(GLO)- Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai đã tổ chức diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa chính quyền thị xã Ayun Pa với một số doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hoạt động thiết thực này đã góp phần thu hút các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án, thúc đẩy thị xã Ayun Pa sớm trở thành vùng kinh tế động lực trong tương lai gần.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cà phê Classic-nhận định: Thị xã Ayun Pa nằm ở vị trí giao thông chiến lược, dễ dàng kết nối với TP. Pleiku và các tỉnh: Đak Lak, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định. Hội Doanh nhân trẻ đứng ra làm cầu nối kêu gọi nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng để Ayun Pa phát triển, trở thành vùng động lực kinh tế phía Đông Nam của tỉnh. Hy vọng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm tìm hiểu, đẩy nhanh hoạt động xúc tiến, triển khai các dự án khả thi tại địa phương này.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trao đổi với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Trường Sơn khẳng định: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là ở các vùng kinh tế động lực là 1 trong 4 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Chính vì vậy, Ayun Pa được tỉnh quan tâm bố trí kinh phí, kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển. Cùng với đó, địa phương cũng đang huy động các nguồn lực đầu tư đường vành đai và các tuyến đường nội thị kết nối nhằm mở rộng không gian đô thị; quan tâm chỉnh trang đô thị để thu hút các nhà đầu tư, tạo đà cho thị xã phát triển.
Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa mong muốn: “Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, chăn nuôi tập trung công nghệ cao; xây dựng nhà máy xay xát, sản xuất viên nén trấu; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; phát triển dịch vụ, du lịch. Chúng tôi hoan nghênh và ghi nhận việc các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu, mong muốn đầu tư tại địa phương. Ban Thường vụ Thị ủy sẽ họp thống nhất quan điểm và có văn bản xin chủ trương của tỉnh về một số chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp. Mong rằng nhà đầu tư thấy được sự cầu thị của chính quyền địa phương để mạnh dạn góp sức xây dựng thị xã ngày một phát triển”.
Hướng đến các dự án tương lai
Đến tìm hiểu các điều kiện đầu tư tại thị xã Ayun Pa, ông Hoàng Thanh Tùng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms (Đak Lak) cho biết: Doanh nghiệp quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ để tận dụng các chất thải, phụ phẩm từ chăn nuôi nhằm hình thành chuỗi hoạt động khép kín. Dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 110 tỷ đồng, công suất khoảng 30 tấn/ngày. Cùng với đó, ông cũng tìm hiểu các thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất các thiết bị phục vụ chăn nuôi với nguồn vốn dự kiến khoảng 35 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms thông tin: Doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục triển khai thực hiện 8 dự án chăn nuôi tập trung chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai (7 dự án ở Phú Thiện, 1 dự án ở Chư Pưh) với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó, 1 dự án ở huyện Phú Thiện đã đi vào hoạt động với mức đầu tư 85 tỷ đồng, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 32.000 con heo thịt. Theo ông Tùng, việc đầu tư các dự án sẽ tạo sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội nơi được đầu tư, bởi kèm theo đó là phát triển cơ cấu hạ tầng đồng bộ theo dự án như: đường giao thông, cầu, đường, điện.
Khu công nghiệp Ia Sao (thị xã Ayun Pa) đầu tư cơ sở hạ tầng chờ đón các nhà đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn |
“Chúng tôi đánh giá cao sự cầu thị của chính quyền địa phương trong việc trao đổi cởi mở và giải đáp những thắc mắc mà các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu; đồng thời cam kết sát cánh cùng nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư. Tuy nhiên, qua khảo sát đơn giá đất tại Khu Công nghiệp Ia Sao thì thấy tương đối cao so với mặt bằng chung ở các địa phương khác. Chúng tôi mong muốn chính quyền thị xã Ayun Pa có những chính sách ưu đãi nhằm giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào đây”-ông Tùng đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm thì cho biết: Ngoài đóng vai trò kết nối, ông còn tìm hiểu các thủ tục liên quan đến đất đai cho dự tính đầu tư tổ hợp trung tâm hội nghị tiệc cưới, nhà hàng, khách sạn tại khu vực Bến Mộng với kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng. Ông cũng mong muốn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng góp nguồn lực vào sự phát triển chung của thị xã.
Tham dự buổi gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành khẳng định: Những năm gần đây, Gia Lai nói chung, thị xã Ayun Pa nói riêng luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao. Nhiều nhà đầu tư lớn chọn Gia Lai là điểm đến bởi tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi và phát triển rừng. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp liên quan đến phân bón, chăn nuôi được doanh nghiệp dự kiến chọn đầu tư cũng phù hợp với mục tiêu kêu gọi đầu tư của tỉnh. Do vậy, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp quan tâm đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, bởi đây là vùng nguyên liệu lớn nhưng lâu nay chủ yếu xuất thô, rất cần có giải pháp biến cái thô thành tinh, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc các doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề đầu tư ở Ayun Pa nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi là rất phù hợp. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện bố trí quỹ đất để đẩy nhanh xúc tiến đầu tư. “Giao thông thuận lợi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, năng động sẽ tạo sự bứt phá đưa thị xã Ayun Pa thay đổi. Một khi hạ tầng được kết nối sẽ gắn kết các dự án phát triển một cách bền vững, tạo ra nguồn thu lớn. Các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, quyết định sớm để lựa chọn cơ hội. Quan điểm của tỉnh là sẽ hỗ trợ tối đa về các thủ tục đầu tư, tháo gỡ mọi khó khăn trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp tại địa phương”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN