Bất an với pin và xe điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ cháy lớn tại chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng dư luận xã hội cho rằng, nguyên nhân là do chập điện. Thực tế, các vụ nổ pin, chập bình ắc quy xe điện đã từng xảy ra thời gian gần đây, dẫn đến các vụ hỏa hoạn nguy hiểm, gây chết người.

Liên tiếp xảy ra cháy/chập pin xe điện

Trong tháng 7 vừa qua, liên tiếp xảy ra 2 vụ việc cháy chập xe điện gây chết người. Trong đó, vụ xảy ra tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vào ngày 19-7 đã làm 3 người trong một gia đình tử vong. Trước đó, một vụ hỏa hoạn do chập điện bình ắc quy khi đang sạc, dẫn đến cháy nổ tại phường Trung Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng làm 2 bà cháu tử vong trong đêm.

Khoảng 2 năm gần đây, đã có nhiều vụ cháy liên quan xe điện, như vụ cháy ngày 16-1-2022 tại bãi xe tầng trệt, chung cư Masteri Thảo Điền (TPHCM); vụ cháy ô tô ngày 25-9-2020 tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh do sạc xe máy điện. Cùng với đó, tình trạng cháy, nổ pin điện thoại khi sạc cũng liên tục xảy ra, đe dọa tính mạng nhiều người.

Thời gian gần đây, cư dân chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) xôn xao bàn luận việc có nên lắp trụ sạc điện tại hầm để xe của chung cư hay không? Nếu lắp trụ sạc thì lắp như thế nào để đảm bảo an toàn? Đa số cư dân vẫn lo ngại những rủi ro cháy nổ khi lắp trụ sạc tại tầng hầm của tòa nhà.

Anh Nguyễn Minh Hiền, một người sinh sống tại đây, nói: “Nhà tôi mới mua xe máy điện cho con đi học, giờ ngày nào cũng phải mang bình lên căn hộ sạc rất ngại, vì mang xe vào thang máy thấy phiền cho mọi người. Mong chung cư có trạm sạc xe máy điện và ô tô điện để cư dân tiện lợi hơn”.

Về vấn đề này, bà Trương Đình, Phó Ban quản trị chung cư Dreamhome Residence, chia sẻ: “Chung cư chúng tôi đi vào vận hành năm 2017, dưới hầm xe có bố trí nhiều ổ cắm điện, nhưng do hệ thống ổ điện để sạc xe điện chưa có quy chuẩn chung nên từ khi tiếp quản chung cư vào năm 2020, Ban quản trị chưa cho cư dân dùng những ổ này sạc điện để bảo đảm an toàn cháy nổ. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể và ban hành quy chuẩn an toàn hệ thống để có căn cứ thực hiện”.

Người dân sạc ô tô điện tại Trung tâm thương mại Vincom (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Người dân sạc ô tô điện tại Trung tâm thương mại Vincom (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Trong khi đó, việc lắp đặt hệ thống sạc điện trong tầng hầm chung cư Võ Đình (số 08 đường Thới An 15, phường Thới An, quận 12, TPHCM) lại không được sự đồng tình của các cư dân đang sinh sống tại đây. Theo phản ánh của cư dân, đầu năm 2022, ngay khi triển khai lắp đặt hệ thống sạc điện tại tầng hầm để xe, các cư dân đã lên tiếng phản đối nhưng Ban quản trị chung cư và chủ đầu tư vẫn tiến hành lắp đặt. Khi cư dân đồng loạt phản ứng thì chủ đầu tư hứa sẽ di dời hệ thống sạc điện đến nơi khác, song vẫn để yên vậy. Đáng chú ý là việc lắp đặt hệ thống này không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), có nguy cơ đe dọa sự an toàn, tính mạng của hơn 1.000 cư dân sinh sống tại chung cư.

Qua khảo sát tại một số chung cư cao tầng trên địa bàn TPHCM cho thấy, xe đạp điện của cư dân trong tòa nhà thường được tập trung tại một vị trí gần ổ cắm điện. Với tâm lý “lười” mang cục sạc lên xuống, khi cần sạc, người sử dụng xe đạp điện thường sạc tại vị trí để xe. Vị trí các xe đạp điện, xe máy chạy xăng để sát nhau, đồng thời số lượng nhiều xe cùng sạc một lúc khiến lượng nhiệt tỏa ra lớn, dễ dẫn đến hiện tượng chập/cháy. Không chỉ vậy, khu vực sạc điện cho xe thường bố trí khuất tầm nhìn của bảo vệ chung cư, gần vị trí sạc điện cũng không có các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay.

Đối với ô tô, theo một số chuyên gia năng lượng, với hệ thống các trạm sạc như kế hoạch lắp đặt hiện nay, hạ tầng của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ô tô điện. Đó là chưa kể đến việc mỗi hãng xe điện sử dụng một công nghệ khác nhau nên chuẩn sạc cũng khác. Để phát triển hệ thống xe điện toàn diện, đồng bộ, đòi hỏi phải có hệ thống trạm sạc đa năng, có khả năng hỗ trợ sạc nhiều dòng xe của các thương hiệu khác nhau.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở các quận, huyện tại TPHCM, không chỉ với trạm sạc dành cho ô tô, người sử dụng xe máy, xe đạp điện đang gặp không ít khó khăn do việc thiếu trạm sạc chuyên dụng. Dù tỷ lệ sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu xanh còn chưa nhiều, song nhu cầu về trạm sạc tại các khu dân cư là rất lớn. Tại nhiều chung cư cao tầng, những người sử dụng xe đạp, xe máy điện thường mang cục sạc lên căn hộ để tự sạc điện. Song, việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về cháy nổ bên trong căn hộ cũng như trong thang máy.

Chất lượng gần như thả nổi

Như vậy, việc sử dụng pin điện, ắc quy điện, xe điện không đảm bảo chất lượng là rất nguy hiểm, đang trở thành vấn đề báo động. Trong khi, theo các chuyên gia, pin lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện, nếu cháy rất khó dập tắt bằng bình cứu hỏa thông thường, bởi cháy do các phản ứng hóa học bên trong pin mà không cần oxy. Thậm chí, nếu dùng nước để chữa cháy có thể gây nổ, do nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam có hơn 3 triệu xe máy điện và xe đạp điện lưu hành (con số thực tế có thể lớn hơn vì thông qua đường nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc). Dự báo, với tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 30%-35% mỗi năm, đến năm 2030 nước ta sẽ có khoảng 50% người dân sử dụng xe điện, hướng tới 100% người dân sử dụng xe điện vào năm 2050. Hiện tại, khảo sát thị trường xe điện ở Việt Nam cho thấy, hoạt động kinh doanh xe đạp, xe máy điện rất phổ biến. Trong đó, các loại xe đạp, xe máy điện của Trung Quốc đang chiếm phần lớn thị phần, doanh số. Nhưng chất lượng và mức độ an toàn đang gần như thả nổi, vì Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn, quy trình quản lý pin xe điện cũng như dụng cụ sạc. Để cạnh tranh, các hãng xe điện còn đua hạ giá thành để chiếm thị trường nên càng bỏ mặc chất lượng sản phẩm.

Mối nguy ngày càng gia tăng, nhưng việc quản lý vẫn còn “năm cha ba mẹ” dẫn đến buông lỏng. Bởi, trách nhiệm ban hành quy chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện là của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN); nhưng quản lý chất lượng, kiểm soát an toàn kỹ thuật của phương tiện lại là Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT); còn Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chỉ kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Theo ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, cần ban hành ngay quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Các cơ quan liên quan phải vào cuộc, nhanh chóng kiểm soát chất lượng pin và xe điện, quản lý chặt các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh xe điện, không cho lưu hành những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức và kinh nghiệm sử dụng xe điện, đảm bảo sử dụng đúng cách, an toàn cũng như ý thức PCCC, không chủ quan, coi thường nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra do pin sạc, xe điện.

Liên quan đến công tác PCCC tại các chung cư trên địa bàn TPHCM, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM, cho biết, thực tế đang tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến cháy nổ tại các chung cư và khu dân cư trên địa bàn thành phố. Một trong những rủi ro lớn nhất là nguy cơ cháy nổ từ cổng sạc xe đạp, xe máy điện trong khu chung cư. Đã có một số vụ cháy nổ liên quan đến việc sạc điện cho xe đạp, xe máy điện xảy ra tại TPHCM. Đây là thực tế đáng báo động về mất an toàn PCCC với cư dân sinh sống tại các khu chung cư.

Bên cạnh trạm sạc ở chung cư, những trạm sạc ngoài trời cũng phải đảm bảo quy định PCCC. Công an TPHCM sẽ tăng cường giám sát tại các cơ sở để hạn chế nguy cơ cháy nổ, đồng thời hướng dẫn các biện pháp an toàn cho người dân. Phương án thực hiện là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có thể sử dụng trạm sạc nhưng phải đảm bảo an toàn PCCC đúng quy định pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.