Bài 1: Những thách thức khi hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc tham gia cộng đồng kinh tế AEC và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cho Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng cơ hội mở rộng thị trường nông sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, với tập quán kinh doanh như lâu nay, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản sẽ gặp rất nhiều thách thức.
 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Với nguồn sản phẩm nông sản phong phú và đa dạng, tỉnh ta có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng, như: cà phê, cao su, mì lát... Toàn tỉnh hiện có 41 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại thị trường của 42 nước trên thế giới (trong đó, thị trường các nước TPP chiếm 50%), trung bình tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên dưới 600 triệu USD/năm. TPP sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản lớn giúp chúng ta bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống (Trung Quốc), góp phần làm quá trình điều chỉnh tái cơ cấu xuất khẩu nông sản diễn ra nhanh hơn khi tiếp cận được thị trường các quốc gia thành viên. Song bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng rất lớn.

Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tràn vào ngày càng nhiều, tất yếu khiến các doanh nghiệp tại địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi người tiêu dùng có xu hướng thích dùng hàng ngoại. Theo nhận định của Sở Công thương, nhiều năm nay, giá hàng nông sản biến động bất thường, nông dân và doanh nghiệp luôn cầm chịch giá, nhất là cao su, cà phê, hồ tiêu..., song sản phẩm làm ra chủ yếu xuất thô. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, cà phê sạch cho lợi nhuận cao hơn nhiều cà phê thông thường. Trung bình giá 1 tấn cà phê sạch cao hơn cà phê thường khoảng 40 USD. Nhưng hiện nay, ở tỉnh ta mới có khoảng 2 ngàn ha cà phê được sản xuất theo một trong 4 tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, 4C, Utz, Rainforest) với sản lượng khoảng 7 ngàn tấn, một khối lượng thực sự khiêm tốn. Nông dân trồng cà phê hiện chỉ dừng lại ở “cấp độ’ sản xuất chạy theo số lượng mà hoàn toàn lơ là vấn đề chất lượng, canh tác chưa khoa học và không theo tiêu chuẩn. Còn doanh nghiệp thu mua cũng chỉ quan tâm tới chất lượng sản phẩm một cách tương đối, rồi xuất ra thị trường nước ngoài cũng ở dạng thô. Nói chung, đó là một quy trình trồng-thu hoạch-mua bán “thô” nên giá trị đem lại không cao.

 

Hiệp định TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại. TPP có 12 nước tham gia gồm: Úc, Brunei DarusSalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và
Việt Nam.

Thực tế, nông dân tỉnh ta có tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước những đợt bệnh, dịch. Chưa kể vùng đất canh tác đều được khai thác từ rất lâu, thời gian nghỉ đất quá ngắn để tái sản xuất nên mức độ tiêu diệt những mầm bệnh tiềm ẩn không cao, vô hình trung sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng yếu, sẽ khó được các thị trường khó tính chấp nhận. Thêm nữa, khi thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng tăng lên, việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe sẽ được quan tâm hơn, đồng nghĩa với việc sản phẩm kém chất lượng sẽ còn không được chấp nhận ngay trên “sân nhà”.

Quy tắc xuất xứ là một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng của TPP. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. Những ngành nào, sản phẩm nào, sử dụng các nguyên liệu của nước không phải thành viên TPP đều không được hưởng các ưu đãi thuế suất. Đây sẽ là sức ép vô cùng lớn đối với nông sản Gia Lai, bởi yêu cầu đặt ra là chúng ta phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng loại, đúng quy định, trong khi về vấn đề này chúng ta còn quá lỏng lẻo trong công tác quản lý, điều đó thể hiện ngay tại chất lượng sản phẩm nông sản làm ra và ở kim ngạch xuất khẩu chưa cao.

Có thể nói, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ tiếp cận thị trường, hàng rào kỹ thuật cho đến mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề xa hơn như môi trường, lao động. Khi TPP đi vào thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu sẽ được phân bổ đồng đều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng rất mạnh, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn ít.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.