Bài 3: Namyuen-Thị trấn nhỏ nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đến Thái Lan, ấn tượng đầu tiên là sự thân thiện và hiền hòa. Nhân viên Hải quan làm việc rất lịch sự, nhẹ nhàng, người dân thì xếp hàng theo thứ tự chờ đến lượt mình. Điểm đặc biệt trong xuất nhập cảnh ở Thái là sinh viên thì được miễn phí qua cửa. Bên ngoài, không khí chợ cửa khẩu nhộn nhịp, không hề có cảnh chèo kéo khách hàng.

Hôn lễ truyền thống Thái

Khoảng 4 giờ xe, qua trung tâm Ubon Ratchathani, Det Udom, chúng tôi đã đến Namyuen. Trong chuyến đi này chúng tôi kết hợp đi dự đám cưới của chị Quyên (chị bạn thân) lấy chồng là dân bản địa sống tại Namyuen.
 

Đám cưới truyền thống của người Thái. Ảnh: L.V.T
Đám cưới truyền thống của người Thái. Ảnh: L.V.T

Không khí đám cưới rộn rã. Khách đến rất sớm, 7 giờ 30 phút sáng, cô dâu chú rể đã đón khách vào nhà ăn uống và ca hát. Khách không tới một lúc vào một thời gian cố định mà ai rảnh giờ nào thì tới giờ đó, giống như đám cưới ở làng quê Việt Nam. Tiền mừng cưới không bỏ vào bì thư mà để nguyên trần vào một cái thố sắt. Tiền mừng thường 50-500 baht (35.000-350.000 VND). Sẽ có một người ngồi ngay bên bàn, ghi tên vào sổ và xếp tiền. Mỗi khách tới thì đều có một mâm thức ăn riêng với các món thịt heo nướng, Khap Barabau, xôi và một món như súp của Việt Nam. Khách ra về đều được gửi một ít đồ ăn mang theo. Ở Thái cũng giống như Lào, xôi là món đặc trưng. Tôi ấn tượng món Khap Barabau, chế biến từ thịt heo băm nhỏ, xào trong hương vị của lá Barabau, xả và ớt, ăn kèm với xôi. Vị đậm đà của gia vị và quyện với cái dẻo của nếp thơm, ngon lạ.

Đúng giờ lành, cô dâu và chú rể quỳ trước mâm lễ. Mâm lễ trang trí kỳ công, bằng lá dừa kết với hoa lài trắng tạo thành một cái tháp, xòe ra như một đài hoa. Bên cạnh mâm lễ là mâm thức ăn với các món truyền thống. Trên đầu cô dâu và chú rể đội vòng hoa lài, mùi hương tinh khiết thoảng thơm dễ chịu, trong tiếng tụng kinh trầm ấm như lời cầu chúc của chủ hôn. Đôi vợ chồng mới cưới và những người tham dự được chủ hôn vẩy nước hoa lài, tượng trưng cho hạnh phúc, bình an.

Làm lễ xong, cô dâu chú rể được lần lượt từng người thân trong gia đình cột tiền mừng cưới vào cổ tay bằng sợi chỉ màu trắng lấy từ mâm lễ. Chúng tôi cũng được cột những sợi chỉ trắng, hàm ý ước vọng kết nối hạnh phúc bền lâu của đôi trẻ và sự may mắn đến cho mọi người. Nhìn chị Quyên hạnh phúc bên chồng, chúng tôi không khỏi xúc động và chúc chị luôn hạnh phúc.
 

Ảnh: L.V.T
Ảnh: L.V.T

Tấm lòng thơm thảo

Thị trấn Namyuen nhỏ, người ít nhưng rất sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp. Theo chỉ dẫn của anh chủ khách sạn, Namyuen có những ngôi chùa cổ rất đẹp, thế là khám phá. Chúng tôi đi gần 3 km mà không thấy chùa. Càng đi nhà càng ít lại, hai bên đường là ruộng mì, rừng cao su… mở ra. Chúng tôi vừa đi vừa dò hỏi đường, ai cũng ngạc nhiên khi biết chúng tôi đi bộ tới. Một đôi vợ chồng đang làm ruộng, thấy chúng tôi liền vui vẻ bắt chuyện và nói chúng tôi có thể chờ anh chị phun xong thuốc sâu, rồi chở chúng tôi đến chùa Tham Nam Sip, vì hẵng còn xa, đi bằng xe công nông có ngại không? Tất nhiên là chúng tôi không ngại rồi. Và rất bất ngờ vì sự nhiệt tình này.

Ngồi trên xe công nông gập ghềnh, lắc lư qua lại, nhìn đoạn đường lầy lội bùn đất đỏ dưới nắng gắt giữa trưa, chúng tôi thầm ngao ngán lẫn vui mừng. Với 4 km tiếp theo, nếu không đi nhờ xe, chắc chúng tôi bỏ cuộc.

Đón chúng tôi là một sư rất trẻ, độ 14, 15 tuổi. Đường vào chùa là hai hàng trúc xanh mướt, đẹp như tranh. Tôi và cô bạn Sơn trong nhóm thay áo dài để chụp hình với ngôi chùa. Người vợ đã đợi chúng tôi từ trước, cười tươi khen chúng tôi mặc áo dài Việt Nam đẹp. Chúng tôi bất ngờ vì ngôi chùa quá hiện đại không như trong tưởng tượng. Không gian chùa tĩnh lặng, cả một hơi thở nhẹ cũng vang vọng trong căn phòng màu trắng. Chánh điện tôn trí tượng Thích Ca niêm hoa nhập định, khuôn diện từ tốn bao dung với ánh nhìn như soi rọi và gột rửa hết trầm luân kiếp người.

Chúng tôi lễ Phật xong, xuống tới thì thấy người chồng đã đợi sẵn với mấy chai nước mát lạnh. Anh hỏi có muốn đi tiếp lên trên đỉnh núi không? Chúng tôi hồ hởi gật đầu nhưng được nửa đường thì bắt đầu thở không ra hơi. Điểm dừng chân là dã cốc, ăn sâu trong lòng núi, đẹp hoang sơ, thâm u kì bí. Chúng tôi như chạm vào mây trời cõi tịnh.
 

Ảnh: L.V.T
Ảnh: L.V.T

Lên tới đỉnh, anh chỉ cho chúng tôi chỗ mình đứng là điểm tiếp giáp ba nước Thái Lan, Lào, Campuchia. Nhìn khoảng rừng xanh bao la từ trên cao, chúng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ đến được nơi đây, một sự gặp gỡ thật tình cờ. Nhiều bạn đã đi Thái và kể chúng tôi về con người ở đây rất thân thiện và giờ đây được chứng kiến chúng tôi không khỏi xúc động. Chúng tôi được gia đình anh mời cơm khi xuống núi. Người chồng để chúng tôi dùng bữa với vợ, còn anh đi kiếm chút thú rừng tươi khao chúng tôi đổi khẩu vị. Anh đi một lúc thì trời đổ mưa.

Mưa ngớt, anh và một người bạn nữa trở về. Ướt đẫm và lạnh run, anh vẫn cười bảo, mưa to, không săn được con thú nào. Chúng tôi nhìn anh thấy thương quá, tình cảm gia đình anh dành cho chúng tôi thật quá ấm áp. Khi về chúng tôi gửi lại anh ít tiền Việt Nam để kỷ niệm nhưng anh nhất quyết không nhận, khi nói mệnh giá tiền rất ít thì anh mới nhận số tiền ấy.

Về tới khách sạn, chúng tôi còn nhận được điện thoại hỏi thăm của anh. Anh bảo, muốn đi đâu, gọi anh sẽ đến ngay. Mặc dù không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng gia đình anh đúng là một dấu ấn son tươi về tình người thơm thảo trong quốc gia có nền tảng thấm nhuần đạo Phật.

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.