Bài 3. Nhà giàn DK1-Chỗ dựa vững chắc của ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi được xây dựng đến nay, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn KD1 trên thềm lục địa phía Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân khi đánh bắt ở ngư trường này. Dù thiếu thốn nhiều thứ trong cuộc sống giữa nhà giàn nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn sẵn sàng dành cho ngư dân lương thực, thực phẩm và nguyên liệu khi cần…

Bên cạnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thềm lục địa phía Nam là một trong những ngư trường truyền thống của ngư dân đánh bắt xa bờ của Việt Nam nói chung và của ngư dân các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang… Để đến được những ngư trường này, bên cạnh phải đầu tư trang-thiết bị máy móc, tàu thuyền, ngư dân còn phải có quyết tâm bám biển, đánh bắt lâu ngày trên biển. Trong thời gian dài lênh đênh trên biển, ngư dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong đó có thời tiết xấu và những tai nạn rủi ro xảy ra trong quá trình đánh bắt. Trong những tình huống đó, ngư dân thường tìm đến các nhà giàn như một chỗ nương tựa vững chắc giữa biển khơi mênh mông.

 

Huấn luyện công tác sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Giác
Huấn luyện công tác sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tiểu đoàn DK1, hàng năm các nhà giàn đã tiếp nhận và giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng trăm lượt tàu của các ngư dân, trong đó chủ yếu là sơ-cấp cứu, cấp phát thuốc chữa bệnh và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Ngay khi xuồng chở đoàn công tác đến nhà giàn Phúc Nguyên 2 để tặng quà và chúc Tết, chúng tôi đã gặp một chiếc tàu đánh cá của ngư dân vừa rời khỏi nhà giàn. Qua tìm hiểu, được biết đây là tàu đánh cá BS TG93268-TS của ngư dân ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến xin nước ngọt. Trung tá Nguyễn Văn Hùng-Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2 cho biết nhà giàn tiếp nhận trung bình mỗi năm từ 20 đến 30 lượt tàu ngư dân đến nhà giàn để nhờ giúp đỡ, phần lớn là sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển, xin hỗ trợ nước ngọt và nguyên liệu.

Lai dắt tàu ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển phía Nam. Ảnh: Nguyễn Giác
Lai dắt tàu ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển phía Nam. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo Thiếu úy Nguyễn Thành Đạt-y sĩ nhà giàn, trong năm 2013, nhà giàn đã sơ-cấp cứu 25 lượt ngư dân mắc các trường hợp đau ruột thừa, tắc ruột, sỏi thận, bí bàng quang… và chữa trị được 24 trường hợp. Riêng trong mấy ngày đầu năm 2014 đã có 3 phương tiện ghé nhà giàn để nhờ sơ-cấp cứu và cấp thuốc. “Mặc dù lương thực, thực phẩm và nguyên liệu dự trữ trên nhà giàn để đảm bảo hoạt động của cán bộ, chiến sĩ cũng hạn chế nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân nhằm giúp chia sẻ phần nào khó khăn của họ trong lúc đánh bắt xa bờ”-Trung tá Hùng khẳng định. Được biết, dù hàng ngày phải tiết kiệm từng ca nước ngọt (mùa khô phải 2 - 3 ngày mới tắm giặt) nhưng khi ngư dân thiếu, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn sẵn sàng giúp đỡ; kể cả lượng rau xanh hiếm hoi tăng gia sản xuất trên nhà giàn. Để đáp lại tình cảm của bộ đội, một số ngư dân khi đánh bắt trúng mùa hoặc từ đất liền ra thỉnh thoảng cũng ghé nhà giàn biếu cho các anh những món quà từ biển hoặc những trái cây, rau quả tươi mang ra từ quê nhà.

Tại nhà giàn DK1-10, trong năm 2013, đơn vị đã cấp 6.000 lít nước ngọt cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt ngư dân. Đặc biệt, nhà giàn đã cấp cứu thành công 11 ca bị bệnh, tai nạn lao động trên biển. Đó là ngư dân Nguyễn Đức Chính (tàu cá Bạc Liêu) bị rách tay, phải khâu 11 mũi; ngư dân Mai Anh Tuấn (tàu cá Kiên Giang) bị gãy tay; ngư dân Nguyễn Văn Sang (tàu cá Bạc Liêu) bị chấn thương trán…

 

Trồng rau xanh trên nhà giàn DK1. Ảnh: Nguyễn Giác
Trồng rau xanh trên nhà giàn DK1. Ảnh: Nguyễn Giác

Trung tá Bùi Xuân Hoạt-Chính trị viên nhà giàn DK1-10 kể lại một trường hợp cứu sống ngư dân Nguyễn Văn Dũng, 40 tuổi (tàu cá Bạc Liêu) trong tình trạng hôn mê vào cuối tháng 6-2013. Anh Dũng trong lúc ướp cá đã sơ suất bị nắp thùng cá đập vào đầu, ngã xuống hầm tàu, chấn thương toàn thân. Khi đến nhà giàn và phát tín hiệu cấp cứu, cán bộ chiến sĩ đã khẩn trương đưa nạn nhân lên nhà giàn tiến hành cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh, nạn nhân được cấp thêm thuốc, đưa xuống tàu trở về đất liền để tiếp tục điều trị.

Qua tìm hiểu từ các phóng viên là người Tiền Giang đang công tác tại tờ báo Ấp Bắc chung chuyến hành trình cùng các chiến sĩ công tác tại nhà giàn DK1-14 được biết, anh Nguyễn Văn Tuấn-Thuyền trưởng tàu TG2995-TS ấp Lăng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) luôn nhớ đến sự việc anh và các thuyền viên được cứu sống trong sự cố tàu bị chìm tại ngư trường của thềm lục địa phía Nam trong cơn áp thấp nhiệt đới năm 2000. Lúc đó, cả 3 trong 4 chiếc tàu của nhà anh bị ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới nên đều bị chìm, chiếc tàu do anh lái chìm ngay cửa biển. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám với nhau trôi dạt trên biển phó mặc số phận theo dòng nước gần một đêm.

 

Kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Nguyễn Giác
Kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Nguyễn Giác

Khi phao trôi vào gần đến nhà dàn DK1-14 nhưng sóng to nên không thể cập vào được nên anh Tuấn và người em thứ 4 là còn sức khỏe, khó khăn lắm bơi vào nhà giàn và leo lên để cầu cứu. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trên nhà dàn liên hệ với trung tâm cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền. Tuy nhiên, khi vào đất liền, rất tiếc có một thuyền viên tử vong sau đó do trước đó đã bị mất nhiều sức vì cái lạnh và đói trên biển. Dù vậy anh Tuấn vẫn luôn ghi nhớ: Nếu không có các anh trên nhà giàn thì toàn bộ thuyền viên chúng tôi khó có khả năng sống sót. Do vậy, các anh trên nhà dàn cũng như trên các đảo được xem là vị cứu tinh của ngư dân trên biển khi gặp thời tiết xấu!”

Cũng trong chuyến hành trình đến với nhà giàn DK1-14, tàu HQ 953 nhận được tín hiệu cầu cứu của một tàu đánh cá của ngư dân trên biển đang bị trôi dạt. Nhận được thông tin, Chỉ huy tàu HQ 953 xin ý kiến Trưởng đoàn công tác và phân công lực lượng tiếp cận, tìm cách hỗ trợ trong điều kiện sóng to gió lớn ở cấp 6, 7 và đoàn còn nhiều điểm nhà giàn khác phải đến tặng quà.

Theo cán bộ kỹ thuật trên tàu, tàu cá mang số hiệu QNg97029-TS do thuyền trưởng Lê Thắng Nghề điều khiển, bị trục trặc ở hộp số, sau đó không thể điều khiển được và để tàu tự trôi đến khi gặp được tàu HQ 953. Trong điều kiện sóng gió lớn và hành trình chuyến công tác còn dài nhưng tàu HQ953 không thể bỏ mặc tàu bị nạn mà phải tạm dừng để tìm cách giúp đỡ. Trong đêm đó, chúng tôi bắt gặp hình ảnh Thượng úy Mai Tiến Hải-Thuyền trưởng tàu HQ 953 gần như thức suốt đêm để tìm cách giải quyết sao cho vừa cứu giúp tàu bị nạn và cũng vừa đảm bảo lịch trình đoàn công tác! Tàu gặp nạn sau đó được lai dắt về điểm nhà giàn, bộ phận máy được khắc phục và tàu ngư dân tiếp tục đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống vào trưa ngày hôm sau…

Sự hiện diện và sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn nói riêng cũng như các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói chung đã giúp ngư dân yên tâm, vững lòng tin bám biển xa, đặc biệt là ở những ngư trường truyền thống ở thềm lục địa phía Nam, Trường Sa và Hoàng Sa. Những việc làm không chỉ làm gắn kết thêm tình quân dân như cá với nước mà còn hình thành thế trận nhân dân trên biển, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Nam và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Giác

* Bài 4: Vượt sóng dữ

Nằm trơ trọi giữa mặt biển mênh mông trên độ cao từ 30 mét và thường xuyên đối diện với thời tiết khắc nghiệt của biển Đông, bởi vậy, mỗi người lính hải quân khi nhắc đến nhà giàn thì điều mà họ nhớ nhất là "sóng gió" vào mùa biển động.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.