Báo chí tích cực đổi mới, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nỗ lực chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đang tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao được đầu tư đã nâng cao hiệu quả truyền thông và đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng độc giả.

“Kỳ vọng sẽ là đơn vị báo Đảng địa phương tốp đầu khu vực”

Nói về sự quyết liệt của Ban Biên tập Báo Gia Lai trong chuyển đổi mô hình từ báo in sang kết hợp báo in với làm báo đa phương tiện, nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-cho biết: Từ năm 2017, đơn vị đã xây dựng tòa soạn điện tử, cấp quyền cho phóng viên tự treo tin, bài. Báo cũng tận dụng ưu thế của mạng xã hội để xây dựng các kênh YouTube, Lotus, Zalo, Fanpage nhằm chuyển tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng, sinh động và rộng rãi hơn. Với những thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn, lượt truy cập vào Báo Gia Lai điện tử ngày càng tăng, hiện xếp thứ 7 trong số 63 báo Đảng cả nước.

“Mục tiêu của Báo Gia Lai đến cuối năm 2024 là đạt trên 3 triệu lượt truy cập/tháng. Sắp tới, Báo sẽ ra mắt trang “Chuyển động trẻ” với nhiều chuyên mục, nội dung hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trẻ”-nhà báo Huỳnh Kiên thông tin. Ngoài ra, Báo Gia Lai cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gửi các sở, ban, ngành tham mưu để trình Thường trực Tỉnh ủy.

Báo Gia Lai kỳ vọng trở thành một trong những đơn vị đứng tốp đầu trong các báo Đảng địa phương, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ghi nhận và phản ánh nhanh nhạy, sinh động thực tế cuộc sống cũng như quảng bá, lan tỏa hình ảnh Gia Lai đến với bạn đọc trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với các nhà báo tại buổi tọa đàm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Đức Thụy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với các nhà báo tại buổi tọa đàm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Đức Thụy

Quyết tâm đổi mới, sự sát sao của Ban Biên tập trong nâng cao chất lượng các tuyến bài cùng sự dấn thân, không ngại khó của phóng viên đã mang đến nhiều “trái ngọt”. Mới đây, nhóm tác giả Lê Anh-Vĩnh Hoàng đã đạt giải khuyến khích Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII-2023 với loạt bài 5 kỳ “Đi về hướng mặt trời”. Loạt bài phản ánh sinh động tình trạng tổ chức phản động FULRO lưu vong lợi dụng sự nhẹ dạ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, lôi kéo, kích động biểu tình, bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhà báo Lê Anh chia sẻ: “Để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xâu chuỗi các dữ liệu trong hơn 10 năm trở lại đây, đồng thời trực tiếp gặp những người giữ vai trò cốt cán trong tổ chức FULRO nay đã nhận ra sai lầm để từ bỏ, trở về làm người có ích cho xã hội. Chính họ là những nhân chứng vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn, sự lừa dối trắng trợn của các tổ chức phản động”.

Trong khi đó, tại Giải Báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024, tác phẩm “Làng thanh niên 2 không 2 có: Trợ lực xây dựng nông thôn mới” của nhóm tác giả Phương Dung-Phan Lài đã đạt giải C. Đây là năm thứ 3 Báo Gia Lai nhận giải tại sân chơi này.

Tác phẩm gồm 3 kỳ, phản ánh tình hình phong trào Đoàn-Hội tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số; sự chủ động đổi mới, sáng tạo của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ 2019-2024 bằng mô hình cụ thể, mang nét riêng của tổ chức Đoàn-Hội tỉnh Gia Lai.

Nhà báo Phan Lài-Báo Gia Lai (bìa trái) tại lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024. Ảnh: Minh Nhật

Nhà báo Phan Lài-Báo Gia Lai (bìa trái) tại lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024. Ảnh: Minh Nhật

Nhà báo Phan Lài cho biết: “Khi đầu tư cho tác phẩm chất lượng cao, phóng viên phải dành thời gian suy ngẫm, theo đuổi đề tài mất vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng bù lại, việc hoàn thành loạt bài mang lại nhiều niềm vui, khẳng định tâm huyết, sự nghiêm túc với nghề của mỗi tác giả, nhóm tác giả ”.

Với nỗ lực đó, những năm gần đây, Báo Gia Lai liên tục đạt các giải thưởng đáng khích lệ như: Giải khuyến khích Giải Báo chí quốc gia; giải B Giải Báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”; giải B Giải Báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; giải C Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và nhiều giải cao tại Giải Báo chí tỉnh hàng năm.

Hỗ trợ tác phẩm chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí

Thời gian qua, không riêng Báo Gia Lai, chất lượng tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao nhờ sự quan tâm đầu tư chuyên môn nhằm đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền và nhu cầu của độc giả. Nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh-nhận định: Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam hàng năm cũng đã góp phần tạo ra nguồn cung ứng tác phẩm dồi dào cho các cuộc thi báo chí của trung ương và của tỉnh như: Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng), Giải Báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, Giải Báo chí phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, Giải Báo chí tỉnh Gia Lai, Cuộc thi về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, chỉ tính riêng Giải Báo chí quốc gia, từ năm 2020 đến nay, hội viên các chi hội trực thuộc Hội đã có 6 tác phẩm đạt giải, gồm 2 giải C và 4 giải khuyến khích. Ngoài ra còn có hàng chục tác phẩm đạt giải tại cuộc thi do các bộ, ban, ngành tổ chức. Tháng 6-2023, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 18 cá nhân có thành tích xuất sắc tại các giải báo chí quốc gia năm 2022. Đây là động lực để những người làm báo ở Gia Lai thêm tự tin, tiếp tục dấn thân nhằm sáng tạo thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Ảnh: Lam Nguyên

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Ảnh: Lam Nguyên

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Tỉnh đánh giá rất cao về chất lượng tác phẩm báo chí cũng như đội ngũ người làm báo của các đơn vị báo chí địa phương và Trung ương đứng chân trên địa bàn.

Đối với các vấn đề mang tính thời sự, báo chí luôn thông tin kịp thời; nhiều phóng sự chuyên đề được đầu tư có chiều sâu, hấp dẫn; các thông tin phản biện sắc bén, thuyết phục và có tính xây dựng. Qua kênh thông tin từ báo chí, tỉnh cũng đã ghi nhận, nắm bắt nhiều vấn đề xã hội để điều chỉnh trong công tác điều hành, quản lý. Đặc biệt, thời gian gần đây, báo chí đã có sự đầu tư và chuyển biến mạnh mẽ, tăng cường chuyển đổi số, đưa thông tin phủ mạnh trên các nền tảng số”.

Với câu hỏi làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm báo chí trong thời gian tới, nhà báo Trần Quốc Anh khẳng định, trước tiên, các tác giả/nhóm tác giả phải thật sự máu lửa với nghề, có khát vọng thực hiện các tác phẩm báo chí hấp dẫn, phản ánh sinh động các vấn đề thời sự, vấn đề xã hội thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên cần không ngừng học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống và cách thức làm việc của mỗi nhà báo cũng như các cơ quan báo chí.

Mặt khác, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí địa phương cần thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền để tiếp tục đầu tư trang-thiết bị, phương tiện làm việc cho người làm báo cơ bản hiện đại và đảm bảo tính đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên, hội viên tác nghiệp, phát huy tính sáng tạo để có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Trong khi đó, nhằm xây dựng các cơ quan báo chí tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, tháng 6-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1430/KH-UBND về triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.

Theo kế hoạch trên, mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ quan báo chí địa phương đưa nội dung lên các nền tảng số; có ít nhất 1 cơ quan báo chí địa phương sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí điện tử địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Phấn đấu 2 cơ quan báo chí địa phương gồm: Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh hoạt động, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ. 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

Đến năm 2030, kế hoạch đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì 100% cơ quan báo chí địa phương đưa nội dung lên các nền tảng số; sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Cùng với đó, các cơ quan báo chí địa phương tối ưu hóa nguồn thu, trong đó, 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thời gian qua, Báo Gia Lai đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Ảnh: Đ.T

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thời gian qua, Báo Gia Lai đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Ảnh: Đ.T

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Đối với 2 đơn vị trực thuộc tỉnh là Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, tỉnh đã giao nhiệm vụ xây dựng đề án về chuyển đổi số báo chí; quan tâm dành kinh phí để đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số; đồng thời, đầu tư trang-thiết bị và đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn.

“Đối với các báo trung ương đứng chân tại địa bàn, tỉnh cũng luôn hỗ trợ các văn phòng đại diện và phóng viên để có môi trường làm việc tốt; tạo điều kiện để phóng viên tiếp cận thông tin và cung cấp thông tin chính thống, kịp thời; giữ mối liên hệ chặt chẽ thông qua Hội Nhà báo tỉnh, qua các văn phòng đại diện và với phóng viên. Hàng năm, tỉnh luôn xây dựng kế hoạch hợp tác truyền thông để báo chí đồng hành cùng tỉnh trong các chủ trương, chương trình lớn”-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.