Từ lúc bị sợi dây thép cắt đứt khí quản, chàng trai người Campuchia không thể nói được. Sau 2 năm, anh được bác sĩ Việt mổ nối khí quản và tìm lại được giọng nói của mình.
Chàng trai người Campuchia tìm lại được giọng nói sau 2 năm "bị câm" |
Vào buổi sáng cách đây 2 năm, chàng trai 28 tuổi người Campuchia trong lúc chạy xe đi giao chổi cho khách thì không may vướng vào sợi dây thép ở công trình xây dựng.
Sợi dây cắt ngang cổ anh khiến bị đứt khí quản. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ đã mở khí quản cấp cứu. Cũng từ đó, anh phải sống với chiếc với ống giúp thở ở cổ.
Tuy nhiên, từ vết thương hình thành sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn vùng sụn khí quản khiến anh không thể nói trong 2 năm. Việc ăn uống vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong một lần sang Việt Nam giao chổi, bạn hàng của anh đưa anh đến bệnh viện thăm khám. Thời điểm đó do khó khăn về chi phí, việc giao tiếp cũng không thuận lợi nên anh từ bỏ.
Mới đây, chàng trai người Campuchia tới bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM với mong muốn được phẫu thuật để nối lại khí quản bị đứt. Với sự trợ giúp của một thân nhân người bệnh, việc trao đổi bệnh sử của anh với bác sĩ cũng thuận lợi hơn.
Theo PGS TS BS Trần Phan Chung Thủy - Giám đốc bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, qua nội soi thanh khí quản, phát hiện sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn vùng sụn khí quản, chỗ bít tắc cách thanh môn 2,5cm. Đoạn bít tắc hoàn toàn đo được là 1,5 cm. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh không thể nói trong 2 năm.
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sẹo hẹp khí quản đoạn cổ độ 4 và quyết định phẫu thuật. Kíp bác sĩ đã cắt đoạn bị hẹp, bóc tách kéo hai đầu khí quản nối vào với nhau.
Ca phẫu thuật thành công hơn dự tính, bệnh nhân được rút nội khí quản sau 2 ngày và 7 ngày sau phẫu thuật, được rút ống nuôi ăn.
Hiện tại, người bệnh đã có thể nói chuyện và tự thở. Tuy nhiên, để lấy lại giọng nói, anh phải tập âm ngữ trị liệu, tập nuốt, tập nói trong thời gian khá dài.
GĐ bệnh viện Tai mũi hong TP cho biết, đối với điều trị sẹo hẹp khí quản, thông thường nếu hẹp ít thì các BS sẽ tiến hành nong hoặc đốt laser.
Tuy nhiên chấn thương đến bít hẹp hoàn toàn như bệnh nhân người Campuchia là trường hơp đầu tiên, nên ê-kíp dùng phương pháp cắt nối khí quản.
Sẹo hẹp khí quản là di chứng do rất nhiều nguyên nhân như bệnh nhân phải đặt nội khí quản, mở khí quản, chấn thương thanh khí quản… gây ảnh hưởng nặng nề tâm lý người bệnh và chất lượng cuộc sống.
Cắt nối khí quản được xem là một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị sẹo hẹp khí quản.
Phương pháp này thường được sử dụng đối với các trường hợp sẹo hẹp khí quản trên 6 tháng gây bít hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn khí quản trên nội soi và đã được điều trị bằng các phương pháp khác nhưng thất bại.
Văn Đức (Vietnamnet)