Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi: Phải thường xuyên, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Gia Lai có bước phát triển với nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Thực tế đó đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ cơ sở chăn nuôi phải triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT), phòng-chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Thành phố Pleiku hiện có trên 9.000 hộ chăn nuôi. Vì vậy, công tác BVMT liên quan đến hoạt động chăn nuôi luôn được địa phương quan tâm. Đặc biệt, thực hiện Công văn số 1185/UBND-TNMT ngày 23-4-2020 của UBND thành phố về tăng cường công tác BVMT trong chăn nuôi, các xã, phường đã chú trọng kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm quy định về BVMT, vệ sinh thú y, phòng-chống dịch bệnh.
Ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-cho biết: Hầu hết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn phường đều nằm xa khu dân cư. Tuy vậy, UBND phường vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi có chuồng trại, vệ sinh khu vực chăn nuôi; khuyến khích hộ có kế hoạch chăn nuôi quy mô lớn để được hướng dẫn tìm quỹ đất, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cách thức xử lý chất thải. Vì vậy, hầu hết các hộ đều có ý thức BVMT khu vực chăn nuôi của mình.
Ông Lê Văn Mừng (tổ 12) cho biết: “Đàn gà của tôi lên đến 300 con nên phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Tôi được Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và UBND phường hướng dẫn di dời trại gà ra Khu Công nghiệp Trà Đa. Hiện tại, gia đình đang làm chuồng ở đó và sắp tới cũng sẽ sử dụng thêm chế phẩm sinh học để xử lý chất thải”.
Nước thải chăn nuôi heo được anh Nguyễn Ngọc Khảng (làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) gom về bể chứa và phun chế phẩm để khử mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương
Nước thải chăn nuôi heo được anh Nguyễn Ngọc Khảng (làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) gom về bể chứa và phun chế phẩm để khử mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương
Ông Cao Duy Hiền-Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Pleiku-cho biết: Thực hiện Luật Chăn nuôi và Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh”, thành phố không chủ trương phát triển chăn nuôi trong khu vực các tổ thuộc địa bàn phường. Các cơ sở chăn nuôi xây dựng đã hoạt động trước đây thì thực hiện theo khoản 1, Điều 12 của Luật Chăn nuôi trong thời hạn là 5 năm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác BVMT trên địa bàn trong thời gian đến.
Tương tự, bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Sê-cho hay: Toàn huyện có 11 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn và hàng trăm cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Phòng TN-MT thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, khuyến khích hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học; đồng thời, giới thiệu cho người dân một số chế phẩm sinh học để xử lý chất thải nhằm giảm mùi hôi. Riêng đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và tất cả phải xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Nếu không thực hiện sẽ áp dụng chế tài xử phạt. 
Sự vào cuộc ngay từ đầu của chính quyền địa phương đã có tác dụng đến ý thức BVMT. Anh Nguyễn Ngọc Khảng (làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) xây dựng trang trại chăn nuôi heo với quy mô  trên 2.000 con cách khu dân cư 500 m. Để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và phòng-chống dịch bệnh, anh Khảng dành hơn 4 sào đất và đầu tư trên 800 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
“Vì chăn nuôi quy mô lớn nên bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, gia đình tôi còn phun chế phẩm sinh học định kỳ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn và thả bèo lục bình tại các bể chứa để giảm mùi hôi; đồng thời, lót bạt dưới đáy các bể chứa để ngăn không cho nước thải thấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường”-anh Khảng bày tỏ.
Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm
Theo thông tin từ Sở TN-MT, toàn tỉnh có 33 cơ sở chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và hàng trăm cơ sở được UBND cấp huyện xác nhận kế hoạch BVMT. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chăn nuôi gây ra. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các chủ dự án chưa nghiêm; công tác giám sát quá trình thực hiện dự án của các địa phương còn hạn chế; công tác kiểm tra của cơ quan chuyên môn đôi lúc chưa kịp thời. Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở TN-MT đã xử lý 4 dự án nuôi heo vi phạm các quy định BVMT với tổng số tiền 510 triệu đồng.
Anh Khảng đầu tư 4 bể chứa chất thải với tổng diện tích hơn 400m2. Ảnh: Hồng Thương
Anh Khảng đầu tư 4 bể chứa chất thải chăn nuôi với tổng diện tích hơn 400 m2. Ảnh: Hồng Thương
Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT), để quản lý tốt công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi, thời gian tới, các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Công văn số 823/UBND-CNXD ngày 15-4-2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu UBND tỉnh quyết định mật độ chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi và sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở chỉ được phép xây dựng khi đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng theo quy định; khi đi vào hoạt động phải tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm nếu có. Riêng Sở TN-MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, yêu cầu các trang trại chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.