừng “làm ngơ” đầy bất thường. Đồng thời, theo công văn của Công ty, đây là 2 cây hương bị “chết tự nhiên” đồng nghĩa với việc vô tình hoặc cố ý che giấu cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng bức tử 2 cây hương cổ thụ này.  
Một khoảnh rừng tan hoang tại hiện trường cây Hương thứ 2 bị bức tử, cành, nhành phần bị mang ra khỏi rừng, phần bị đốt bỏ. Ảnh: Khánh Toàn
Một khoảnh rừng tan hoang tại hiện trường cây hương thứ 2 bị bức tử, cành, nhành phần bị mang ra khỏi rừng, phần bị đốt bỏ. Ảnh: Khánh Toàn
Điều lạ hơn nữa là dù có các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương kiểm tra nhưng không hề có một báo cáo nào về việc 2 cây hương cổ thụ bị bức tử, cưa xẻ, đốt cháy. Chỉ đến khi có sự kiểm tra của đoàn liên ngành tỉnh, sự việc bất thường mới được báo cáo lên UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT khi có dấu hiệu tội phạm trong việc 2 cây gỗ hương cổ thụ bị ngã đổ. Ngay sau đó, ngày 12-9, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương điều tra làm rõ sự việc. Cụ thể, từ báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho thấy: 2 cây gỗ hương trên bị ngã đổ là do tác động của con người, đây là hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kbang chỉ đạo Công an huyện, Hạt kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã kịp thời có văn bản chỉ đạo ngay về việc vi phạm tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa. Ủy ban nhân dân huyện giao trách nhiệm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kbang chủ trì phối hợp với Hạt kiểm lâm, các cơ quan liên quan tổ chức trực tiếp kiểm tra hiện trường, điều tra xác minh để nhanh chóng làm rõ vụ việc này. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật đối với vụ việc 2 cây gỗ hương bị bức tử tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa. 
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra chính là việc: Ai đã bức tử 2 cây hương trăm năm tuổi này và lí do vì sao chủ rừng lại xem đó là gỗ thu gom chứ không phải là gỗ tang vật trong một vụ án phá rừng tinh vi? Liệu có những khuất tất trong vụ việc này hay không? Những khúc mắc, bất thường trên cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Huyện khẩn thiết đề nghị thay Giám đốc
Không chỉ sự bất thường về 2 cây hương trên, mà từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại lâm phần của Công ty này tăng đột biến. Chỉ tính từ đầu năm đến giữa tháng 8-2019, tại đây đã xảy ra 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 10 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Tổng thiệt hại gần 87m3 gỗ. Điều đáng lo ngại hơn chính là việc quần thể cây hương ở đây được UBND tỉnh giao Công ty và chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt lại bị xâm hại liên tục, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng. Cụ thể, chỉ từ đầu năm đến nay, trên lâm phần của công ty này đã có 14 cây gỗ hương bị đốn hạ, thiệt hại gần 60m3 gỗ. Như vậy, quần thể hương ở đây lại mất đi một số lượng lớn trong vài trăm cây gỗ hương mà tỉnh giao địa phương, Công ty quản lý và bảo vệ. Trước sự việc nghiêm trọng trên, tháng 8-2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định thi hành kỷ luật ông Võ Ngộ với hình thức Cảnh cáo.
Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Kbang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Ảnh: Khánh Toàn
Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Kbang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Ảnh: Khánh Toàn
Điều đáng lo ngại, đơn vị chủ rừng này gần như bất lực trước sự tàn phá của các đối tượng lâm tặc, những cây hương trăm tuổi này vẫn luôn là “miếng mồi ngon” của các đối tượng. Vào năm 2016, 2 cây gỗ hương cổ thụ cũng bị đốn hạ, khối lượng thiệt hại trên 30m3 trong sự lơ là của đơn vị chủ rừng. Trước sự việc đó, năm 2017, ông Võ Ngộ đã bị Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Kbang quyết định thi hành kỷ luật với hình thức Khiển trách do chưa lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được Nhà nước giao quản lý. 
Tiền giữ rừng vẫn được chi trả, lãnh đạo Công ty vẫn hưởng tiền lương hàng tháng nhưng rừng vẫn cứ mất với nhiều dấu hiệu bất thường. Lo lắng trước tình trạng quần thể hương ngày càng mất dần và có nguy cơ xóa sổ khỏi đại ngàn, UBND huyện Kbang đã có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét, sớm chỉ đạo kiện toàn Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa trong tháng 9-2019 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. “Nếu để kéo dài thời gian đồng chí Võ Ngộ làm giám đốc, việc quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa sẽ không đạt hiệu quả”, văn bản của UBND huyện Kbang khẩn thiết đề nghị. Đó cũng chỉ là chút hy vọng mong manh khi “thay máu” lãnh đạo Công ty để giữ rừng mà địa phương đề ra. 
Khánh Toàn

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.